Hết vắc xin 5 trong 1, phụ huynh hoang mang

(Dân trí) - Vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem đã hết nhưng loại vắc xin mới dùng để thay thế chưa được cung ứng khiến việc chủng ngừa cho trẻ bị gián đoạn. Không chỉ phụ huynh hoang mang, lo lắng mà ngành y tế địa phương cũng không biết khi nào mới có nguồn vắc xin thay thế cho Quinvaxem.

Sáng 10/9, anh Quang Ph. ngụ tại quận 9, TPHCM đưa con đến Trạm y tế phường Tăng Nhơn Phú để chích ngừa mũi 3 (mũi cuối - PV) loại vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Tuy nhiên, khi đến nơi anh nhận được thông báo đã hết vắc xin từ Trạm y tế. Nội dung thông báo ghi: “Tháng 9, Trung tâm Y tế Dự phòng Quận 9 hết vắc xin Quinvaxem cho trẻ 2 đến 9 tháng. Khi nào có vắc xin, trạm y tế sẽ thông báo sau”.

Thông báo hết vắc xin nhưng không để thời gian cụ thể có hàng trở lại khiến phụ huynh lo lắng
Thông báo hết vắc xin nhưng không để thời gian cụ thể có hàng trở lại khiến phụ huynh lo lắng

Không chỉ anh Quang Ph. rất nhiều phụ huynh đưa con đi chích ngừa đều hoang mang, lo lắng. “Hàng trăm phụ huynh tại đây và có thể là rất nhiều phụ huynh trên toàn thành phố bỏ công việc để đưa con đi chích ngừa nhưng đến nơi mới nhận được thông báo hết vắc xin, chưa biết khi nào mới có lại.

Chúng tôi không chỉ lo lắng cho sức khỏe của con em mình khi không được chủng ngừa đúng thời hạn mà còn bức xúc vì sự lãng phí thời gian và công sức chỉ vì ngành y tế không chủ động thông báo về tình trạng hết vắc xin và tư vấn giải pháp bảo vệ cho các bé đến kỳ chủng ngừa”.

Trước thực trạng trên, trao đổi với phóng viên BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng, TPHCM, cho biết: “Không chỉ tại TPHCM mà ở các tỉnh thành khác trên cả nước, vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem đã hết hàng, nhiều tỉnh hết Quinvaxem từ hồi tháng 7.

Với nguồn vắc xin Quinvaxem được cung ứng trong chương trình tiêm chủng mở rộng, TPHCM đã điều phối để chủng ngừa cho trẻ trong độ tuổi tiêm chủng. Tuy nhiên, số lượng vắc xin còn lại chỉ đủ đáp ứng cho trẻ trong tháng 8 và tuần đầu của tháng 9”.

Nhiều phụ huynh đưa con đi chủng ngừa nhưng hết vắc xin
Nhiều phụ huynh đưa con đi chủng ngừa nhưng hết vắc xin

BS Trí Dũng cho biết thêm: “Cũng như các tỉnh thành khác, TPHCM đang chờ nguồn vắc xin thay thế cho Quinvaxem từ Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế). Trong thời gian chờ đợi, chúng tôi đã khuyến cáo đến các bậc phụ huynh có con trong độ tuổi chủng ngừa đưa trẻ đến trạm y tế để uống OPV (vắc xin ngừa bại liệt –PV) theo lịch hàng tháng và lập danh sách trẻ chờ vắc xin để khi có vắc xin thay thế cho Quinvaxem sẽ mời trẻ ra tiêm bù”.

Người đứng đầu lĩnh vực y tế dự phòng thành phố cũng khuyến cáo: “Trong thời gian chờ vắc xin mới, trẻ cần được bảo vệ tại gia đình bằng những phương pháp thông thường như: vệ sinh môi trường, người chăm sóc trẻ cần vệ sinh sạch sẽ, rửa tay thường xuyên trước khi tiếp xúc với trẻ, giữ vệ sinh cho trẻ, chăm sóc tốt dinh dưỡng, hạn chế cho trẻ tiếp xúc với nguồn lây bệnh… Những gia đình có điều kiện kinh tế có thể lựa chọn giải pháp thay thế bằng chích vắc xin dịch vụ cho trẻ. Nếu không chích dịch vụ, phụ huynh vẫn có thể để con em mình chờ vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng”.


Các bậc phụ huynh cần thông tin chính thức khi vắc xin cũ đã hết nhưng chưa có vắc xin mới từ Bộ Y tế

Các bậc phụ huynh cần thông tin chính thức khi vắc xin cũ đã hết nhưng chưa có vắc xin mới từ Bộ Y tế

Theo BS Trí Dũng, trước nguy cơ hết vắc xin 5 trong 1 thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia trên địa bàn, Sở Y tế TPHCM đã có văn bản báo cáo Bộ Y tế. Cũng như những tỉnh thành khác, TPHCM sẽ phải chờ nguồn phân phối vắc xin từ quốc gia, nhưng đến khi nào sẽ có nguồn vắc xin thay thế, thành phố vẫn chưa nhận được thông tin chính thức.

Trước đó (ngày 24/4/2018) tại Viện Pasteur, TPHCM - GS.TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết do phía Hàn Quốc ngưng sản xuất vắc xin Quinvaxem nên Bộ Y tế sẽ sử dụng vắc xin ComBe Five của Ấn Độ để thay thế. Những lô vắc xin Quinvaxem còn lại tại các địa phương sẽ được tiếp tục sử dụng đến hết tháng 5/2018.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về nguyên nhân khiến vắc xin ComBe Five chậm trễ trong việc cung ứng cho chương trình tiêm chủng mở rộng.

Vân Sơn