1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Hà Nội: Ổ dịch hiệu thuốc 17 ca Covid-19, 2 người mua thuốc đã dương tính

Tú Anh

(Dân trí) - Sáng 22/7, Hà Nội công bố 2 ca mắc mới là 2 mẹ con ở Thụy Khuê liên quan đến "ổ dịch" hiệu thuốc 95 Láng Hạ. Hiện liên quan ổ dịch này xác định 17 ca, trải rộng khắp 8 quận ở Hà Nội.

Xuất hiện lây thứ phát từ hiệu thuốc

Cụ thể, bệnh nhân N.T.T.H., nữ, sinh năm 1976; bệnh nhân V.N.H.D., nữ, sinh năm 2004, là 2 mẹ con có địa chỉ tại Thụy Khuê, Tây Hồ. Bệnh nhân H. có tiền sử đi đến hiệu thuốc tại 95 Láng Hạ (có tiếp xúc các ca F0 dương tính). Ngày 21/7, các bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc chủ động cho kết quả dương tính.

Trong đêm 21, rạng sáng 22/7, lực lượng chức năng đã phong tỏa và lấy mẫu xét nghiệm cho hơn 100 người liên quan đến 2 ca dương tính SAR-CoV-2 ở số 40 Thụy Khuê.

Hà Nội: Ổ dịch hiệu thuốc 17 ca Covid-19, 2 người mua thuốc đã dương tính - 1

Hai mẹ con ở 40 Thụy Khuê dương tính SARS-CoV-2.

Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, liên quan đến hiệu thuốc đã xác định 17 trường hợp dương tính, trong đó 2 ca ở quận Hai Bà Trưng, một ca ở Thanh Xuân, 7 ca ở Đống Đa, 2 ca ở Hà Đông, một ca ở Hoàn Kiếm, một ca ở Nam Từ Liêm, một ca ở Thanh Trì, 2 ca ở Tây Hồ.

Trong số 17 ca này, phần lớn là nhân viên tại hiệu thuốc, trong đó có ca là trình dược viên đi giao thuốc, lấy thuốc từ chợ thuốc Hapulico đến quầy thuốc 95 Láng Hạ.

Hà Nội đánh giá ổ dịch hiệu thuốc Láng Hạ khá phức tạp, khi ghi nhận bệnh nhân đến mua thuốc bị lây thứ phát.

Liên quan ổ dịch này,  Chủ tịch UBND TP Hà Nội phê bình và nhấn mạnh đây là việc thực hiện không nghiêm túc chỉ đạo của thành phố.

Đình chỉ hiệu thuốc Láng Hạ

Theo đó, hiệu thuốc 95 Láng Hạ đã không kiểm soát người đến mua thuốc bị ho sốt, chưa thực hiện tốt việc phải phối hợp thông báo với cơ quan y tế để xét nghiệm mà ngược lại để lây nhiễm, đến khi có triệu chứng rõ ràng thì những ca này mới làm xét nghiệm. Hiện Sở Y tế đã đình chỉ cơ sở này và yêu cầu cần xem xét xử lý trách nhiệm để lây lan dịch bệnh…

Cũng theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội, tình hình dịch bệnh hiện nay trên địa bàn đã không lây lan nhỏ như trước đây. Từ đó, ông yêu cầu các cơ quan liên quan phải kiểm soát nhanh nhất các ca lây nhiễm mới với tốc độ nhanh nhất. Đồng thời, Hà Nội xác định áp dụng các biện pháp mạnh nhất gần với Chỉ thị 16 của Thủ tướng để quyết tâm ngăn dịch.

"Phải nhìn nhận rõ nguy cơ hiện nay rất cao. Chúng ta phải kiên định các phương châm, cách làm thì sẽ kiểm soát được dịch bệnh. Yêu cầu hiện nay cao nhất là thực hiện và thực sự đưa các nội dung của Công điện 15 vào cuộc sống" - Chủ tịch Hà Nội nhấn mạnh.

