Hình xăm có thể gây nhiễm trùng sau 15 năm

(Dân trí) - Hình xăm có thể gây nhiễm trùng 15 năm sau khi xăm là cảnh báo của các bác sĩ sau khi một phụ nữ phải nhập viện vì bị sưng hạch lympho.

Ban đầu người phụ nữ Australia 30 tuổi này đã sợ mình bị ung thư sau khi các khối u ở nách bị đau.

Tuy nhiên, khi các bác sĩ tại Bệnh viện Hoàng tử Alfred ở Sydney sinh thiết mô thì thấy chúng là vô hại.

Các chuyên gia kết luận rằng các khối u hình thành là do phản ứng với hình xăm đã được thực hiện 15 năm trước đó, và đề nghị các bác sĩ để hỏi về tiền sử xăm da ở bệnh nhân bị u lympho.

Các bác sĩ đã biết rằng mực xăm có thể di chuyển đến các hạch bạch huyết - là nơi được cơ thể sử dụng để loại bỏ độc tố - vì các hạch có thể đổi thành màu giống như màu mực. Nhưng nghiên cứu mới cho thấy hậu quả vẫn có thể xảy ra hơn một thập kỷ sau khi xăm.

Các hạt nano độc có thể di chuyển đến các hạch bạch huyết
Các hạt nano độc có thể di chuyển đến các hạch bạch huyết

Khoảng 1/3 số người trẻ ở Anh hiện có hình xăm nhưng nghiên cứu gần đây của Cơ quan bức xạ synchrotron châu Âu (ESRF) cho thấy các hạt nano titan dioxide độc hại trong mực xăm có thể “chu du” khắp cơ thể và bị kẹt lại ở hạch bạch huyết, nơi chúng có thể gây ra vấn đề.

"Khi ai đó muốn xăm hình, họ thường rất cẩn thận lựa chọn cơ sở xăm sử dụng kim vô trùng dùng một lần. Không ai kiểm tra thành phần hóa học của các màu, nhưng nghiên cứu của chúng tôi cho thấy việc kiểm tra này là điều nên làm", Hiram Castillo, một trong những tác giả của nghiên cứu và là nhà khoa học của ESRF, cho biết:

Có rất ít nghiên cứu xem xét tác động độc hại của mực xăm, có thể chứa các chất bảo quản và tạp chất như niken, crom, mangan hoặc coban.

"Chúng ta đã biết rằng màu sắc từ hình xăm sẽ đi đến các hạch bạch huyết vì bằng chứng trực quan: các hạch bạch huyết trở nên đổi màu giống màu mực xăm.

"Đây là phản ứng của cơ thể để làm sạch nơi mực xăm xâm nhập. Điều chúng ta không biết là chúng thực hiện điều này theo kiểu nano, nghĩa là chúng có thể không “hành xử” giống như các hạt cỡ micro. Và đó là vấn đề: chúng ta không biết các hạt nano phản ứng thế nào", Bernhard Hesse, một trong hai tác giả chính của nghiên cứu, bày tỏ sự lo ngại.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Annals of Internal Medicine.

Cẩm Tú

Theo Telegraph