Ngày thế giới phòng chống tăng huyết áp 17.5:

“Hãy nhớ số đo huyết áp như nhớ số tuổi của mình!”

(Dân trí) - Đó là thông điệp được GS.TS Nguyễn Lân Việt, Giám đốc Ban quản lý Dự án Phòng chống Tăng huyết áp công bố trong chương trình Khám, tư vấn miễn phí và giáo dục cộng đồng cho người dân Hà Nội nhân dịp Ngày phòng chống tăng huyết áp Thế giới năm nay (17/5).

 

“Hãy nhớ số đo huyết áp như nhớ số tuổi của mình!”

GS.TS Nguyễn Lân Việt chia sẻ với đông đảo những người quan tâm tới tăng huyết áp tại hội trường Rạp Đại Nam (Hà Nội) 

 

 

Nghiên cứu cho thấy với mỗi mức huyết áp tâm thu tăng lên 20mmHg và huyết áp tâm trương tăng lên 10mmHg thì nguy cơ các biến cố tim mạch cũng sẽ tăng lên gấp đôi. Tuy nhiên, khi huyết áp tâm thu trung bình giảm 2mmHg thì nguy cơ tử vong do bệnh tim, bệnh thiếu máu cục bộ sẽ giảm 7%; nguy cơ tử vong do đột quỵ giảm 10%.

 

Ngoài ra, do 90% tăng huyết áp là không rõ nguyên nhân, chỉ một số ít bệnh nhân có một vài triệu chứng như đau đầu, chóng mặt, mặt đỏ bừng, ù tai… nên những người trong nhóm nguy cơ (ăn mặn, có người thân trong gia đình mắc chứng tăng huyết áp…) cần thường xuyên tự đo HA tại nhà vào 1 giờ nhất định trong ngày (thông thường là 2 lần/ngày, sáng và tối). Và khi tự đo ở nhà, thấy huyết áp tâm thu lớn hơn hoặc bằng 135mmHg hoặc huyết áp tâm trương lớn hơn hoặc bằng 85mmHg; hoặc130mmHg hay 80mmHg khi đo bằng máy đo tự động là phải đi khám ngay và sử dụng thuốc đều đặn theo chỉ dẫn của bác sĩ, không tự ý ngưng thuốc.

 

Cần nhớ, biết chỉ số huyết áp của mình là cách dễ dàng nhất phát hiện sớm tăng huyết áp!

 

Về phòng bệnh, GS.TS Nguyễn Lân Việt khuyên nên ăn dưới 5g muối/ngày, tăng cường các chất bột đường giàu chất xơ như bánh mỳ đen, bánh mỳ nguyên cám, khoai, sắn, ngô…; giảm 15% chất béo; bỏ thuốc lá; năng lượng nạp vào cân bằng với năng lượng tiêu hao..

 

Trần Phương