Hỏi đáp vắc xin Covid-19: Vì sao đã tiêm nhưng vẫn dương tính SARS-CoV-2?
(Dân trí) - Tôi thấy một số trường hợp bác sĩ đã được tiêm vắc xin nhưng vẫn có kết quả xét nghiệm dương tính SARS-CoV-2, xin hỏi chuyên gia vì sao lại như vậy?
Câu hỏi: Tôi thấy một số trường hợp bác sĩ đã được tiêm vắc xin nhưng vẫn có kết quả xét nghiệm dương tính SARS-CoV-2, xin hỏi chuyên gia vì sao lại như vậy?
Trả lời:
PGS.TS Trần Đắc Phu, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết:
Vắc xin là một trong những biện pháp phòng chống bệnh truyền nhiễm hiệu quả và bền vững nhất. Việc nghiên cứu vắc xin thường phải mất 4-5 năm và có vắc xin mất đến 10 năm.
Riêng vắc xin phòng Covid-19 vừa nghiên cứu và sản xuất để đưa ra tiêm đại trà trong chưa đầy một năm nên đều được cấp phép trong điều kiện khẩn cấp hiện nay, chưa biết được thật rõ ràng về việc ngăn cản lây nhiễm Covid-19 ở mức độ nào.
Các vắc xin khác nhau có những hiệu quả phòng bệnh khác nhau, có loại đạt trên 90% nhưng cũng có loại chỉ đạt trên 60%. Tuy vậy, chắc chắn sau tiêm vắc xin Covid-19 làm giảm nhẹ được triệu chứng mắc bệnh nặng cũng như giảm tỷ lệ tử vong.
Bên cạnh tiêm vắc xin, việc thực hiện 5K là vô cùng cần thiết để phòng nguy cơ mắc Covid-19.
PGS.TS Đào Xuân Cơ, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Tổng Thư ký Hội Hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam chia sẻ:
Thứ nhất, không có một loại vắc xin nào phòng ngừa được 100%.
Thứ hai, trên thế giới, tất cả công trình nghiên cứu, theo dõi sau tiêm vắc xin hơn một năm qua, với người đã được tiêm vắc xin, khi không may nhiễm SARS-CoV-2 thì triệu chứng nhẹ hơn người chưa tiêm. Tỉ lệ tử vong với người đã được tiêm thấp hơn rất nhiều (rất hiếm tử vong) với người chưa được tiêm vắc xin.
Thời gian qua một số cán bộ y tế được tiêm vắc xin nhưng vẫn nhiễm SARS-CoV-2, những ca này có tải lượng virus rất thấp, không có triệu chứng lâm sàng, vì vậy nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng cũng thấp hơn. Vì thế, việc tiêm vắc xin là cần thiết.