Hóa mỹ phẩm: Thơm, đẹp nhưng lắm hiểm họa
Các loại dầu gội đầu luôn có chất tẩy rửa được bào chế để làm sạch tóc, hợp chất sulphates, chất bảo quản paraben, hương liệu… dễ gây kích ứng da hoặc dị ứng nghiêm trọng.
Khi trang điểm, bạn có nguy cơ tiếp xúc với một số độc chất. Ảnh: Xuân Thảo
Trong cuộc sống, có vô số độc chất mà chúng ta tiếp xúc hằng ngày. Liệu có bao giờ bạn tự hỏi mình sẽ tiếp xúc với bao nhiêu hóa chất độc hại từ chuyện làm đẹp trước khi ra đường?
Mê hoặc người tiêu dùng
Sau những động tác thể dục buổi sáng, thường là bạn vào nhà tắm và bắt đầu sử dụng xà bông. Đây là liều độc chất đầu tiên mà bạn tiếp xúc.
Xà bông tắm có thể chứa những chất gây ung thư, được biết đến nhiều nhất là dẫn chất paraben vốn bị tình nghi liên quan đến bệnh ung thư vú (theo một báo cáo thực hiện tại Anh năm 2004). Ngoài xà bông tắm, gel tắm, chất vệ sinh thân thể cũng chứa các hóa chất nhũ tương, chất ổn định hoặc tạo mùi, tạo bọt, chất bảo quản… đều có khả năng gây kích ứng da.
Trong khi gội đầu, bạn không hề biết các loại dầu gội đầu luôn có chất tẩy rửa được bào chế để làm sạch tóc; hợp chất sulphates, chất bảo quản paraben, hương liệu… dễ gây kích ứng da hoặc dị ứng nghiêm trọng. Bên cạnh đó, không loại trừ việc sẽ còn những độc chất khác mà nhà sản xuất ém nhẹm, không ghi lên nhãn bao bì sản phẩm hoặc ghi những thành phần sáng giá để mê hoặc người tiêu dùng rằng đây là sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên nên không gây hại.
Rất nhiều thành phần được bào chế từ thiên nhiên dưới dạng dịch chiết hoặc đã qua xử lý, các quá trình này sẽ làm thay đổi toàn bộ cấu trúc của thành phần gốc, thậm chí biến chúng thành những độc chất gây ung thư.
Để hạn chế việc tiếp xúc với các loại xà bông tắm, dầu gội đầu chứa chất độc hại, bạn nên chọn loại xà bông tắm mà trong thành phần có chứa dầu rau cải và các loại dầu gội đầu nguồn gốc từ dược thảo.
Sợ... hóa chất thô
Mỹ phẩm làm ẩm da chứa chất vinyl và một số thành phần thu hút chất ẩm từ không khí vào da của bạn. Thông thường, sản phẩm chăm sóc da có thành phần chính là nước và các chất cân bằng pH, tạo độ nhầy, bảo quản, tạo hương…
Cho dù những chất bảo quản ghi trong sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên thì chúng cũng được chứa trong các hóa chất thô khác để kéo dài thời gian bảo quản. Dĩ nhiên, những hóa chất thô này sẽ không được ghi vào thành phần sản phẩm. Chẳng hạn, paraben đã gây nhiều tai tiếng trên thị trường nhưng nhiều nhà sản xuất vẫn sử dụng chúng hoặc các thành phần tương tự dưới dạng tên thương mại. Một trong những chất này là Germaben ll chứa 56% propylene glycol, 30% diazolidinyl urea, 11% methyl paraben và 3% propylparaben. Germaben ll thoạt nghe dường như vô hại đối với người tiêu dùng nên thường được nhà sản xuất đưa ra làm “mặt nạ” cho các chất độc hại khác.
Một số bạn gái thường dùng baby oil để làm ẩm cơ thể. Thế nhưng, baby oil chỉ đơn giản là dầu khoáng tác động như chất keo bao bọc da, ngăn cản chất dinh dưỡng thâm nhập da và hạn chế da thải độc chất ra bên ngoài, làm tắc nghẽn sự trao đổi chất, trong khi da là cơ quan chính đảm nhận vai trò bài tiết cho cơ thể. Nếu trẻ vô tình đưa vào miệng, chất này sẽ xâm nhập bộ máy hô hấp gây hậu quả nghiêm trọng, thậm chí tử vong, bởi chúng bao phủ hệ thống hô hấp, ngăn cản sự lưu thông ôxy.
Khi trang điểm, bạn tiếp xúc với một số độc chất như dầu paraffin, những chất bảo quản cũng có khả năng gây ung thư, những kim loại độc như chì, chromium, arsenic, chất tạo màu nhân tạo... sẽ khiến da bạn nhanh chóng xuất hiện nếp nhăn. Nước hoa cũng chứa các chất gây dị ứng hoặc có thể tác động vào hệ thần kinh trung ương.
Tóm lại, từ lúc tắm đến giai đoạn cuối cùng là xịt nước hoa, bạn đã lai rai tiếp xúc với khoảng 250 hợp chất hóa học chực chờ uy hiếp sức khỏe.
Cẩn trọng với keo xịt tóc
Khi làm tóc, bạn vô tình đưa vào tóc vài tác nhân như keo xịt tóc chứa chất vinyl giúp mái tóc xơ rối trở nên bồng bềnh, óng ả. Tuy nhiên, đừng chủ quan nghĩ rằng chất này vô hại với cơ thể. Nếu hít phải, chúng ta sẽ mắc những chứng bệnh về đường hô hấp. Vì vậy, cần hạn chế sử dụng keo xịt tóc và chỉ nên xịt trong những dịp đặc biệt.
Theo DS Nguyễn Bá Huy Cường
ĐH Dược Murdoch - Úc/Người lao động