Hà Nội, TP Hồ Chí Minh không có phản ứng nặng tử vong sau tiêm Quinvaxem
(Dân trí) - Ngày 6/1, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, trong năm 2015 tại TP HCM có 320.000 trẻ tiêm vắc xin Quinvaxem và Hà Nội có 390.000 trẻ nhưng chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong do Quinvaxem.
Vẫn tiếp tục tiêm Quinvaxem đến năm 2020
Tại Hội thảo về truyền thông nguy cơ trong công tác tiêm chủng mở rộng diễn ra ngày 6/1 tại Ninh Bình, TS Phu cho biết, con số trẻ em được tiêm Quinvaxem trong cả nước năm 2015 rất lớn, với khoảng 4,8 triệu liều. Như vậy, có đến 92% trẻ em trong độ tuổi tiêm 5 trong 1 được tiêm Quinvaxem, còn chỉ 8% trẻ tiêm vắc xin dịch vụ Pentaxim.
Nói về các phản ứng nặng sau tiêm chủng, TS Phu cho biết, tính đến hết tháng 9/2015, trong hàng vài triệu liều vắc xin được tiêm cho trẻ đã ghi nhận hơn 3.000 trẻ phản ứng thông thường với vắc xin, trong đó có 32 ca phản ứng nặng (16 trường hợp tử vong) do nhiều nguyên nhân. Trong số này, tai biến tử vong sau tiêm vắc xin lao là 5 trường hợp, Quinvaxem 8 trường hợp và viêm gan B có 3 trường hợp.
TS Phu cũng lưu ý, trong số 16 ca phản ứng nặng dẫn đến tử vong sau tiêm chủng thì có 31% là do trùng hợp ngẫu nhiên. Và so với số lượng vắc xin được tiêm ra, thì vắc xin viêm gan B sơ sinh, vắc xin lao tỉ lệ gặp phản ứng còn cao hơn vắc xin Quinvaxem (do vắc xin lao và viêm gan B chỉ tiêm 1 mũi, còn Quinvaxem là tiêm 3 mũi). Tuy nhiên, tỉ lệ này còn thấp hơn so với khuyến cáo của nhà sản xuất và Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
GS.TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết vắc xin Quinvaxem được Liên minh toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI) tài trợ cho Việt Nam đến năm 2020 với số lượng mỗi năm khoảng 4,5 triệu liều. Sau giai đoạn này Việt Nam sẽ chủ động hoàn toàn về nguồn vắc xin, vì thế đến thời điểm đó sẽ cân nhắc lựa chọn vắc xin, có thể vẫn là Quinvaxem hay một loại nào đó thay thế.
Cũng theo GS Đức Anh, để chủ động nguồn vắc xin dịch vụ có thể tới đây ngành y tế sẽ ứng dụng phần mềm đề người dân đăng ký vắc xin trên mạng như đã triển như với vắc xin dịch vụ Pentaxim thời gian qua. Tuy nhiên từ thời điểm đăng kí đến khi đặt được hàng cần một khoảng thời gian khá dài. Vì thế, các phương án sẽ tiếp tục được tính đến để làm sao thuận lợi nhất cho người dân trong việc tiếp cận tiêm chủng, trong đó tiếp cận tiêm vắc xin từ TCMR là rất quan trọng.
Còn TS Phu cho rằng, người dân không nên quá lo lắng về các phản ứng sau tiêm vắc xin, nhất là vắc xin Quinvaxem. Bởi trên thực tế, phản ứng nặng sau tiêm Pentaxim và Quinvaxem là tương đương. Tỉ lệ phản ứng nặng sau tiêm chủng không cao hơn các vắc xin khác. Như năm 2015 tại TP HCM có 300.000 trẻ tiêm Quinvaxem, Hà Nội là 280.000 trẻ nhưng chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong do Quinvaxem.
