Hàm lượng i-ốt trong sữa thấp có gây hại cho trẻ?

(Dân trí) - Sự kiện sữa Wakodo và Morinagado của Nhật Bản thiếu i-ốt trầm trọng và buộc phải tiến hành thu hồi tại Hồng Kong khiến nhiều người tiêu dùng Việt Nam lo lắng, bởi hai loại sữa này cũng có mặt tại thị trường Việt Nam, dành cho lứa tuổi “nhạy cảm” dưới 1 tuổi.

Thiếu iot có ảnh hưởng đến trí tuệ trẻ?
 

Thiếu i-ốt có ảnh hưởng đến trí tuệ trẻ?

Mấy hôm nay, nghe thông tin về sữaWakado Hai Hai dành cho trẻ từ 0 - 9 tháng tuổi có hàm lượng i-ốt thấp, chị Liên Hoa sốt ruột như ngồi trên đống lửa, lo lắng cho con giai 12 tháng tuổi của chị.

Chị Hoa kể, tháng 8/2011 chị sinh bé bằng phương pháp mổ đẻ tại BV Phụ sản Hà Nội. Do bị tai biến chảy máu trong, chị phải mổ lại và nằm hậu phẫu thêm 7 ngày, tiếp đó phải nằm viện thêm 5 ngày theo dõi vì vẫn ra dịch dẫn lưu từ ổ bụng. Vì 12 ngày không hề cho con bú, lại dùng kháng sinh liên tục nên chị mất sữa, khi về nhà bé cũng không chịu bú lại. Tin tưởng sữa Nhật chất lượng tốt, từ bé tới giờ con chị đều dùng sản phẩm này.

“Mình nghe nói nhiều đến vai trò của i-ốt với sức khỏe. Trẻ thiếu i-ốt sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ, chậm lớn, nói ngọng. Liệu đó có phải lý do con mình 12 tháng rồi vẫn chưa biết đi hay không? Bé cũng chưa biết gọi bà bà, mẹ mẹ…”, chị Hoa lo lắng nói.

Theo BS.TS Đinh Thị Kim Liên, trưởng khoa Dinh dưỡng, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng lâm sàng (BV Bạch Mai), i-ốt là vi chất quan trọng đối với sự phát triển cơ thể con người. I-ốt là vi chất quan trọng để tuyến giáp tổng hợp các hoóc-môn điều chỉnh quá trình phát triển của hệ thần kinh trung ương…

Theo PGS.TS Trần Đình Toán, Khoa Dinh dưỡng, BV Hữu Nghị, khi bị thiếu i-ốt trẻ sẽ có những biểu hiện như chậm phát triển trí tuệ, chậm lớn, nói ngọng, giảm năng lực học tập, lùn, đần độn…  Ngoài ra, thiếu i-ốt còn gây ra bướu cổ, thiểu năng tuyến giáp, ảnh hưởng lớn đến cân nặng, sự phát triển và hoạt động của cơ thể, giảm khả năng lao động - sáng tạo của trẻ, trẻ thường xuyên mệt mỏi, kém tập trung ...

“Tuy nhiên cũng cần xác định hàm lượng i-ốt thấp là thấp đến ngưỡng nào mới ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ và ảnh hưởng đến tuyến giáp”, TS Liên nói.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai) khuyến cáo, các bà mẹ không nên quá lo lắng. Nếu thấy con có biểu hiện không được như mong muốn, hãy đưa con đi khám bác sĩ. Bác sĩ sẽ thăm khám trực tiếp đứa trẻ, hỏi han xem ngoài sữa này trẻ có dùng loại sữa gì khác nữa không, bởi các bà mẹ Việt Nam vẫn thường xuyên có thói quen đổi sữa cho con. Hơn nữa, đến nay chưa có nghiên cứu cụ thể nào về hàm lượng iot bao nhiêu là đủ trong một ngày với trẻ. Hàm lượng i-ốt cũng như các chất dinh dưỡng được cung cấp cho trẻ còn phụ thuộc lượng sữa trẻ uống hàng ngày.

Không bắt buộc công bố hàm lượng i-ốt trong sữa bột

Trước sự lo lắng của nhiều người dân về thông tin chính quyền Hồng Kông (Trung Quốc) thu hồi sữa cũng như khuyến cáo trẻ em đã uống loại sữa này nên đi kiểm tra sức khỏe, Cục An toàn thực phẩm lại trấn an người dân, rằng tại Việt Nam, i-ốt là thành phần không bắt buộc phải có trong sữa bột.

