1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Hòa Bình: Nhiều huyện có có tỉ số giới tính khi sinh cao nhất nước

(Dân trí) - Theo thống kê của Tổng cục Dân số kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), Hòa Bình là một trong 10 tỉnh có tỷ số giới tính khi sinh cao nhất cả nước.

Hòa Bình: Nhiều huyện có có tỉ số giới tính khi sinh cao nhất nước
Sự mất cân bằng giới tính sẽ ảnh hưởng đến tương lai sau này của trẻ em.

Ở nước ta, trong 5 năm gần đây, sự mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) ngày càng thể hiện rõ, tăng trung bình 1 nam qua các năm, hiện là 112nam /100nữ. Trong đó, Hòa Bình có mức tăng trung bình là 2 - 4 nam và hiện đạt 119,9 nam/100 nữ trong đó cao nhất là Lương Sơn (129,4), Lạc Thủy (123,7), Yên Thủy (119,2).... Và điều này cảnh báo nguy cơ mất cân bằng giới tính nghiêm trọng sẽ diễn ra trong tương lai ở các địa phương trong tỉnh.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Mai Phương, Chi cục phó Chi cục DS-KHHGĐ, nguyên nhân của tình trạng mất cân bằng giới tính, xu hướng lựa chọn giới tính thai nhi xuất hiện ngay lần sinh đầu tiên ở Hòa Bình nói riêng và cả nước nói chung là do trong xã hội vẫn còn tư tưởng trọng nam khinh nữ, muốn có con trai để nối dõi tông đường. Đồng thời, khi thực hiện chính sách về DS-KHHGĐ và khi đời sống nâng cao, mọi người càng cân nhắc hơn đến việc lựa chọn giới tính khi sinh con. Điều đó lý giải vì sao không ít gia đình đã tìm mọi cách để có con như ý muốn thông qua việc thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt, tiến hành siêu âm xác định giới tính và nạo phá thai khi thai nhi có giới tính không như mong muốn.
 
Nguyên nhân phụ trợ là do tính chất công việc phải đòi hỏi lao động cơ bắp của con trai, trụ cột về lao động. Do chế độ an sinh chưa đảm bảo (hiện có khoảng 70% dân số sống nông thôn không có lương hưu, khi về già họ cần con trai để phụng dưỡng chăm sóc). Do chính sách đối với nữ giới chưa thoả đáng, bình đẳng giới chưa được quan tâm đầy đủ...

Để khống chế tốc độ gia tăng dân số mất cân bằng giới tính Chi cục DS-KHHGĐ đã chủ động tham mưu cho Sở y tế Hòa Bình ra quyết định về việc thành lập Ban chỉ đạo triển khai thực hiện kế hoạch giảm thiểu MCBGTKS. Tăng cường sự phối hợp liên ngành trong việc triển khai thực hiện các hoạt động tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức, thái độ và chuyển đổi hành vi của người dân, dần xóa bỏ quan niệm cũ phải có con trai nối dõi tông đường tại 71 xã của 5 huyện Lương Sơn, Cao Phong, Yên Thủy, Đà Bắc, Tân Lạc.

Tư vấn về giới và giới tính khi sinh cho nam, nữ thanh niên đăng ký kết hôn. Tổ chức hội nghị triển khai mô hình can thiệp giảm thiểu MCBGTKS cho 50 đại biểu. Phối hợp với Hội nông dân tổ chức 11 cuộc hội thảo chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, xây dựng gia đình văn hóa của Nam nông dân làm kinh tế giỏi, sinh con một bề là gái, không sinh con thứ 3. Phối hợp với thanh tra Bộ y tế, thanh tra Sở y tế Hòa Bình kiểm tra, giám sát các Cơ sở y tế thực hiện quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi tại 3 đơn vị. Nhân bản và cấp phát cuốn “MCBGTKS thực trạng và giải pháp” cho cán bộ cơ sở để làm tài liệu truyền thông…

Việc giải quyết tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh có ý nghĩa quan trọng hàng đầu với sự phát triển KT-XH bền vững, nên không chỉ là nhiệm vụ của ngành Y tế. Thời gian tới, tỉnh Hòa Bình cần có những giải pháp đồng bộ và đột phá, tập trung giải quyết vấn đề này một cách quyết liệt và có trọng điểm. Việc kiểm soát giới tính khi sinh này cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Hồng Dung - Duy Tuyên