Hô, lệch răng vì miếng gặm... nướu

Trong giai đoạn trẻ mọc răng sữa, nhiều bậc phụ huynh có con nhỏ thường cho con dùng miếng cắng răng hay còn gọi là miếng gặm nướu. Tuy nhiên, theo các nha sĩ, việc làm này sẽ mang đến những ảnh hưởng không đán có đối với sự phát triển răng, hàm của bé.

Chắc là phải đảm bảo...

 

Chị Nguyễn Quỳnh Nga (Giáp Bát, Hà Nội) có con nhỏ hơn 4 tháng tuổi và bắt đầu mọc răng. Nghe bạn bè “tư vấn”, chị Nga tìm đến mấy cửa hàng bán đồ dùng cho trẻ nhở. Nhưng trước vô số các loại đồ gặm nướu và cả gel bôi để giảm sưng đau lợi cho trẻ mọc răng, chị lại không thể quyết định mua loại nào.

 

Trên thị trường hiện nay có bán miếng cắn bằng nhựa dẻo hoặc silicon có nước hoặc không có nước bên trong với đủ các hình dáng như cá, bướm, hình thú, hình hoa... Có loại còn kèm theo cả lục lạc tạo cho trẻ cảm giác thích thú khi chơi.

 

Những sản phẩm này được quảng cáo là dùng cho trẻ trong giai đoạn mọc răng sữa từ 3 – 12 tháng tuổi, giúp trẻ nhay, gặm để đỡ ngứa lợi. Ngoài ra, còn có nhiều miếng cắn có thêm chức năng mát xa lợi, giảm sưng đau. Thậm chí có cả những loại gel được giới thiệu là giảm sưng đau, giúp trẻ cảm thấy thoải mái, dễ chịu, đỡ quấy khóc.

 

Các mẫu mã sản phẩm phong phú của các hãng Dora, Sassy, Nuk, FissherPrice, Phisiotoy... cho đến cả các hãng chẳng có tên tuổi gì được người bán hàng giới thiệu là hàng nhập khẩu của Đài Loan, Hàn Quốc, Đức, Mỹ... Hàng bình thường có giá từ 35 – 50.000đ. Hàng xịn hơn với những hình dáng đẹp mắt, có lục lạc kêu hay có chức năng mát xa thì có giá cao hơn gấp 3 – 4 lần.

 

Hỏi đến công dụng của mỗi mặt hàng thì người bán nào cũng có thể trả lời vanh vách như... bác sĩ nha khoa rằng những miếng cắn này để trẻ gặm cho đỡ ngứa lợi, giảm sưng đau, đồng thời còn có tác dụng kích thích tuyến nước bọt, sẽ tránh được bệnh sâu răng sau này. Nhưng khi có thắc mắc về loại có nước bên trong là nước gì thì những người bán hàng lại lúng túng.

 

Hàm, răng sẽ phát triển lệch lạc

 

Theo TS Phạm Như Hải, Trưởng khoa Răng, bệnh viện Việt Nam – Cu Ba, không có chuyện nhai gặp các đồ vật làm kích thích tuyến nước bọt thì sẽ tránh được sâu răng. Hơn nữa, việc cho trẻ dùng các đồ gặm nướu như vậy sẽ làm cho xương hàm phát triển quá mạnh, điều đó không hoàn toàn tốt cho trẻ.

 

Các nhà khoa học khuyên rằng khi trẻ bắt đầu có răng và biết nhai, các bà mẹ nên cho con ăn đồ ăn có chất xơ. Việc trẻ nhai thức ăn sẽ giúp xương hàm phát triển một cách tự nhiên. Tuy nhiên, nếu kích thích quá nhiều bằng cách cho trẻ dùng đồ gặm nướu sẽ làm cho xương hàm phát triểm mạnh trong khi kích thước răng là do di truyền từ cha hoặc mẹ. Như vậy, bộ răng, hàm sẽ phát triển lệch lạc.

 

TS Hải khẳng định: Trẻ có bị sâu răng hay không là do cách vệ sinh răng miệng. Các bậc phụ huynh nên giám sát và giúp đỡ con đánh răng ít nhất đến khi trẻ được 6 tuổi để trẻ có được hàm răng phát triển chắc, khỏe và không bị sâu.

 

Việc đánh răng nên được bắt đầu từ khi trẻ mọc răng và chỉ nên đánh bằng bàn chải lông mềm và đầu nhỏ.

 

Theo Lê Na

Sức khỏe & Đời sống