Ông Lê Hoàng, Phó phòng đăng kí và chứng nhận sản phẩm - Cục an toàn vệ sinh thực phẩm cho biết, ngay sau khi nhận được thông báo của Trung tâm an toàn thực phẩm Hồng Kông về hai loại sữa dành cho trẻ nhỏ từ 0 đến 9 tháng tuổi của Nhật Bản là sữa Wakodo 850g và sữa Morinaga 850g có hàm lượng iốt thấp hơn so với tiêu chuẩn của Ủy ban tiêu chuẩn quốc tế về thực phẩm (Codex), Cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã nhanh chóng rà soát cho thấy các sản phẩm này và cũng chỉ đạo lấy mẫu 02 sản phẩm sữa nêu trên để kiểm tra hàm lượng iốt. Sau khi có kết quả, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm sẽ xem xét và thông báo cụ thể.

“Hiện tại, Việt Nam chưa có quy định bắt buộc về việc bổ sung i-ốt vào các sản phẩm dành cho trẻ nhỏ. Song Cục An toàn vệ sinh thực phẩm hiện đang nghiên cứu và xây dựng quy chuẩn kỹ thuật đối với thực phẩm công thức dành cho trẻ nhỏ phù hợp với tiêu chuẩn của Codex và phù hợp với điều kiện của Việt Nam”, ông Hoàng nói.

Còn theo PGS.TS Trần Đình Toán, “Hiện nay, chưa có quy chuẩn nào về i-ốt trong sữa dành cho trẻ, kể cả những nước phát triển như Mỹ, Canada…cũng chưa được đánh giá nghiêm túc, phổ cập và có những chỉ số dinh dưỡng cụ thể.

 

Ở Việt Nam cũng vậy, bị ảnh hưởng bởi tính  địa phương, vùng miền nên các chỉ số i-ốt trong sữa càng khó thực hiện. Nhu cầu i-ốt trong thành phần sữa còn thiếu, chưa được nghiên cứu, phân tích, đánh giá cụ thể. Có các chương trình phòng chống thiếu i-ốt thì cũng chỉ là dành cho người lớn, mang tính tuyên truyền vùng miền cụ thể”.

Trước băn khoăn của nhiều người, liệu có cần bổ sung I ốt trong các sản phẩm dinh dưỡng dành cho trẻ nhỏ, TS Liên cho biết cần phải tính toán, xem xét kỹ sản phẩm nào thì bổ sung và bổ sung theo tỷ lệ nào chứ không thể bổ sung i-ốt bừa bãi. Bởi thừa i-ốt cũng nguy hiểm như thiếu i-ốt, cũng gây ra biếu cổ. Việc bổ sung hay không cần sự tính toán hợp lý.

Còn trên thực tế, chúng ta vẫn tiếp nhận i -ốt qua các thực phẩm hàng ngày và người lớn (đặc biệt ở những vùng khó khăn) bổ sung i-ốt còn qua đường nước mắm, muối.

“Riêng ở trẻ em, nhu cầu i-ốt không nhiều và cũng không có khuyến cáo bổ sung i-ốt cho trẻ nhỏ. Vì thế, việc bổ sung i-ốt vào các sản phẩm dinh dưỡng cũng cần được xem xét, tính toán phù hợp với từng sản phẩm, bởi thiếu hay thừa đều gây hại”, TS Liên nói.
 

 Theo các chuyên gia dinh dưỡng lượng I-ốt cần thiết hàng ngày cho trẻ khác nhau tùy theo từng lứa tuổi. Đối với trẻ còn bú từ sơ sinh đến 6 tháng cần 40 mcg, trẻ còn bú từ 6 đến 12 tháng cần 50mcg, trẻ từ 1 đến 3 tuổi cần 70mcg, trẻ từ 4 đến 9 tuổi cần 120 mcg, từ 10 đến 12 tuổi cần 140 mcg, đối với người trưởng thành là 150 – 200 mcg.

 

I-ốt có nhiều trong cá biển, thịt nạc, lòng đỏ trứng, rau dền, rau cải soong, rau ngót, dưa chuột, cam, sữa tươi, đậu đỗ… I-ốt trong thiên nhiên được dự trữ trong nước mưa, nước biển, trong hầu hết những loài động, thực vật sống ở biển như cá biển, rong biển, rau câu…

 
Hồng Hải - Thanh Huyền