1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Hiểm họa tai nạn ở trẻ em

(Dân trí) - Trẻ tử vong vì ngạt nước, chấn thương sọ não do té cầu thang, thủng mắt vì chơi vật nhọn… Những tai nạn thương tâm liên tiếp xảy ra trong thời gian gần đây gióng lên hồi chuông báo động về sự an toàn cho trẻ.

Liên tiếp những tai nạn thương tâm

 

Ngày 25/2 một bé gái tại trường mầm non Tuổi Ngọc thuộc thị trấn Dĩ An, Bình Dương đã tử nạn do cắm đầu vào xô nước trong nhà vệ sinh. Dư luận chưa hết bàng hoàng thì một vụ việc tương tự lại xảy ra tại TPHCM. Bé gái 14 tháng tuổi ngụ tại quận 2 cũng bị té cắm đầu vào xô nước tại nhà trẻ. Cháu được đưa đến bệnh viện Nhi Đồng 2 cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.

 

Tiếp đó là hàng loạt các vụ tai nạn về mắt khiến cho trẻ mắc phải những thương tật suốt đời. Sau khi nhặt được một ống kim tiêm ở bụi cây gần nhà, cậu bé 6 tuổi ngụ tại Hóc Môn, TPHCM  dùng nó làm “súng bắn nước”. Nhưng khi đang mê mẫn với trò chơi thì mũi kim tiêm bất ngờ văng ra chọc thủng mắt phải.

 

Một bé gái 2 tuổi ngụ tại Bình Dương cũng đã bị rách tròng đen, phồng mống mắt do cầm dao nhọn chơi. Trong lúc gia đình không để ý cháu đã quơ tay khiến mũi dao đâm thẳng vào mắt trái.

 

Một vụ việc thương tâm khác mới xảy ra tại Đồng Nai khiến 4 trẻ phải nhập viện. Trong đó có cháu Đ.V.T (13 tuổi) bị dập nát các đầu ngón tay phải, mắt phải bị vỡ thủy tinh thể. Nhiều khả năng mắt của cháu sẽ không nhìn thấy lại. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do các cháu chơi nhầm phải ngòi nổ bị bỏ lại trong rẫy.

 

Chỉ vì một phút lơ là của người lớn, cháu bé 3 tuổi ngụ tại quận Thủ Đức, TPHCM đã bị chấn thương sọ não do ngã xuống từ cầu thang vào ngày 11/4. Nhờ sự can thiệp kịp thời của các bác sĩ cháu đã may mắn giữ lại được mạng sống. Tuy nhiên, cháu khó có thể tránh khỏi những di chứng thần kinh về sau này.

 

Phải làm gì để hạn chế tai nạn ở trẻ?

 

Hiểm họa tai nạn ở trẻ em - 1

Chơi cùng con và luôn để mắt đến con là biện pháp hữu hiệu nhất trong phòng ngừa tai nạn ở trẻ nhỏ

Bên cạnh những thương tích nghiêm trọng nêu trên, trẻ còn gặp phải các tai nạn khác. Mỗi ngày Bệnh viện Nhi Đồng 1 và 2, TPHCM tiếp nhận rất nhiều bệnh nhi gặp dị vật đường thở, bỏng nước, bỏng điện, ngộ độc… Nhiều ca chấn thương như gãy tay, gãy chân, chấn thương sọ não, chấn thương cột sống vì té ngã.

 

Theo PGS. TS. BS Đoàn Thị  Ngọc Diệp - Trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 2, TPHCM cho biết: “Hầu hết trẻ mắc phải những tai nạn đều là do sự sơ ý hoặc một phút lơ là ở người lớn. Vì thế biện pháp tốt nhất để phòng ngừa tai nạn cho trẻ chính là sự nhận thức, cảnh giác của người lớn trước các nguy cơ có thể gây ra tai nạn”.

 

Tuyệt đối không để những chất như xăng, dầu hôi, axit, thuốc trừ sâu, thuốc tây, nước sôi, ổ điện… trong tầm tay của trẻ. Các cháu thường rất hiếu động nên hay leo trèo vì thế tại những nơi như cầu thang, cửa sổ, ban công phải được ngăn cách bằng hàng rào có thanh dọc bảo vệ.

 

Hiểm họa tai nạn ở trẻ em - 2

BS Diệp đang phân tích các nguyên nhân dẫn đến tai nạn ở trẻ nhỏ

Bác sĩ Diệp nhấn mạnh: “Trong trường hợp trẻ gặp phải các tai nạn cần tiến hành sơ cứu cho các cháu trước khi chuyển đến bệnh viện. Với những trẻ bị ngộ độc, nếu đã mất ý thức và ngưng thở thì tiến hành cấp cứu ngưng thở ngưng tim. Trường hợp còn tỉnh táo thì gây nôn cho trẻ và cho uống nhiều nước lọc, nước đường.

 

Trẻ bị bỏng do nhiệt, nước sôi, hóa chất, điện... Trước khi đưa trẻ đến bệnh viện cần vén bỏ quần áo, để lộ vùng bị bỏng và rửa sạch vết bỏng bằng nước sạch. Không bôi kem đánh răng hay nước mắm lên vết bỏng, phủ vải sạch lên vết bỏng. Trẻ bị hóc dị vật cần vỗ ngực ấn lưng để tống dị vật ra ngoài. Không đưa tay vào móc họng trẻ nếu không nhìn thấy dị vật.

 

Với những trẻ bị chấn thương, nếu nghi các cháu mắc phải chấn thương cột sống cần phải cố định vết thương trước khi đưa các cháu đến bệnh viện. Tránh trường hợp trẻ đứt tủy sống dẫn đến bại liệt suốt đời.

 

Vân Sơn