Hội chứng ống cổ tay khi bầu bí
(Dân trí) - Hội chứng ống cổ tay (hội chứng đường hầm, hội chứng chèn ép thần kinh giữa) là do tình trạng tăng tiết dịch ở quanh các dây thần kinh ở cổ tay, dẫn đến ngứa, đau, tê rần, bì bì và làm yếu ngón tay, bàn tay; thường gặp ở giai đoạn cuối thai kỳ.
Người bị hội chứng này rất khó để cầm chắc đồ vật cũng như thực hiện các thao tác đòi hỏi sự phối hợp giữa bàn tay và ngón tay. Nó cũng gây khó khăn hơn cho các hoạt động phức tạp như viết lách và thường tập trung ở ngón tay trỏ và ngón giữa. Nó cũng có thể đặc biệt gây đau khi thức giấc vào buổi sáng do tay đã bị gập cả đêm.
Nếu gia đình hay bản thân đã từng mắc hội chứng này, hoặc bản thân gặp các vấn đề về lưng, cổ hay vai, chẳng hạn như bị lồi đĩa đệm, bị chèn ép rễ thần kinh từ đốt sống cổ hay chấn thương cổ thì càng có nguy cơ bị hội chứng ống cổ tay.
Tương tự, tăng cân quá nhanh khi có thai cũng làm gia tăng sự phát triển của hội chứng này. Điều này có thể xảy ra khi mang đa thai hay trước khi mang thai đã thừa cân hoặc bị "chửa ngực".
Mặc dù gây khó chịu nhưng hội chứng ống cổ tay không phải là một bệnh quá nghiêm trọng và thường giảm dần đến khỏi hẳn sau khi sản phụ sinh con được 1 - 2 tuần, lúc mà các hormone và chất dịch trong cơ thể đã trở lại bình thường. Rất hiếm khi vấn đề cần phải có sự can thiệp của y học. Nếu vẫn tiếp tục thấy tê rần các đầu ngón tay trong những tháng sau sinh thì một ca phẫu thuật giảm đau là cần thiết.
Ngăn ngừa
Chế độ ăn cân bằng sẽ giúp tránh tăng cân qua nhanh, giúp duy trì lượng muối, đường và mỡ trong cơ thể ở mức tối thiểu. Uống ít nhất 8 cốc nước, ăn ít nhất 5 khẩu phần rau quả mỗi ngày và chỉ ăn một lượng nhỏ protein (thịt, trứng, đậu đỗ và meat, poultry, eggs, beans, pulses).
Ăn nhiều các thực phẩm giàu vitamin B có tác dụng bổ thần kinh. Có thể dùng vitamin B tổng hợp nhưng nên hỏi bác sĩ trước khi dùng vì nếu quá liều sẽ rất nguy hiểm.
Nếu bị "chửa ngực" thì cần phải dùng loại áo bra dành cho bà mẹ đang cho con bú.
Biện pháp đơn giản
Trao đổi với bác sĩ chăm sóc về việc mang nẹp tay khi ngủ để giảm thiểu nguy cơ gập tay vô thức trong lúc ngủ. Một nghiên cứu cho thấy việc mang nẹp sẽ giúp cải thiện tình trạng tê bì tay ở đa phần các trường hợp.
Các liệu pháp thảo dược
Uống trà hoa cúc có tác dụng giảm viêm. Bắp cải xoăn lá xanh sẫm giúp giảm sưng nề (bọc lá cải quanh cổ tay cho tới khi lá chảy nước thì thay lá mới, dùng đến khi thấy tình trạng được cải thiện).
Luyện tập: Một "công nghệ" tập tay đơn giản là dùng tay này để mát xa cổ tay kia, nhằm thúc đẩy tuần hoàn máu, giảm sự tắc nghẽn các dịch lỏng ở khu vực này. Nên mát xa nhẹ nhàng bàn tay và cánh tay. Đặt tay lên gờ giường khi ngủ.
Có thể dùng đá chườm hay dùng túi chườm lạnh để giảm đau ở cổ tay nhưng không phải lúc nào biện pháp này cũng có tác dụng. Luyện tập nhẹ nhàng đầu ngón tay và cổ tay sẽ giúp lưu thông các dịch trong cơ thể, tăng tuần hoàn máu giúp tay cử động dễ hơn.
Dùng các loại tinh dầu cây bách, hoa cúc để xoa bóp. Nhỏ 2 giọt tinh dầu vào nước ấm hay lạnh tuỳ sở thích rồi dùng khăn nhúng vào nước và bọc quanh cổ tay.
Mát xa: xoa nhẹ nhàng từ bàn tay và cổ tay, hướng dần lên nách và vai, cổ, lưng trên.
Nếu các biện pháp trên không hiệu quả thì có thể tới trung tâm vật lý trị liệu, bấm huyệt, châm cứu để được điều trị.
Thuật châm cứu có thể giúp giảm đau do hội chứng ống cổ tay hiệu quả hơn cả là nắn xương khớp với sự tác động tới cả cơ, xương và các khớp, dây chằng; giúp giảm áp lực cho cổ tay, bàn tay, các ngón tay, cũng như vai, cổ và lưng trên.
Thu Trang