380 ca ho gà trong năm 2015
TS Đức Anh cho biết, trong năm 2015 Việt Nam ghi nhận 380 trường hợp có lâm sàng ho gà, trong đó xét nghiệm dương tính là 258 trường hợp. Trong đó 50% bệnh nhi trong độ tuổi từ 2 - 4 tháng tuổi chưa tiêm vắc xin hoặc chưa tiêm đầy đủ 3 mũi như quy định; 1 số trẻ dưới 2 tháng tuổi (chưa đến tuổi tiêm) và một số nhỏ là trẻ 2- 3 tuổi. Đây là hệ quả nhãn tiền của tâm lý e ngại tiêm vắc xin Quinvaxem, chờ đợi vắc xin Pentaxim dẫn đến trẻ không được bảo vệ bởi dịch bệnh.
BS Đỗ Thiện Hải, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm (BV Nhi Trung ương) cho biết, tại BV trong năm qua tiếp nhận khoảng 300 bé mắc ho gà, trong đó nhiều em bé có biến chứng viêm phổi, với thời gian điều trị trung bình từ 10 -15 ngày rất vất vả, khó khăn.
“Có những trẻ dưới 2 tháng tuổi đã bị ho gà, có thể do nhiều nguyên nhân, như người mẹ chưa từng được tiêm chủng, chưa từng mắc ho gà sẽ không có kháng thể truyền cho con. Những trường hợp này, khi duy trì được tỉ lệ miễn dịch cộng đồng cao (tiêm chủng cao) thì sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh khi chưa đến tuổi tiêm chủng. Còn miễn dịch cộng đồng càng thấp, mầm bệnh càng nhiều và có nguy cơ tấn công người chưa có miễn dịch càng lớn”, TS Phu phân tích.
TS Phu cho biết, mục tiêu của ngành y tế là sẽ tiếp tục thêm nhiều vắc xin mới trong TCMR; mở rộng các điểm TCMR để người dân được tiếp cận tốt hơn. Như hiện nay mới có phòng tiêm tại một vài BV tư, BV Nhi Trung ương, BV Bệnh nhiệt đới Trung ương, sắp tới sẽ phải mở rộng, nơi nào có điều kiện, kể cả phòng khám, phòng tiêm dịch vụ đủ điều kiện là phải triển khai TCMR để người dân được tiếp cận tốt với vắc xin.
Bộ Y tế cũng đã trình Chính phủ dự thảo tiến tới cơ chế tính đúng, tính đủ cho các loại vắc xin. Theo đó, sẽ tính cả chi phí dịch vụ tiêm chủng cho cả TCMR và tiêm chủng dịch vụ. Vì hiện nay, tiêm chủng dịch vụ ngoài giá vắc xin, các cơ sở tiêm chủng được tính chi phí tiêm theo tính đúng, tính đủ. Còn trong TCMR, chi phí tiêm là quá thấp, 12 nghìn cho đồng bằng, 24 nghìn cho vùng sâu vùng xa để tiêm 10 loại vắc xin, tính ra mỗi mũi chi phí rất nhỏ. Vì thế, khi muốn áp tư nhân, cơ sở dịch vụ tham gia TCMR họ không muốn tiêm.
Phương án đền bù sau khi có phản ứng nặng sau tiêm chủng cũng được tính đến. Theo đó, có những phản ứng nặng sau tiêm nhưng để lại di chứng sẽ đền bù. Tử vong sau tiêm (ở những trường hợp xác định là do vắc xin và không xác định được nguyên nhân) cũng sẽ được đền bù.
Đặc biệt việc ứng dụng CNTT trong tiêm chủng sẽ được mở rộng. Hiện Bộ Y tế đã áp dụng phần mền này tại Bắc Ninh. Theo đó, mỗi trẻ sẽ được cấp một ID riêng, trẻ tiêm mũi vắc xin gì đều nhập vào ID và dù trẻ di chuyển đến vùng miền nào, chỉ cần nhập ID là sẽ hiển thị đầy đủ các loại vắc xin trẻ được tiêm để có thể giám sát việc tiêm chủng của trẻ thuận lợi hơn.
TS Phu cho biết, để tăng cường hơn nữa an toàn trong tiêm chủng, Bộ Y tế đặc biệt chú trọng khâu sàng lọc trước tiêm và cấp cứu sau tiêm. Hiện Bộ Y tế đang tiếp tục tái tổ chức các lớp tập huấn tại miền Trung, Nam, Bắc về các kỹ năng này để ngày càng nâng cao hơn nữa an toàn tiêm chủng.
Hồng Hải