Tính từ khi đợt dịch thứ tư bùng phát đến nay, Hà Nội ghi nhận 571 ca dương tính SARS-CoV-2, trong đó có 7 chùm ca bệnh trong cộng đồng chưa xác định nguồn lây gồm:

- Sàng lọc ho sốt tại cộng đồng (nguyên phát) với 8 ca dương tính ở Quốc Oai, Hà Đông.

- Sàng lọc ho sốt tại cộng đồng (thứ phát) với 5 ca dương tính ở Quốc Oai, Thạch Thất.

- Liên quan nhà thuốc 95 Láng Hạ với 17 ca.

- Chùm 57 ca liên quan Nguyễn Khuyến, Đống Đa trải rộng các quận huyện gồm Hoàng Mai (6 ca), Hai Bà Trưng (18 ca), Thanh Xuân (1 ca), Đống Đa (16 ca), Thường Tín (3 ca), Hà Đông (2 ca), Long Biên (3 ca), Bắc Từ Liêm (1 ca), Nam Từ Liêm (1 ca), Ba Đình (1 ca), Cầu Giấy (2 ca).

- Liên quan Tân Mai - Hoàng Mai với 38 ca, trong đó tại Hoàng Mai 29 ca, Thanh Xuân một ca, Sóc Sơn 2 ca, Hà Đông một ca, Long Biên một ca, Thanh Oai 3 ca, Phú Xuyên một ca.

- Liên quan ổ dịch Bùi Thị Xuân, Hai Bà Trưng gồm 27 ca.

- Ổ dịch B6 Trại Găng, Hai Bà Trưng với 17 ca.

Ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội nhận định, trong 1-2 tuần nữa Hà Nội khả năng cao vẫn sẽ ghi nhận thêm các ca bệnh, đây là điều đã nằm trong dự tính của lực lượng chức năng.

"Việc ghi nhận thêm ca bệnh là không thể tránh khỏi. Hàng ngày, Hà Nội vẫn có 2.000-3.000 người Hà Nội từ các vùng dịch trở về, đây chính là những nguồn lây tiềm tàng", ông Tuấn nhận định.

Đánh giá diễn biến dịch Covid-19 tại Hà Nội, PGS.TS Trần Đắc Phu, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng tình hình dịch của Hà Nội hiện tại vẫn cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên, không được chủ quan vì đây vẫn là địa bàn có nguy cơ rất cao.

Theo PGS Phu, vừa qua Hà Nội xuất hiện các ổ dịch trong cộng đồng và cả các khu công nghiệp. Đáng chú ý, gần đây tiếp tục xuất hiện thêm một số ổ dịch chưa xác định nguồn lây. Hà Nội có mật độ dân số cao, người dân đi lại nhiều, có nhiều trường hợp về từ vùng dịch, đặc biệt là người về từ TPHCM do đó đây vẫn là một địa bàn có nguy cơ dịch rất cao.

Trước diễn biến phức tạp của dịch, Hà Nội đã ban hành Công điện 15, "siết chặt" các biện pháp giãn cách phòng chống dịch; thực hiện cách ly tập trung đối với những người về từ các địa phương có dịch, đang phải thực hiện giãn cách xã hội…từ 0h ngày 22/7.

Theo văn bản số 969, Thủ tướng quyết định áp dụng biện pháp giãn cách xã hội để chống dịch Covid-19 trên phạm vi toàn tỉnh, thành phố theo Chỉ thị 16, đối với 19 địa phương: TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, TP Cần Thơ, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bến Tre, Hậu Giang, An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau, Kiên Giang.

Ngoài ra, với những trường hợp về từ TPHCM và các vùng dịch khác, UBND Hà Nội chỉ đạo các cơ quan liên quan tổ chức thông báo trên phương tiện truyền thanh cơ sở, ghi rõ thông tin, danh sách, ngày về địa phương để người dân cùng chính quyền giám sát chặt chẽ việc di biến động, giảm tối đa nguy cơ lây nhiễm Covid-19 từ các vùng dịch khác về; tuyên truyền, nhắc nhở, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm…