1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Hà Nội: Vào “mùa” đau mắt đỏ

(Dân trí) - 3 tuần trở lại đây, mỗi ngày có khoảng trên 100 bệnh nhân đến khoa Khám bệnh (BV Mắt T.Ư) khám vì đau mắt đỏ và theo dự đoán của các chuyên gia, đỉnh dịch có thể bắt đầu từ giữa tháng 8.

Nhiều ca biến chứng

Sáng 7/8, tại khoa Khám bệnh (BV Mắt TƯ), rất nhiều bệnh nhân từ trẻ em 1 - 2 tuổi đến người trưởng thành, người già la liệt ngồi đợi khám bệnh vì đau mắt đỏ.

Đến bệnh viện từ 7h sáng, xếp hàng lấy số nhưng mãi đến hơn 10h cô bé Phạm Y Trang, 2 tuổi ở Chương Mỹ, Hà Nội mới đến lượt khám. Trong suốt 3 tiếng chờ đợi, cô bé luôn dùng tay dụi mắt vì ngứa, hai mí mắt sưng húp.

Rất đông bệnh nhân đau mắt đỏ ngồi chờ đợi khám.

Rất đông bệnh nhân đau mắt đỏ ngồi chờ đợi khám.

Bé Trang mắt sưng húp vì bị viêm giác mạc sau đau mắt đỏ.
Bé Trang mắt sưng húp vì bị viêm giác mạc sau đau mắt đỏ.

Chị Nguyễn Thị Hương, mẹ bé Trang cho biết, bé đã bị đau mắt đỏ 2 tuần không khỏi. Bé bị lây từ người chị đã đi học mẫu giáo. “Mình chủ quan vì khi chị bị đau mắt đỏ, đưa đi khám bác sĩ gần nhà được kê thuốc uống và nhỏ mắt khoảng 1 tuần khỏi nên khi bị lây sang cô em, mình vẫn làm theo đơn thuốc đó. Nhưng mắt con bé không đỡ mà ngày càng nặng hơn, sưng húp nên sáng nay đưa đến viện khám”, chị Hương nói.

BS Lê Thị Ngọc Lan, khoa Kết - Giác mạc, người trực tiếp khám cho cháu Trang, cho biết: Cháu bị viêm giác mạc do việc dùng thuốc không đúng. Tình trạng viêm của cháu phải điều trị cả tháng trời mới mong ổn định. Hiện bé rất bị chói, cộm, dử mắt nhiều và phải dùng nhiều loại thuốc kết hợp.

Theo BS Lan, trường hợp đau mắt đỏ dẫn đến viêm giác mạc như cháu Trang không phải cá biệt mà rất phổ biến. Có bệnh nhân bị biến chứng viêm giác mạc nặng, phải điều trị liên tiếp 6 tháng mới ổn định, với chi phí điều trị vô cùng tốn kém, gấp hàng vài chục lần so với điều trị đau mắt đỏ thông thường. Chưa kể tình trạng viêm giác mạc kéo dài khiến người bệnh vô cùng khó chịu, luôn bị đỏ mắt (mặc cảm khi đối diện với người khác vì sợ lây bệnh), đau chói mắt, cộm mắt… ảnh hưởng đến công việc và học tập.

“Đau mắt đỏ là bệnh lây truyền nên dễ thành dịch, nhiều người bị và năm nào cũng có nên nhiều người cho rằng đó là bệnh đơn giản, tự chữa. Việc tra đủ thứ thuốc không đúng chỉ định, đặc biệt là lạm dụng kháng sinh và corticoid khiến người bệnh bị biến chứng viêm kết mạc rất lâu khỏi”, BS Lan nói.

Viêm giác mạc khiến người bệnh bị khô mắt, tổn hại bề mặt giác mạc, gây khó chịu cho người bệnh và phải điều trị dài ngày. Ngoài ra cũng có nhiều trường hợp chữa đau mắt đỏ bằng xông lá trầu không khiến mi mắt bị phù nề, mắt chói cộm nhiều bởi bỏng giác mạc. Bệnh nhân khô mắt, khó chịu, kích thích, chảy nước mắt, làm cho quá trình điều trị lâu hơn.

Nguy hiểm nhất là giai đoạn ủ bệnh

Theo BS Phạm Ngọc Đông, Trưởng khoa Kết - Giác mạc (BV Mắt TƯ), hiện tại dịch đau mắt đỏ đang vào mùa. 4 tuần liên tiếp trở lại đây, trung bình mỗi ngày có khoảng hơn 100 bệnh nhân đau mắt đỏ tới khám. Tuy nhiên số bệnh nhân có thể tăng lên thời gian tới bởi đỉnh dịch có thể bắt đầu vào giữa tháng 8 (tháng 7 âm lịch) khi mưa kéo dài, thời tiết ẩm thấp. Bệnh đau mắt đỏ dễ lây lan do tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh, qua tay, lây qua những vật dụng hàng ngày như khăn rửa mặt, đồ chơi, bát ăn, cốc uống… Đáng sợ nhất là giai đoạn ủ bệnh bởi tốc độ lây truyền nhanh nhất cũng là ở giai đoạn này. Khi mới nhiễm vi-rút, người bệnh không có triệu trứng nên không biết để phòng ngừa cho người khác. Vì thế thường xảy ra tình trạng cả nhà cùng đau mắt đỏ vì lây lan nhau. Nhiều trường hợp, người lớn khỏi rồi nên chủ quan khi chăm sóc con dẫn đến tái nhiễm.

BS Lan khám cho bệnh nhân bị đau mắt đỏ.

BS Lan khám cho bệnh nhân bị đau mắt đỏ.

Như trường hợp chị K.D có con học ở trường tiểu học Phương Mai và trường mầm non Mai Động. “Cô chị vừa đi học trở lại hai hôm sau kỳ nghỉ hè thì bị đau mắt đỏ phải nghỉ học. Hai chị em lập tức được “cách ly”, đứa bé được chuyển sang nhà bà ngoại nhưng sau khi cô chị bị hai hôm,được hai hôm thì bà gọi con bé ngủ dậy có dử mắt, mắt đỏ ngầu… đành phải đón con về chăm sóc. Cả ngày chỉ rửa, tra thuốc nhỏ mắt cho hai đứa cũng bận rộn”, chị D nói.

BS Đông cho biết, khi bị bệnh, nhiều trường hợp chỉ cần chăm sóc, giữ vệ sinh mắt tốt là sau 7 - 10 ngày khỏi bệnh mà không phải dùng kháng sinh. Nhưng trên thực tế, khi bị đau mắt, ai cũng chăm chăm đi mua thuốc và tra thuốc, có người tra 7 - 8 lần một ngày vẫn không khỏi. Nguyên nhân là họ mới chăm chỉ tra thuốc chứ chưa biết làm vệ sinh mắt để đẩy vi rút ra ngoài.

Cách điều trị, chăm sóc rất đơn giản nhưng do không biết cách nên nhiều người bị biến chứng như viêm biểu mô giác mạc, giảm thị lực sau điều trị nếu cứ để viêm nhiễm kéo dài.

“Không nên sốt ruột khi điều trị đau mắt đỏ, căn bệnh này không nặng nhưng cần có thời gian để loại bỏ vi-rút khỏi cơ thể. Tốt nhất trước mỗi lần tra thuốc nhỏ mắt cần rửa sạch mắt bằng muối sinh lý. Bệnh nhân nên nằm nghiêng, rửa từng mắt một, nhỏ nước muối liên tục để làm mềm dử mắt rồi dùng gạc tiệt trùng lau khô. Nhưng cần lưu ý, khi rửa mắt không để đầu thuốc chạm vào mắt để tránh lây lan”, BS Đông nói..

Việc điều trị kháng sinh chỉ có tác dụng dự phòng các bội nhiễm khác chứ không có tác dụng chấm dứt việc đau mắt đỏ. Nhiều trường hợp không điều trị cũng có thể khỏi nếu biết cách vệ sinh tốt. Còn với thuốc chứa corticoid người bệnh tuyệt đối không dùng bởi tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Việc dùng dài ngày khiến cơ thể suy giảm sức miễn dịch càng khiến đau mắt đỏ trầm trọng, lâu khỏi hơn.

Bài và ảnh: Hồng Hải