Hãy sống vui, sống khỏe để chiến thắng ung thư

(Dân trí) - Từ khi bị ung thư tôi lại có thêm nhiều người bạn mới có cùng hoàn cảnh, qua Zalo và Facebook chúng tôi chia sẻ để tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm quá trình điều trị bệnh.

Tôi tên Nguyễn Thị Kim Thư, sinh năm 1970 tại Kim Sơn, Ninh Bình, hiện đang công tác tại Bảo hiểm xã hội tỉnh Bạc Liêu. Sau giải phóng, bố tôi là sĩ quan quân đội thuộc Quân khu 3, mẹ tôi là cán bộ huyện Hội phụ nữ huyện Kim Sơn được nhà nước điều động vào công tác tại tỉnh Minh Hải từ năm 1977. Đến năm 1985, bố tôi bị ung thư đại tràng phải điều trị dài ngày ở Bệnh viện Thống Nhất (Tp. Hồ Chí Minh) nên kinh tế gia đình tôi vô cùng khó khăn. Tôi lớn lên trong thời bao cấp nên khi mới 15 tuổi tôi đã phải quán xuyến gia đình để bố mẹ tôi yên tâm điều trị bệnh. Tôi vừa học phổ thông, vừa chợ búa cơm nước cho 3 anh em những lúc bố mẹ vắng nhà. Từ nhỏ tôi đã thích thêu thùa, may vá, qua những giờ học nữ công ở lớp tôi đã tự may được những bộ quần áo đơn giản cho bản thân. Hè năm 1985, tôi may mắn được người quen dạy may áo sơ mi nam căn bản nên hàng ngày sau giờ học, tôi tự mua sách dạy cắt may để học và may quần áo cho bà con lối xóm kiếm tiền phụ giúp gia đình. Học xong cấp 3 và Trung cấp kế toán (năm 1991) tôi tiếp tục học may áo dài, sau đó ở vừa chăm sóc bố tôi vừa may và dạy may. Mãi đến năm 1996 khi sức khỏe của bố tôi tương đối ổn định tôi mới xin đi làm kế toán cho doanh nghiệp Nhà nước.

Hãy sống vui, sống khỏe để chiến thắng ung thư - 1
Tác giả Nguyễn Thị Kim Thư

Hàng ngày, tôi dậy từ 4 giờ sáng để may đến 6 giờ đi chợ, nấu ăn sáng cho gia đình rồi mới đi làm. Hết giờ làm việc ở cơ quan tôi về nhà cùng mẹ nấu ăn, dọn dẹp, sau đó tranh thủ đi học thêm tiếng Anh rồi về tiếp tục công việc may vá cho đến hơn 10 giờ đêm. Công việc đó lặp đi lặp lại hàng ngày với cường độ lao động cao gần 20 năm đã bào mòn sức khỏe mà tôi không hề hay biết, hậu quả là tôi bị K thân vị giai đoạn 2 phải cắt bỏ 4/5 dạ dày, truyền 6 đợt hóa chất khi mới 35 tuổi. Với thân hình gầy gò ốm yếu chỉ nặng có 35kg, gương mặt thì nhợt nhạt, hốc hác khiến mọi người ai gặp cũng cảm thấy xót xa (trước khi bệnh tôi cao 1.6m nặng 46kg).

Từ khi mới sinh đến năm 2005, tôi chỉ bệnh lặt vặt chứ chưa phải nằm bệnh viện ngày nào nên tôi rất chủ quan, cứ nghĩ mình mạnh khỏe và cũng chẳng bao giờ đi khám sức khỏe tổng quát. Cho đến khi có kết quả các xét nghiệm và nội soi dạ dày, bác sĩ báo tin cho gia đình là tôi bị ung thư dạ dày, phải phẫu thuật phải theo dõi tại bệnh viện tỉnh. Tôi không nghĩ là mình mình bị ung thư khi mới 35 tuổi, thậm chí tôi không tin tưởng vào kết quả chẩn đoán của bệnh viện tỉnh nên tôi nhờ gia đình xin chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy để kiểm tra lại. Nhưng xin mấy lần cũng không được vì tôi quá yếu, tiên lượng bệnh rất xấu, bác sĩ sợ tôi không đủ sức khỏe để vượt quãng đường gần 300km và có thể sẽ chết dọc đường. Thời điểm đó tôi mệt mỏi do mất máu nhiều nên hay bị hoa mắt, chóng mặt, không thể ngồi dậy chứ đừng nói là bước đi. Miệng nhạt nên chẳng muốn ăn uống gì, cân nặng từ 46kg chỉ còn 41kg, người gầy rộc, xanh xao nhợt nhạt.

