Hãi hùng ổ sán khổng lồ trú ngụ trong não người đàn ông
(Dân trí) - Bệnh nhân 50 tuổi (Lào Cai) được đưa vào viện với biểu hiện suy giảm trí nhớ, giảm tri giác nhanh chóng. Hình ảnh chụp CT sọ não sau đó khiến cả nhà người bệnh hãi hùng, bệnh nhân có ổ sán não khổng lồ ở cả hai bán cầu trái và phù não diện rộng.
BSCKII. Hà Xuân Tài, Phó Khoa Ngoại thần kinh - Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết bệnh viện vừa can thiệp thành công lấy ổ sán khổng lồ trong não người đàn ông.
Bệnh nhân Hoàng Văn D. (nam giới, 50 tuổi, Lào Cai) được đưa đến bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ ngày 04/10/2019 trong tình trạng giảm trí nhớ, giảm tri giác.
Người nhà bệnh nhân cho biết, đến cả tháng nay ông D. có biểu hiện lạ lùng, lúc nhớ, lúc quên. Đặc biệt tình trạng suy giảm trí nhớ nhanh đến lạ kỳ, tứ chi có biểu hiện giảm vận động.
Tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ, người bệnh được chỉ định chụp CT sọ não, kết quả cho thấy ổ sán não khổng lồ ở cả hai bán cầu trái và phù não diện rộng, phải tiến hành can thiệp ngoại khoa.
Sau khoảng 2 giờ tiến hành phẫu thuật, các bác sĩ đã lấy được trọn vẹn cả ổ nang sán.
Ổ sán được các bác sĩ lấy ra khỏi não của người bệnh. Ảnh: BV cung cấp.
Theo BS Tài, kén sán não là bệnh nhiễm trùng hệ thần kinh do ấu trùng sán dây lợn sống ký sinh ở người gây ra, bệnh gặp chủ yếu nơi có mức sống thấp, điều kiện vệ sinh môi trường kém, đặc biệt là ở những vùng có tập quán nuôi lợn thả rông hoặc ăn thịt lợn chưa được nấu chín. Bệnh kén sán não nếu không được phát hiện và xử trí sớm sẽ dẫn tới nhiều biến chứng cực kỳ nguy hiểm.
Nguy cơ nhiễm sán trong môi trường rất lớn. Bình thường, sán có trong ruột của lợn, thậm chí có trong ruột của người. Khi phân thải ra môi trường nếu không được xử lý tốt, bám vào rau sống, tiết canh (do giết mổ không an toàn, trứng sán trong phân có nguy cơ dính vào tiết canh trong quá trình chọc tiết lợn), nếu người nuốt phải trứng sán này trong thức ăn thì sẽ bị nhiễm ấu trùng sán lợn.
Khi trứng sán vào trong cơ thể, nó phát triển thành ấu trùng, xuyên qua niêm mạc đường tiêu hóa và theo dòng máu, mạch huyết đi khắp mọi nơi trong cơ thể theo cư trú ở tất cả các hệ thống từ cơ vân đến cơ tim, cơ hoàn, não. Khi nang sán trú lại chỗ nào sẽ gây bệnh ở chỗ ấy. Ví như nếu chui vào cơ có thể sờ thấy nang sán. Nếu sán trú ngụ vùng mắt có thể gây mù, trú ngụ trong não gây tình trạng phù não, co giật, thậm chí tử vong.
Những bệnh nhiễm kí sinh trùng liên quan chặt chẽ với thói quen ăn uống, có thể liên tục tái nhiễm, có thể để lại di chứng não cho người bệnh nên ngoài việc phát hiện bệnh sớm cần chủ động phòng bệnh.
Để phòng bệnh, cần phải vệ sinh cá nhân sạch sẽ, tránh tiếp xúc với môi trường đất, cần rửa tay sạch trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Cần vệ sinh môi trường sạch sẽ, quản lý tốt nguồn phân, không dùng phân tươi để tưới rau… Tuyệt đối không ăn thịt lợn gạo, tiết canh, nem chua, thịt lợn tái, rau sống không đảm bảo vệ sinh, điều trị người bệnh khi có biểu hiện nhiễm sán dây…
"Đặc biệt khi thấy xuất hiện các cơn đau đầu, co giật, đau đầu kéo dài không rõ nguyên nhân người dân cần phải chú ý xét nghiệm các bệnh liên quan đến ký sinh trùng", Bác sĩ Tài khuyến cáo.
Hồng Hải