Hít phân su khi sinh, bé trai suýt chết vì viêm phổi

(Dân trí) - Vừa chào đời, bé trai cân nặng 3,7kg có những triệu chứng nguy hiểm, đe dọa tính mạng. Sau chẩn đoán bệnh nhi bị viêm phổi hít phân su, bác sĩ quyết định chạy oxy hóa máu qua màng ngoài cơ thể, giúp bệnh nhi qua nguy kịch.

Ngày 10/8, thông tin từ BS-CKII Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố cho hay, tại đây đã tiếp nhận và kịp thời can thiệp cứu sống bé sơ sinh trong tình trạng rất nguy kịch. Bệnh nhi là bé trai con bà P.T.T. (ngụ tại Buôn Ma Thuật, Đắk Lắk) ngay sau khi chào đời phải nhập viện trong tình trạng khó thở, tím tái, lơ mơ, hôn mê.

Hít phân su khi sinh, bé trai suýt chết vì viêm phổi - 1

Bệnh nhi bị viêm phổi nặng do hít phân su khi chào đời

Khai thác bệnh sử của các bác sĩ từ phía gia đình ghi nhận, bé trai chào đời bằng phương pháp sinh thường tại bệnh viện địa phương. Người mẹ vượt cạn khi mang thai đủ tháng, cân nặng sau khi chào đời của bé là 3,7kg. Tuy nhiên, sau sinh bé rơi vào tím tái, thở rên, co kéo, rút lõm ngực nặng, lơ mơ. Các bác sĩ ghi nhận nước ối của sản phụ có màu vàng đặc, màu ối nhuộm da trẻ. Trước tình trạng bé bị suy hô hấp nặng, các bác sĩ sơ cứu tích cực, hô hấp thở oxy, đặt nội khí quản giúp thở và cho bé sử dụng kháng sinh rồi nhanh chóng chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.

Qua thăm khám, kiểm tra hình ảnh ngay sau khi bé nhập viện các bác sĩ chẩn đoán, bệnh nhi bị suy hô hấp nặng, viêm phổi hít phân su. Ngay lập tức cháu được cho thở máy, kháng sinh, dịch truyền tĩnh mạch. Tuy nhiên, diễn tiến bệnh ngày càng xấu bệnh nhi rơi vào suy hô hấp nặng, tím tái. Dù bác sĩ đã chuyển chế độ máy rung tần số cao, nhưng tình trạng không cải thiện, tím tái, độ bão hòa oxy máu giảm nặng… cháu bé đối mặt với nguy cơ tử vong bất kỳ lúc nào.

Hít phân su khi sinh, bé trai suýt chết vì viêm phổi - 2

Các bác sĩ đã đặt thành công hệ thống ECMO giúp bệnh nhi qua nguy kịch

Trước tình trạng nguy cấp, bệnh viện đã tiến hành hội chẩn, các bác sĩ quyết định thực hiện giải pháp cứu cánh cuối cùng là chạy ECMO (oxy hóa máu qua màng ngoài cơ thể). Ê kíp bác sĩ đã đặt thành công cannula mạch máu trên cơ thể trẻ sơ sinh và gắn nối với hệ thống máy ECMO để cung cấp oxy qua màng ngoài cơ thể, từ đó chuyển máu có oxy vào hệ tuần hoàn trong cơ thể để cung cấp oxy cho mô và các cơ quan trong cơ thể trẻ.

Sau gần một tuần chạy ECMO, điều trị hỗ trợ tích cực, tình trạng suy hô hấp trẻ cải thiện dần, sự sống đã trở lại, bé đã cai máy ECMO, thở máy với thông số thấp, tình trạng sức khỏe cải thiện tốt, tổn thương phổi phục hồi, chức năng trao đổi oxy của phổi hiện đã hoạt động rất tốt, chức năng các cơ quan ổn định. Hiện bệnh nhi đã được rút ống nội khí quản, tự thở, ăn sữa hoàn toàn, tình trạng nhiễm trùng không còn ở mức nguy hiểm. 

Hít phân su khi sinh, bé trai suýt chết vì viêm phổi - 3

Bệnh nhi đã được cai ECMO, tự thở, ăn sữa hoàn toàn

Được biết, đây là lần đầu tiên tại khu vực phía Nam, các bác sĩ đã sử dụng phương pháp tuần hoàn và trao đổi oxy màng ngoài cơ thể (ECMO) điều trị thành công cho bệnh nhi sơ sinh. Theo BS Nguyễn Minh Tiến, hệ thống ECMO được sử dụng hỗ trợ chức năng sống ở các bệnh nhân suy tuần hoàn hoặc suy hô hấp nặng, đáp ứng kém hoặc không đáp ứng với các biện pháp hồi sức thông thường.

Từ trường hợp trên, bác sĩ cảnh báo, trẻ hít nước ối có phân su vào phổi có thể gây viêm và nhiễm trùng nặng. Phân su cũng có thể chặn đường thở, vỡ hoặc suy phế nang, không khí từ bên trong phổi có thể tích tụ trong khoang ngực và xung quanh phổi gây tràn khí màng phổi, gây khó khăn cho việc tái tạo phổi... Những trẻ hít ối phân su được cứu sống mà phải thở oxy dài ngày có nguy cơ bị bệnh phổi mạn tính, tăng nhạy cảm đường thở (dễ phát triển bệnh hen suyễn, viêm phổi) chậm phát triển tâm thần, điếc.

Bác sĩ khuyến cáo những thai nhi chậm tăng trưởng trong tử cung, thai già tháng, mẹ tiền sản giật, cao huyết áp, bệnh tim phổi mãn... là yếu tố khiến trẻ đối mặt với nguy cơ cao bị viêm phổi hít phân su, cần được theo dõi kỹ trong thai kỳ và trong khi sinh. Chị em phụ nữ trong quá trình vượt cạn nếu thấy ra nước ối có màu xanh đậm, cần báo ngay cho bác sĩ để được theo dõi sát nhịp tim thai, tình trạng suy thai. Y bác sĩ và nữ hộ sinh cũng cần chủ động các giải pháp hỗ trợ cho sản phụ khi có những biểu hiện bất thường để có những biện pháp can thiệp sớm để tránh tai biến.

Vân Sơn