Cuối cùng tôi cũng đã được chuyển tuyến điều trị lên Bệnh viện Chợ Rẫy (Tp. Hồ Chí Minh). Mẹ tôi đang về thăm gia đình ngoài Bắc mà không hề biết tôi bị bệnh nặng vì không ai dám báo tin cho mẹ tôi biết, sợ bà xúc động quá lại ngã bệnh. Tâm trạng tôi bồn chồn, mông lung thật khó tả, lằn ranh giữa sống và chết sao mà mong manh quá, tôi bỗng cảm thấy tủi thân chỉ sợ ra đi mà không được gặp mẹ lần cuối, mẹ sẽ sống ra sao khi trở về không thấy tôi?

Hãy sống vui, sống khỏe để chiến thắng ung thư - 2
Ảnh chị Nguyễn Thị Kim Thư đang trong quá trình điều trị

Thời điểm đó tôi đang có: Công việc và thu nhập khá ổn định từ lương và nghề may (thâm niên 20 năm); Sổ tiết kiệm trong ngân hàng tuy không nhiều nhưng cũng đủ cho tôi điều trị bệnh trong một thời gian dài; chuẩn bị thi tốt nghiệp lớp Đại học kinh tế hệ tại chức. Rồi còn khá nhiều dự định cho tương lai và sau khi tốt nghiệp đại học sẽ sửa sang lại nhà cho mẹ, nâng cấp tiệm may áo dài để may và bán vải tại nhà rồi tính chuyện lập gia đình cho mọi người yên tâm. Bệnh tình bỗng dưng ập đến đã lấy mất toàn bộ sức khỏe nên tôi vô cùng hoang mang và suy sụp, thu nhập từ lương bị giảm vì phải thường xuyên xin nghỉ phép đi Tp.HCM tái khám và điều trị bệnh. Tôi bị mất thu nhập đáng kể từ nghề may áo dài do không còn sức khỏe để may, mất cơ hội thăng tiến nghề nghiệp. Mất thời gian, mất tiền bạc bao năm tích cóp để điều trị bệnh, mất hết mọi ước mơ, mọi đam mê và dự định cho tương lai… tôi chới với trong tuyệt vọng vì mọi thứ dần dần vuột khỏi tầm tay của tôi.

Cũng trăn trở mất vài tháng tôi mới lấy lại được thăng bằng vì tôi thấy xung quanh còn nhiều người còn bệnh nặng hơn, hoàn cảnh khó khăn hơn. Những đợt điều trị hóa chất phải nằm viện dài ngày, tôi không thể ăn uống lại còn nôn ói liên tục khiến cơ thể vô cùng mệt mỏi nhưng tôi vẫn cắn răng chịu đựng và khổ sở tôi vẫn không hề khóc lóc hay than thở một câu cho đến khi bác sĩ khuyên tôi về nhà nghỉ ngơi cho lại sức (thực ra là từ chối khéo) vì tiểu cầu của tôi quá thấp không thể chịu đựng thêm 1 đợt hóa chất nữa. Lúc đó tôi bắt đầu cảm nhận cái chết đã đến rất gần, kỳ vọng vượt qua đợt truyền thứ 5 và đợt thứ 6 xem như thất bại. Tôi lặng lẽ đến gặp bác sĩ hóa trị, xin bác sĩ một cơ hội cuối để tôi được tiếp tục điều trị. Bác sĩ phân tích cho tôi nghe mọi tình huống và nói một câu khiến tôi mừng như đang chết đuối bỗng vớ được cọc: "Chị phải chích 1 ống thuốc tăng tiểu cầu BHYT chỉ chi trả 50%, cá nhân chị phải trả 50%. Còn tôi sẽ giảm liều hóa chất cho phù hợp với sức khỏe của chị". Tôi mừng đến rơi nước mắt vì cơ hội sống vẫn còn dành cho tôi.

Những ngày điều trị sau đó, tôi bị tác dụng phụ của hóa chất hành hạ vô cùng khổ sở, tôi phải đội tóc giả để đi làm vì tóc tôi rụng không còn một sợi! ai cũng nghĩ tôi sẽ phải bỏ dở chuyện học hành, vậy mà tháng 9/2005 tôi vẫn quyết tâm dự kỳ thi tốt nghiệp đại học và sau đó nhận tấm bằng Cử nhân kinh tế ngành Tài chính - Ngân hàng trước sự ngỡ ngàng và vui mừng của thầy cô, bè bạn.

