Ho gà có thể gây biến chứng viêm não

(Dân trí) - Ho gà là bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp tính và thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Nếu không được điều trị, bệnh có thể gây những biến chứng nặng dẫn đến viêm não.

Chẩn đoán ho gà ở trẻ em, có những trường hợp có triệu chứng rõ ràng rất dễ nhận biết, nhưng cũng có trường hợp chẩn đoán lại rất khó khăn, vì ở trẻ, có rất nhiều bệnh khác liên quan đến ho, đặc biệt ở trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ dưới 6 tháng (những trẻ chưa được tiêm phòng) càng khó chẩn đoán hơn.

 

Theo Bác sĩ, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng - Phó trưởng khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai - cha mẹ có thể căn cứ vào một số triệu chứng sau để nhận biết cơn ho của trẻ:

 

Giai đoạn đầu, bệnh thường biểu hiện bằng ho nhẹ. Sau 7-10 ngày, ho sẽ nặng dần và trở thành cơn, kéo dài. Cơn ho gà ở trẻ lớn thường là những cơn ho rũ rượi, ho đến nôn oẹ, ho từng cơn, nhưng sau cơn ho đứa trẻ lại hoàn toàn bình thường. Cơn ho sẽ dễ dàng xuất hiện khi trẻ khóc, sặc.

 

Những cơn ho gà rũ rượi có thể khiến trẻ bị phù mắt, chảy máu mắt. Trẻ nhỏ mắc ho gà, đặc biệt với trẻ quá nhỏ nếu không được điều trị sẽ nguy hiểm, thậm chí bị tử vong, vì cơn ho có thể tắc đầm, làm trẻ bị ngạt thở.

 

Ho gà ở trẻ dưới 3 tháng tuổi thường biểu hiện rất nặng và có thể gây tử vong. Ngoài ra, ho gà có thể có các biến chứng viêm phổi, xuất huyết kết mạc, thiếu ôxy não, biến chứng viêm não.

 

Khi trẻ bị ho gà, cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện để được bác sĩ khám và điều trị ngay. Không nên có quan niệm ho gà phải kéo dài đủ 3 tháng 10 ngày mới hết và không điều trị bằng thuốc gì. Được điều trị càng sớm, trẻ càng ít có nguy cơ bị biến chứng sau ho hành.

 

Trong thời gian điều trị, cần cho trẻ uống nhiều nước, ăn thức ăn dễ tiêu. Lưu ý, khi trẻ uống nước, bú, ăn cháo… không nên cho trẻ ăn quá nhanh tránh bị sặc.

 

Muốn phòng ho gà cho trẻ, cần cho trẻ tiêm văcxin phòng ho gà. Cho trẻ tiêm đủ 3 mũi theo đúng lịch tiêm sẽ có khả năng phòng bệnh rất lớn, đến 90%.

 

Hồng Hải