Hát ru giúp bé bình tĩnh lâu hơn

(Dân trí) - Nghiên cứu mới đây của trường Đại học Montreal cho thấy khi được nghe hát, các em bé sẽ chơi ngoan lâu gấp đôi so với khi được dỗ dành bằng lời nói.

 

Hát ru giúp bé bình tĩnh lâu hơn - 1

“Nhiều nghiên cứu đã xem xét về ảnh hưởng của hát và trò chuyện đối với sự chú ý của trẻ, nhưng ở đây chúng tôi muốn biết hai việc này ảnh hưởng như thế nào đến khả năng tự kiểm soát cảm xúc của các bé”," GS Isabelle Peretz giải thích. "Khả năng tự chủ về mặt cảm xúc rõ ràng là chưa hình thành ở trẻ dưới 1 tuổi, và chúng tôi tin rằng nghe hát sẽ giúp trẻ phát triển năng lực này."

Nghiên cứu được công bố trên Infancy, bao gồm 30 em bé khỏe mạnh từ 6 – 9 tháng tuổi.

Có một thực tế là âm nhạc có sức quyến rũ con người một cách tự nhiên. Ở người lớn và trẻ lớn, sự “quyến rũ” này được thể hiện bởi những hành vi như nhịp chân, gật đầu hoặc gõ nhịp theo tiếng nhạc. "Trẻ nhỏ chưa biết phối hợp đồng bộ hành vi bên ngoài với âm nhạc do còn thiếu năng lực thể chất hoặc tâm thần cần thiết," GS Peretz giải thích. "Một phần của nghiên cứu là nhằm xác định xem liệu trẻ có năng lực tâm thần này hay không. Kết quả cho thấy âm nhạc có sức thu hút đối với trẻ, hay nói cách khác là trẻ có đủ năng lực về tâm thần để bị “quyến rũ””.

Các nhà nghiên cứu đã thực hiện nhiều biện pháp khác nhau để đảm bảo phản ứng của các bé với tiếng nhạc không bị ảnh hưởng bởi những yếu tố khác, như giọng nói của mẹ. Trước hết là cả hai cách trò chuyện (theo kiểu “nói nựng” và kiểu người lớn) và bài hát mà trẻ nghe đều là bằng tiếng Thổ Nhĩ Kì - thứ tiếng xa lạ với các bé. Thứ hai là các bé không tiếp xúc với bất kì kích thích nào khác. Mặc dù cha mẹ ở trong phòng, nhưng họ ngồi sau lưng các bé, vì thế những biểu cảm trên nét mặt của họ không thể ảnh hưởng đến trẻ. Các em bé cũng được nghe bản ghi âm chứ không phải là “nhạc sống”, để đảm bảo tất cả các bé đều được nghe sự trình diễn như nhau và không có tương tác nào giữa người biểu diễn và em bé.

Khi em bé đã hết quấy khóc, cha mẹ bé ngồi sau lưng con và thí nghiệm bắt đầu. Các nhà nghiên cứu cho chạy băng cho đến khi em bé biểu hiện “mặt mếu” - là nét mặt biểu hiện sự khó chịu hay gặp nhất ở trẻ.

Kết quả cho thấy khi nghe hát, các bé “ngoan” được trong thời gian trung bình gần 9 phút. Trong chỉ việc nói chuyện chỉ giữ cho em bé ngoan được bằng một nửa thời gian, cho dù đó là nói nựng kiểu trẻ con hay nói kiểu người lớn. Nói nựng kiểu trẻ con giữ cho các bé “ngoan” được hơn 4 phút một chút, trong khi nói chuyện kiểu người lớn thời gian để các em bé không mếu là chưa đến 4 phút.

Khi kiểm tra phát hiện này bằng cách cho một nhóm trẻ khác nghe bản ghi âm giọng hát của mẹ hát bằng ngôn ngữ quen thuộc với (tiếng Pháp), các nhà nghiên cứu cũng thu được kết quả tương tự.

"Kết quả nghiên cứu góp phần khẳng định hiệu quả của giai điệu từ các bài hát ru trong việc giúp trẻ “bình tĩnh” trong một thời gian dài hơn”, GS Peretz nói." Trong khi trẻ nghe bài hát tiếng Thổ Nhĩ Kì gần 9 phút mới bắt đầu mếu, thì với bài hát bằng tiếng Pháp – thứ tiếng quen thuộc – thời gian này là 6 phút. Những phát hiện này nói lên tầm quan trọng bản năng của âm nhạc, và đặc biệt là giai điệu hát ru – thứ vốn lôi cuốn chúng ta bởi tính đơn giản và lặp đi lặp lại."

Những phát hiện này có ý nghĩa quan trọng vì các bà mẹ - nhất là các bà mẹ phương Tây – hay nói hơn là hát cho con nghe. Các nhà nghiên cứu tin rằng việc hát ru con có thể đặc biệt hữu ích đối với những bậc phụ huynh đang gặp khó khăn về kinh tế xã hội hoặc về tình cảm. "Mặc dù những tín hiệu cho thấy trẻ khó chịu thường thôi thúc các bậc cha mẹ có sự dỗ dành, song chúng cũng có thể khiến một số phụ huynh trở nên bực tức và cáu giận, dẫn đến những phản ứng thiếu nhạy cảm và – trong những trường hợp tệ nhất – trẻ có thể bị bỏ mặc hoặc bị bạo hành," GS Peretz nói. "Những bậc cha mẹ có nguy cơ này có thể được khuyến khích bật nhạc có lời cho trẻ nghe, hoặc tốt hơn nữa là hát cho con."

Cẩm Tú

Theo Science Daily