Tôi tái khám đều đặn theo lịch hẹn của bác sĩ, với hy vọng sẽ vượt qua mốc vàng 5 năm để có được niềm vui chiến thắng bệnh tật. Nhưng số phận đã không mỉm cười với tôi, trong lần tái khám định kỳ đầu năm 2009 tôi lại bị thêm bệnh K Nội mạc tử cung. Để tránh những nguy cơ tiềm ẩn có thể xảy ra bác sĩ đã cắt bỏ tử cung toàn phần, sau đó tôi phải xạ trị tiếp 27 tia. Tác dụng phụ của xạ trị cũng đã bào mòn cơ thể tôi một cách tàn nhẫn. Ngoài nỗi đau thể xác tôi còn phải chịu thêm nỗi đau tinh thần khi vĩnh viễn mất đi thiên chức thiêng liêng nhất của người phụ nữ.

Tưởng rằng tôi sẽ buông xuôi để đầu hàng số phận, nhưng sau một thời gian tích cực điều trị, tôi đã trở về với cuộc sống trong vòng tay yêu thương của gia đình, bạn bè và đồng nghiệp. Do hệ tiêu hóa kém hấp thu nên tôi tự tay trồng rau sạch, rất may là tôi thích vào bếp tự nấu ăn cho bản thân và gia đình. Tôi ăn uống theo chế độ riêng, đầy đủ chất dinh dưỡng 6 bữa/ngày để duy trì sức khỏe. Mọi người nhận xét tôi tuy hơi gầy nhưng vẫn toát lên sự trẻ trung, tươi tắn tràn đầy sinh lực khiến cho tôi cảm thấy vui và luôn cố gắng để duy trì sức khỏe. Biết hoàn cảnh của tôi rất nhiều người bị bệnh ung thư tìm đến nhà, xin số điện thoại để hỏi tôi điều trị ở đâu, ăn uống, tập luyện ra sao mà lúc nào cũng lạc quan, yêu đời như thế.

Tình cờ một ngày nọ, tôi gặp và trò chuyện với bác sĩ Võ Minh Phúc, công tác tại Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe tỉnh Bạc Liêu, người bị bệnh ung thư cũng khá nặng. Thế là 2 anh em nảy ra ý tưởng thành lập Hội ung thư, vận động các y bác sĩ cùng tham gia tư vấn nhằm giúp đỡ những bệnh nhân ung thư yên tâm điều trị bệnh. Ngày 29/5/2012 UBND tỉnh Bạc Liêu đã chính thức ra quyết định thành lập Hội ung thư tỉnh Bạc Liêu. Và tôi được bầu là ủy viên Ban chấp hành hội ung thư tỉnh Bạc Liêu.

Trong bộ áo dài công sở không ai nghĩ rằng tôi là bệnh nhân ung thư. tôi vẫn luôn năng nổ, nhiệt tình trong công việc, vẫn may áo dài để có thêm thu nhập tự lo cho bản thân. Đặc biệt, tôi thường xuyên tham gia các hoạt động phong trào văn nghệ, thể thao cùng đồng nghiệp trong cơ quan cũng như của ngành BHXH. Do công tác trong ngành BHXH nên tôi thường xuyên cập nhật kiến thức và thông tin về các chế độ BHXH, BHYT đồng thời tuyên truyền vận động người dân và gia đình tích cực tham gia BHXH, BHYT để hưởng quyền lợi thiết thực từ chính sách an sinh xã hội - chế độ ưu việt của Đảng và Nhà nước giúp họ có cuộc sống ổn định lâu dài. Với ý chí và nghị lực của bản thân cùng với sự quan tâm của cơ quan, gia đình đã giúp tôi có thêm động lực phấn khởi để sống vui, sống khỏe và sống có ích cho gia đình và xã hội.

Hãy sống vui, sống khỏe để chiến thắng ung thư - 3
Tác giả Nguyễn Thị Kim Thư luôn lạc quan vượt qua bệnh tật

Đánh dấu mốc 10 năm điều trị 2 ung thư ổn định, tôi đã tập hợp những trang nhật ký viết trong thời thời gian điều trị bệnh để viết quyển tự truyện "Niềm tin chiến thắng" với mục đích tặng cho bạn bè, người thân và đặc biệt là những bệnh nhân ung thư trong cả nước. Sau 03 tháng xuất bản, tháng 3/2016 NXB Văn hóa văn nghệ Tp. HCM đã mua bản quyền sách của tôi tái bản 2000 quyển để phát hành trên hệ thống các nhà sách toàn quốc những bệnh nhân ung thư dễ dàng tìm mua, biết đâu sau khi đọc những chia sẻ của tôi, họ sẽ thêm vững tin và lạc quan hơn để chiến thắng ung thư. Chưa biết thời gian sống của tôi còn được bao lâu, tôi cũng chưa làm được gì cho cộng đồng và xã hội nhưng trong khả năng của mình tôi chỉ có thể đồng cảm và động viên, chia sẻ với nỗi lo lắng sợ hãi của những bệnh nhân và người nhà của họ để đối mặt với căn bệnh ung thư. Hy vọng bệnh nhân ung thư sẽ vơi đi nỗi đau về thể xác, được an ủi phần nào để họ không cảm thấy cô độc.

