Hai hành khách vào Việt Nam từ vùng dịch Ebola có dấu hiệu sốt
(Dân trí) - Chiều ngày 19/8, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng thông báo, 2 hành khách nhập cảnh vào Việt Nam từ vùng dịch Ebola có dấu hiệu sốt và ngay lập tức đã được cách ly, theo dõi.
Hành khách nhập cảnh vào Việt Nam đến từ vùng dịch có Ebola đều phải thực hiện tờ khai y tế bắt buộc để theo dõi, giám sát nguy cơ mắc bệnh. Ảnh minh họa: H.Hải
Theo đó, chiều ngày 19/8/2014, tại chuyến bay số hiệu QR964 của hãng hàng không Quatar Airway đi từ Quatar tới Việt Nam tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất có 02 hành khách quốc tịch người Nigeria xuất cảnh từ Nigeria ngày 18/8/2014 ngồi số ghế 25B và 26D có biểu hiện sốt, ngoài ra chưa phát hiện có các triệu chứng khác.
Để thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh dịch Ebola xâm nhập vào Việt Nam, Bộ Y tế đã chỉ đạo Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh và ngành y tế TP Hồ Chí Minh đã tiến hành các thủ tục xử lý, cách ly theo quy định và chuyển 02 hành khách trên đến khu vực cách ly của Bệnh viện Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh để tiến hành cách ly, theo dõi, kiểm tra, chăm sóc sức khỏe theo quy định.
“Hiện tại, hai hành khách này mới có biểu hiện sốt, chưa có thêm các triệu chứng khác của bệnh Ebola. Tuy nhiên, việc cách ly, theo dõi, giám sát vẫn được thực hiện chặt chẽ phòng ngừa nguy cơ”, ông Phu khẳng định.
Hiện cả hai hành khách này được lấy mẫu máu xét nghiệm và mẫu này sẽ được Cục Y tế dự phòng, Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh phối hợp với Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ tại Việt Nam gửi mẫu xét nghiệm.
Ông Phu cũng khuyến cáo, để chủ động phòng chống dịch bệnh, Bộ Y tế cũng đề nghị những hành khách đi cùng chuyến bay trên ngồi các hàng ghế số 24, 25, 26, 27 của chuyến bay QR964 ngày 19/8/2014 chủ động đến các cơ sở y tế nơi gần nhất hoặc liên hệ với số điện thoại: 0989 671 115 để được hướng dẫn về các biện pháp phòng bệnh và theo dõi sức khỏe; gửi danh sách các hành khách ngồi trên các số ghế trên cho các địa phương để tiếp tục theo dõi.
Bộ Y tế sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình sức khỏe của hai hành khách nêu trên và kịp thời thông báo những thông tin tiếp theo.
Trước đó, tại Hà Nội ngày 31/7/2014 có một sinh viên từ Nigeria nhập cảnh vào Việt Nam. Đến ngày 08/08/2014 thêm 2 sinh viên từ quốc gia này nhập cảnh. Ba sinh viên trên nhập cảnh để theo học tại trường Đại học FPT tại Hà Nội. Hiện cả 3 sinh viên này đang được giám sát, theo dõi sức khỏe ngay tại trường Đại học FPT.
Kể từ ngày nhập cảnh đến nay, cả 3 sinh viên được các nhân viên y tế của trường và của Sở Y tế Hà Nội kiểm tra sức khỏe hàng ngày, được tư vấn về bệnh Ebola và cách dự phòng, được khuyến cáo nghỉ ngơi tại nhà, tránh tiếp xúc với người xung quanh và tự theo dõi sức khỏe bản thân và phải thông báo ngay cho cán bộ y tế khi có các biểu hiện như sốt, đau đầu, nôn, tiêu chảy, xuất huyết. 3 sinh viên cũng được phát nhiệt kế để tự theo dõi nhiệt độ cơ thể đến khi hết 21 ngày kể từ khi xuất cảnh.
Theo WHO dịch Ebola vẫn diễn biến phức tạp tại 4 nước Tây phi. Tích lũy từ đầu vụ dịch đến nay, tại 4 quốc gia Tây phi ghi nhận tổng cộng: 2.127 trường hợp mắc bệnh do vi rút Ebola, trong đó có 1.145 tử vong. Cụ thể như sau:- Guinea: 518 trường hợp, 380 tử vong.- Liberia: 786 trường hợp, 413 tử vong.- Nigeria: 12 mắc, 4 tử vong.- Sierra Leone: 810 trường hợp, 348 tử vong.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biên như trên, nhiều công ty vận chuyển hàng không đưa ra quan ngại về việc du lịch theo đường hàng không đến và đi từ các quốc gia đang có dịch bệnh có nguy cơ cao làm lan truyền vi rút Ebola.
Trước thực trạng này, WHO mới đây đã tổ chức cuộc họp báo tại Geneva, Thụy Sỹ. TS. Isabelle Nuttall đã nhận định "đi lại qua đường hàng không, thậm chí từ các nước đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Ebola, có nguy cơ thấp làm lây lan vi rút này". Bởi cơ chế lây truyền của vi rút Ebola là do tiếp xúc trực tiếp với người bệnh thông qua dịch tiết, chứ không giống như tác nhân gây bệnh lây truyền qua đường không khí như cúm, lao.
Hồng Hải