Hiểm họa từ nước mắm giá rẻ

Các loại nước mắm giá “bèo” thường được sản xuất từ các loại bánh dầu kém chất lượng, thậm chí có những nơi còn sử dụng cả lông heo, lông gà vịt, xương trâu bò hư thối... nên rất độc hại.

Nước tương (miền Bắc gọi là nước mắm) là thức chấm phổ biến dùng để tẩm ướp, chế biến thực phẩm và ăn trực tiếp, nhưng lâu nay vấn đề kiểm soát chất lượng, vệ sinh thực phẩm vẫn còn bỏ ngỏ.

 

Ngoài những thương hiệu nước tương nổi tiếng như Nam Dương, Chinsu, Anh Đào, Đào Tiên... được đa số người tiêu dùng tin tưởng, tại các chợ, cửa hàng tạp hóa, quán ăn hiện nay còn tiêu thụ những loại nước tương giá khá rẻ: 2.000-3.000 đồng/lít (giá sỉ chỉ 1.000-1.500 đồng/lít). Để có mức giá “rẻ như mơ” đến tay người tiêu dùng, các cơ sở sản xuất, phân phối không ngần ngại sử dụng mọi chiêu thức từ việc sử dụng nguyên liệu chế biến không bảo đảm; pha nước, hương liệu, gia vị...

 

Giới sản xuất và kinh doanh mặt hàng nước tương gọi loại nước tương giá “bèo” là nước tương “3 không”: không nhãn mác, không thời hạn sử dụng, không dinh dưỡng.

 

Theo một người chạy xe máy chở 2 bao xương heo, bò đi về hướng đường Tân Hóa, quận.6, chúng tôi đến một cơ sở sản xuất nước tương khá lớn. Ngay ở cổng chính của cơ sở, ngoài lượng nước tương được đóng chai, dán nhãn chất thành đống cao còn có rất nhiều can nhựa đựng nước tương chất tràn lan dưới đất. Xe máy, xe ba gác chở những can nước tương ra vào tấp nập.

 

Chị Thu, người phụ trách giao nhận hàng ở đây, “bỏ nhỏ”: “Nước tương lẻ loại ngon 5.000 đồng/lít, loại “bèo” nhất giá 1.000 đồng/lít. Nếu mua về nấu ăn cho công nhân thì lấy loại 1.000 đồng/lít là tiện nhất, mấy người bán quán cơm, hủ tiếu... toàn xài loại này”. Khi được hỏi nước tương nấu bằng chất gì mà rẻ vậy? Chị ta trả lời: “Nguyên liệu chính là bánh dầu đậu nành chứ bằng gì. Nước tương vô chai, loại giá cao thì nhiều đạm còn loại này ít đạm nên giá rẻ”. Chị ta thừa nhận: “Chỉ bảo đảm để được 5 ngày thôi, sau 5 ngày tụi tui không chịu trách nhiệm”.

 

Khảo sát qua nhiều cơ sở nước tương khác trên địa bàn quận 8, quận 6, tình trạng mua bán nước tương giá “bèo” diễn ra tương tự, giá bán phổ biến 1.000-1.500 đồng/lít.

 

Theo quy định hiện nay, các đơn vị sản xuất nước tương chỉ phải ghi chất phụ gia sử dụng, công bố nguyên liệu sản xuất. Nhưng đa phần các đơn vị sản xuất đều “công bố” một cách chung chung về nguồn nguyên liệu, chẳng hạn chỉ ghi “đạm thực vật” chứ không ghi rõ là đạm của loại thực vật nào.

 

Bánh dầu hay còn gọi là khô đậu (khô bã đậu sau khi ép dầu) là nguyên liệu chính dùng để sản xuất nước tương. Bánh dầu hiện nay có nhiều loại: bánh dầu đậu phộng, đậu nành với 3 dạng: bánh dầu hấp, bánh dầu rang và bánh dầu công nghiệp. Trong đó, bánh dầu hấp có độ ẩm cao, khả năng phát sinh nấm mốc cao nhất nhưng giá thành thấp nhất nên được nhiều cơ sở sản xuất nước tương nhỏ lẻ chọn mua.

 

Ngoài mục đích sử dụng làm nguyên liệu nước tương, bánh dầu còn được dùng để chế biến thức ăn gia súc. Theo giám đốc một công ty sản xuất nước tương có uy tín, bánh dầu dùng để làm nước tương hay chế biến thức ăn gia súc là tùy chất lượng và tùy... “lương tâm nhà sản xuất”. Hiện chưa có quy định rõ ràng xác định nguồn nguyên liệu nào dành cho người, nguồn nguyên liệu nào dành cho gia súc, trong khi giá bánh dầu đang cao hơn cùng kỳ 20-25% nên đã có nhiều nhà sản xuất nhập nguyên liệu bánh dầu từ nước ngoài (loại dùng để chế biến thức ăn gia súc) về sản xuất nước tương.

 

Tổ trưởng kỹ thuật một công ty nước chấm cho hay: "Thông thường, loại nguyên liệu nào có thể phân hóa ra nhiều đạm là có thể dùng sản xuất nước tương, không phân biệt đó là đạm động vật hay đạm thực vật. Thậm chí có nơi còn sử dụng cả lông heo, lông gà vịt, xương trâu bò hư thối... để làm nước tương. Với loại nguyên liệu này cộng với công nghệ sản xuất thủ công, thô sơ sẽ không hạn chế và loại bỏ được các loại độc tố. Nếu sử dụng bánh dầu ẩm mốc, kém chất lượng và sản xuất bằng công nghệ lạc hậu rất dễ phát sinh nấm mốc, độc hại".

 

Có độc tố aflatoxin gây ung thư

Theo bác sĩ Nguyễn Xuân Mai, Phó Viện trưởng Viện vệ sinh Y tế công cộng, bản thân bánh dầu không có tác hại gì nhưng nếu bảo quản không đúng sẽ là môi trường thuận lợi cho các loại nấm, men phát triển. Ngoài các loại nấm, men có lợi cho bánh dầu còn các loại nấm, men chứa nhiều độc tố có hại cho sức khỏe con người.

Trong khâu chế biến, nước tương cần phải được bảo đảm nấu ở nhiệt độ cao (từ 200 độ C trở lên) và thời gian nấu phải bảo đảm phân hủy được độc tố trong nấm. Đặc biệt, trong đó có độc tố aflatoxin gây ung thư cho con người. Động vật khi ăn phải nước tương có chứa chất này thì sẽ gầy ốm dần và chết.

Trong quá trình nấu nước tương, để phân giải được các protein trong bánh dầu, người ta thường cho vào một ít axit clohydric. Chất béo trong bánh dầu sẽ phản ứng với axit clohydric tạo ra một hợp chất 3-cloro-1,2-propandiol (3-MCPD) và 1,3-dicloro-2-propanol (1,3-DCP) có khả năng gây ung thư cho con người. Cơ quan chức năng quy định nồng độ giới hạn của 3-MCPD là 1 mg/kg (khả năng gây ung thư của chất này chỉ mới dựa trên kết quả thử nghiệm trên chuột).

Theo Lao động