Trong lúc tuyệt vọng nhất, tôi vẫn thầm ao ước nếu như được khỏe mạnh trở lại, nhất định tôi sẽ sống hoàn toàn khác trước, tôi sẽ thay đổi quan niệm sống, sẽ trân quý từng khoảnh khắc bên gia đình, người thân và bạn bè, đặc biệt phải sống có trách nhiệm với bản thân hơn nữa. Hiện nay tôi sống cùng mẹ là cán bộ hưu trí năm nay cũng đã 76 tuổi. Tôi có 1 anh trai và 1 em trai đều đã lập gia đình ở riêng, mọi người rất yên tâm vì tôi luôn có thái độ sống tích cực và biết cách xử lý và thích nghi với mọi tình huống. Sau 15 năm điều trị 2 bệnh ung thư, sức khỏe của tôi đã hồi phục gần như bình thường và giờ đây tôi đã có được tất cả những gì mà tôi ao ước. được sống trong môi trường mới "thế giới riêng của những bệnh nhân ung thư". Cứ 6 tháng tôi lại đi kiểm tra sức khỏe theo lịch hẹn của bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy, cũng vẫn lo lắng, hồi hộp đến thót tim mỗi lần nhận các kết quả xét nghiệm CEA, CEA 19.9. CEA 12.5… cảm giác vỡ òa sung sướng khi nhận kết quả đều trong giới hạn bình thường. Từ khi bị ung thư tôi lại có thêm nhiều người bạn mới có cùng hoàn cảnh, qua Zalo và Facebook chúng tôi chia sẻ để tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm quá trình điều trị bệnh. Động viên nhau mỗi khi sức khỏe không tốt hay bạn bè gặp khó khăn.

Nếu như khi bị bệnh, tôi nhụt chí và buông xuôi thì tương lai của tôi sẽ rất mờ mịt. Điều mà ít ai ngờ nhất là tôi đủ sức khỏe để dự thi tốt nghiệp và nhận tấm bằng tốt nghiệp đại học trong thời gian đang hóa trị. Cảm giác thật khó tả vì đâu phải ai cũng may mắn như tôi. Đó cũng là động lực để tôi quyết tâm điều trị bệnh thật tốt, thường xuyên đi bộ, tập Yoga để rèn luyện ý chí và thể lực kết hợp với ăn uống, dinh dưỡng đa dạng nâng cao chất lượng cuộc sống. Đến lịch tái khám tôi xin phép cơ quan đi kiểm tra sức khỏe, về đến nhà tôi đến cơ quan làm việc với tâm trạng vui vẻ, thoải mái lúc rảnh rỗi tôi may áo dài cho khách. Tôi không nề hà bất cứ công việc gì nên năm nào cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Năm 2008 sự cố gắng của tôi đã được ghi nhận khi cầm Quyết định của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam về việc bổ nhiệm và xếp lương vào ngạch chuyên viên.

Hãy sống vui, sống khỏe để chiến thắng ung thư - 4
Chị Nguyễn Thị Kim Thư (áo trắng, ngoài cùng bên phải) cùng Ban từ thiện thăm và tặng quà cho bệnh nhân ung thư

Rút kinh nghiệm từ những người đi trước, tôi đã biết sắp xếp thời gian để thực hiện những đam mê thời trẻ chưa làm được: học thiết kế áo dài để nâng cao tay nghề, chụp ảnh, nấu ăn, du lịch cùng gia đình và bạn bè, cùng mọi người thư giãn trải nghiệm để luôn suy nghĩ tích cực, tinh thần phấn chấn hơn. Để có được cuộc sống như ngày hôm nay, tôi đã phải trải qua rất nhiều gian nan, thử thách để giành lại tất cả những thứ mà ung thư đã cướp mất của tôi. Hy vọng những bệnh nhân không may mắc bệnh ung thư có thêm động lực vượt qua mọi nghịch cảnh, đối mặt với ung thư và chiến thắng căn bệnh quái ác này.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm