Bình Dương:

Hàng chục học sinh tiểu học nhập viện sau bữa trưa

(Dân trí) - Sau khi ăn trưa, nhiều em học sinh Trường tiểu học Võ Thị Sáu (tại khu phố 5, phường Mỹ Phước, thị xã Bến Cát) đã được đưa đi cấp cứu trong tình trạng đau bụng, chóng mặt, buồn nôn.

Hàng chục học sinh tiểu học nghi ngộ độc sau bữa săn trưa
Một số học sinh Trường tiểu học Võ Thị Sáu nằm điều trị tại Trung tâm y tế thị xã Bến Cát do nghi ngộ độc thực phẩm

Theo thông tin ban đầu, sau khi dùng cơm trưa tại trường, một số học sinh có biểu bị đau bụng, chóng mặt, buồn nôn nên được nhà trường đưa đến Trung tâm Y tế thị xã Bến Cát (tỉnh Bình Dương) kiểm tra sức khỏe.

Em Nguyễn Thị Tuyết Mai (học sinh lớp 3A1, trường tiểu học Võ Thị Sáu) kể lại: sau khi ăn cơm trưa với món đậu hũ nhồi thịt sốt cà chua, canh mướp mồng tơi bằm thịt tại nhà trường, em có biểu hiện nôn ói, đau đầu chóng mặt và đau bụng. Ngay sau đó, cũng có một số bạn trong lớp cũng rơi vào tình trạng tương tự.

Có mặt tại Trung tâm Y tế thị xã Bến Cát chăm sóc con, chị Nguyễn Thị Tuyết Sương (mẹ bé Mai) cho biết: “Nghe tin con gái mình có triệu chứng ngộ độc thực phẩm nên chạy tới trường xem cụ thể ra sao. Khi đến nơi thấy con bé có triệu chứng đau bụng, chóng mặt, tôi liền cõng nó chạy đến bệnh viện kiểm tra”.

Theo bác sĩ Châu Thị Bích, Phó giám đốc Trung tâm y tế thị xã Bến Cát, hơn 12h trưa ngày 9/4, Trung tâm có tiếp nhận 15 học sinh trường tiểu học Võ Thị Sáu đưa đến cấp cứu do nghi là ngộ độc. “Các bác sĩ đã thăm khám các trường hợp của học sinh. Hiện sức khỏe của các em đã bình thường. Trung tâm y tế đang phối hợp với các ngành chức năng để lấy mẫu gửi Viện Y tế công cộng Thành phố Hồ Chí Minh để kiểm tra”, Bác sĩ Bích khẳng định.

Liên quan đến vụ nghi ngộ độc thực phẩm đối với học sinh, bà Huỳnh Thị Lang, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu cho biết, nguyên liệu để đưa vào chế bến suất ăn đều được đích thân bà kiểm tra vào mỗi sáng. Khi thức ăn nấu xong bà cũng là người ăn trước mới để các em học sinh ăn. Sau bữa ăn chính khoảng hơn 1 tiếng thì một số em học sinh trong trường có triệu chứng trên.

“Có 388 suất ăn nhưng đã số các em nhập viện đều là học sinh khối 3 và một số em khối lớp 4, hiện sức khỏe của các em đã ổn định. Mẫu thức ăn cũng được lấy và gửi đi kiểm nghiệm”, Bà Lang nói.

Trường tiểu học Võ Thị Sáu, nơi xảy ra vụ hàng loạt học sinh nghi ngộc độc thực phẩm
Trường tiểu học Võ Thị Sáu, nơi xảy ra vụ hàng loạt học sinh nghi ngộc độc thực phẩm

Ông Lục Kim Thanh, Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Bến Cát cho biết, sau khi nhận được thông tin, phòng đã xuống trường và Trung tâm y tế kiểm tra xác nhận tình hình sự việc và sức khỏe của học sinh trong trường.

Cũng theo ông Thanh, những suất ăn này đều được nấu tại trường. Cơ sở cung cấp thực phẩm và nấu ăn cho trường tiểu học Võ Thị Sáu là Công ty TNHH Phú Nhật Hào (có địa chỉ tại xã Bạch Đằng, Tân Uyên, Bình Dương).

“Trên địa bàn thị xã Bến Cát có 8 trường học đang ký hợp đồng cung cấp suất ăn với Công ty TNHH Phú Nhật Hào. Hiện phòng GD&ĐT đã phối hợp với các ngành chức năng, lập biên bản kiểm tra bếp ăn, vệ sinh xung quanh bếp ăn và lấy mẫu niêm phong  gửi Viện y tế công cộng TPHCM xét nghiệm”, ông Thanh chia sẻ.

Trước đó, vào ngày 5/3, theo phản ánh nghi ngờ về chất lượng an toàn thực phẩm của phụ huynh học sinh, Đoàn Kiểm tra liên ngành Bàu Bàng, các cơ quan chức năng địa phương, Ban Giám Hiệu nhà trường, đại diện Công ty TNHH MTV Phú Nhật Hào (đóng tại thị xã Tân Uyên) và đại diện phụ huynh học sinh đã tiến hành kiểm tra xe ô tô mang biển số 61P - 4522 vận chuyển nguyên liệu thực phẩm cung cấp cho Trường Tiểu học Long Bình (huyện Bàu Bàng).

Kết quả phát hiện xe này vận chuyến cá Diêu Hồng, da, mỡ heo có mùi hôi. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã có công văn chỉ đạo các đoàn thanh, kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm tuyến huyện, thị xã, thành phố tiến hành thanh, kiểm tra đột xuất việc chấp hành quy định pháp luật về an toàn thực phẩm đối với 18 bếp ăn trường học, bếp ăn doanh nghiệp trên địa bàn do Công ty Phú Nhật Hào đảm trách.

Theo kết luận được công bố vào ngày 1/4 của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Bình Dương, nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu phẩm cung cấp cho các bếp ăn trường học của công ty này đảm bảo an toàn thực phẩm.

Tuy nhiên, phát hiện một số hành vi vi phạm an toàn thực phẩm như: vận chuyển, kinh doanh sản phẩm động vật thuộc diện phải kiểm dịch mà không có giấy chứng nhận kiểm dịch, vận chuyển chung thực phẩm với các loại hàng hóa khác gây nguy cơ ô nhiểm thực phẩm, không có biện pháp để ngăn ngừa côn trùng, không thực hiện khám sức khỏe định kỳ đầy đủ cho nhân viên chế biến thức ăn, không thực hiện cập nhật kiến thức an toàn thực phẩm đầy đủ cho nhân viên chế biến thức ăn, sử dụng người lao động mặc trang phục bảo hộ theo quy định nhưng không đầy đủ.

Trung Kiên