1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

"Hỏa tốc" lấy 1.600 mẫu máu xét nghiệm tìm kháng thể SARS-CoV-2

Vân Sơn

(Dân trí) - Với quyết tâm sớm kiểm soát nguy cơ dịch bệnh, chiều 9/2 Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã chỉ đạo lấy 1.600 mẫu máu xét nghiệm tìm kháng thể SARS-CoV-2.

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo Phòng chống Covid-19 của TPHCM chiều 9/2 Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đánh giá đây là đợt bùng phát dịch Covid-19 tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất. Sau bệnh nhân 1979 đã phát hiện thêm nhiều trường hợp khác nhưng phát sinh tình huống khi F1 đã âm tính nhưng F2 lại dương tính. Về mặt logic, có thể ca bệnh 1979 không phải trường hợp đầu tiên nhiễm SARS-CoV-2. Nguồn lây từ đâu đến nay vẫn chưa thể khẳng định, Bộ Y tế đang phối hợp với các đơn vị liên quan điều tra, làm rõ.

Hỏa tốc lấy 1.600 mẫu máu xét nghiệm tìm kháng thể SARS-CoV-2 - 1

1.600 mẫu máu sẽ được lấy xét nghiệm để tìm kháng thể của SARS-CoV-2 trong cộng đồng (ảnh: Phạm Nguyễn)

Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: "Trong đợt dịch này, chúng ta càng làm nhanh thì càng sớm đuổi theo được dấu vết của virus SARS-CoV-2 mặt khác nếu chậm trễ sẽ không thể kiểm soát được nguy cơ dịch bệnh. Trước mắt, cần tăng cường công tác khoanh vùng, dập dịch, cách ly càng sớm càng tốt tại các điểm nguy cơ. Đến chiều 9/2 còn nhiều trường hợp F1 và F2 chờ kết quả xét nghiệm, đề nghị ngành y tế thành phố, các bệnh viện, Viện trực thuộc Bộ Y tế thực hiện các phương án phù hợp để xóa bỏ khái niệm "chờ kết quả" phải thực hiện điều phối mẫu xét nghiệm để thực hiện ngay sau khi lấy mẫu phục vụ công tác truy vết tốt nhất".

Hỏa tốc lấy 1.600 mẫu máu xét nghiệm tìm kháng thể SARS-CoV-2 - 2

Dịch bệnh đang diễn biến khó lường, nguy cơ lây nhiễm ở mức cao, thành phố kêu gọi người dân đồng lòng thực hiện các biện pháp chống dịch (ảnh: Phạm Nguyễn)

Ngay trong chiều 9/2 Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đã chỉ đạo Viện Pasteur lấy 1.600 mẫu máu xét nghiệm kháng thể để tìm những trường hợp đã mắc SARS-CoV-2 nhưng đến thời điểm này đã qua giai đoạn kháng nguyên. Từ kháng thể phát hiện sẽ tiếp tục truy vết thêm trong các mối liên hệ đối với các trường hợp kháng thể dương tính để khoanh vùng xử lý dịch trong cộng đồng.

Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị Viện Pasteur đẩy nhanh tốc độ phân tích, giải mã trình tự gen của virus đặc biệt là các chủng đột biến có liên quan đến các chủng đã xuất hiện ở Chí Linh, Vân Đồn hoặc các chủng đột biến từng xuất hiện ở Anh, Nam Phi, Brazil… hay không. 

Hỏa tốc lấy 1.600 mẫu máu xét nghiệm tìm kháng thể SARS-CoV-2 - 3

Sân bay Tân Sơn Nhất nơi phát hiện nhóm nhân viên phục vụ mặt đất dương tính với SARS-CoV-2 nhưng không tiếp xúc với hành khách (ảnh: Quốc Anh)

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết: "Diễn biến ổ dịch tại công ty bốc xếp phục vụ mặt đất ở cảng hàng không chưa xác định được nguồn lây nhiễm cũng như thời điểm khởi đầu nên rất khó kiểm soát. Thông thường ca bệnh chuyển từ F1 sang F2 nhưng thực tế hiện nay nhiều ca bệnh chuyển từ F2 sang F0. Chưa chắc nguồn lây của ổ dịch bắt nguồn từ các ổ dịch trong nước".

Theo ông Nguyễn Thành Phong, hiện nay, tình hình dịch Covid-19 tại TPHCM đang ở mức độ nguy cơ rất cao, cần sẵn sàng có kịch bản cho tình huống khẩn cấp. Từ bệnh viện dã chiến đến hệ thống xét nghiệm, điều trị cần huy động toàn bộ lực lượng tham gia chống dịch dưới sự chỉ đạo của tổ thường trực chống dịch Bộ Y tế vừa tăng cường cho thành phố. Các cơ sở y tế khác ngoài hệ thống cách ly của quận huyện cần sẵn sàng phương án hợp sức.

Trong điều kiện đón xuân vui Tết của nhân dân thành phố yêu cầu những người đứng đầu địa phương không được phép rời khỏi vị trí chiến đấu vì sự an toàn của người dân và sự an toàn của thành phố. Phải khẩn trương, thần tốc, quyết liệt, đồng bộ trong mọi hoạt động không được chủ quan lơ là với bất kỳ tình huống nào có nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TPHCM bày tỏ: "Thành phố mong Bộ Y tế hỗ trợ để đánh giá thực tế đang diễn ra của ổ dịch tại sân bay Tân Sơn Nhất là sự lây lan âm thầm từ trước hay là có vấn đề bất thường trong quá trình điều tra truy vết. Tìm ra được nguyên nhân sẽ giúp chúng ta bình tĩnh, chủ động và có phương án chặt chẽ để không chế, dập dịch".

Hỏa tốc lấy 1.600 mẫu máu xét nghiệm tìm kháng thể SARS-CoV-2 - 4

Nếu tìm được kháng thể sẽ tạo tiền đề quan trọng trong việc truy vết, chủ động xử lý nguy cơ lây nhiễm (ảnh: Phạm Nguyễn)

Bí Thu Nguyễn Văn Nên cho biết, công tác khoanh vùng dập dịch của thành phố đã triển khai quyết liệt nhưng cũng có một số ý kiến của các nhà khoa học cho rằng nên mở rộng thêm khu vực khoanh vùng. Vấn đề này thành phố và tổ thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia chống dịch Covid-19 nghiên cứu phương án có cần mở rộng xét nghiệm, tìm thêm các điểm nguy cơ để kịp thời phát hiện, xử lý động bộ hơn hay nên thực hiện chặt chẽ có trọng tâm, trọng điểm nhận định hướng đi, luồng đi của ca bệnh với các địa bàn trọng điểm chứ không nên làm tràn lan gây ảnh hưởng đến cộng đồng.