Hà Nội: Hơn 800 ca Adenovirus/tuần, phụ huynh đua nhau trữ thuốc cho con
(Dân trí) - Một số loại thuốc kháng sinh cho trẻ em, thuốc điều trị nhiễm khuẩn viêm đường hô hấp trên, sản phẩm liên quan đến xông xịt hen suyễn, giãn phế quản được người dân tìm mua nhiều nhất.
Nhu cầu mua thuốc viêm đường hô hấp cho trẻ tăng mạnh
Thấy con trai 6 tuổi bắt đầu "sụt sịt", chị Huyền (tên nhân vật đã được thay đổi), một nhân viên văn phòng tại Nam Từ Liêm (Hà Nội) vội tìm đến hiệu thuốc.
"Năm nào trời bắt đầu chuyển sang mùa lạnh cháu nhà tôi cũng ốm. Thêm vào đó, đợt này Hà Nội có thêm dịch do Adenovirus nên khả năng cháu bị viêm đường hô hấp lại càng cao. Do đó, dù mới chỉ có triệu chứng nhẹ ban đầu, tôi cũng mua đủ các loại thuốc không kê đơn, để sau này con có triệu chứng gì lại đã có sẵn thuốc", chị Huyền chia sẻ.
Người phụ nữ này cũng cho biết rằng, thời gian vừa qua xem tin tức thấy nhiều bệnh viện bị quá tải, việc nhập viện cho trẻ tương đối khó khăn nên cần chuẩn bị tốt nhất cho việc điều trị trẻ tại nhà.
Con chưa có triệu chứng gì nhưng mấy ngày nay, một số bạn học cùng lớp đã phải nghỉ vì ốm, chị Lan (tên nhân vật đã được thay đổi), sống tại Lĩnh Nam (Hà Nội) cũng đã mua cả một túi thuốc đầy để dự phòng cho "mùa ốm".
"Tôi mua đủ các loại thuốc để chữa các tình trạng mà trẻ hay gặp vào mùa này, đặc biệt là bệnh viêm đường hô hấp như: thuốc ho thảo dược dạng viên ngậm, paracetamol để hạ sốt giảm đau, oresol, thuốc long đờm, thuốc xịt chữa viêm mũi dị ứng, C sủi, thậm chí là cả men tiêu hóa", chị Lan chia sẻ.
Bắt đầu từ tháng 9, trẻ nhập viện do viêm đường hô hấp gia tăng mạnh, kéo theo đó là nhu cầu mua các loại thuốc của người dân.
Trao đổi với PV Dân trí, đại diện một trong những hệ thống nhà thuốc lớn nhất tại Hà Nội thông tin: "Từ 10/9 trở đi, thống kê số liệu tại tất cả các nhà thuốc của hệ thống ở Hà Nội cho thấy, nhu cầu mua các dược phẩm điều trị viêm đường hô hấp trên bắt đầu gia tăng mạnh".
Cụ thể, số khách hàng có nhu cầu tìm mua các sản phẩm liên quan viêm đường hô hấp trẻ em tăng khoảng 32% so với giai đoạn 15 ngày trước đó.
Trong đó, một số loại thuốc kháng sinh cho trẻ em, thuốc điều trị nhiễm khuẩn viêm đường hô hấp trên (như viêm họng, viêm phổi), sản phẩm liên quan đến xông xịt hen suyễn, giãn phế quản được người dân tìm mua nhiều nhất.
Hà Nội ghi nhận hơn 800 ca nhiễm Adenovirus trong một tuần
Theo số liệu của Bệnh viện Nhi Trung ương, từ đầu năm đến 5/10, Hà Nội đã ghi nhận 2.770 bệnh nhân dương tính với Adenovirus. Trong tuần vừa qua, Thủ đô đã ghi nhận thêm 830 trường hợp nhiễm Adenovirus.
Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã và đã có 3 trường hợp tử vong (Mỹ Đức: 1, Phú Xuyên: 1, Tây Hồ: 1). Một số quận huyện ghi nhận số ca mắc cao như: Hà Đông (226), Hoàng Mai (224), Nam Từ Liêm (223), Đống Đa (208), Long Biên (206).
Phòng bệnh cho trẻ: Đặc biệt chú ý đến chế độ dinh dưỡng và vận động
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, để phòng các bệnh về đường hô hấp nói chung ở trẻ cần lưu ý:
Trước hết, phải bảo vệ trẻ không bị lây nhiễm mầm bệnh. Trẻ vẫn duy trì các hoạt động, tiếp xúc xã hội nhưng cần nhớ các biện pháp như: đeo khẩu trang, rửa tay.
"Tôi phải nói thêm về yếu tố môi trường như khói bụi, bởi trong đó cũng có các tác nhân vi khuẩn gây bệnh đường hô hấp. Ngoài môi trường bên ngoài, các vị phụ huynh cũng cần phải để ý đến môi trường trong nhà, việc đảm bảo môi trường trong nhà không bị ô nhiễm cũng rất quan trọng", PGS Dũng phân tích.
Nguyên tắc thứ hai là chú trọng vào cơ thể của trẻ. Cơ thể trẻ con còn non nớt, sức miễn dịch kém nên phụ huynh cần tăng sức đề kháng cho trẻ. Việc hít phải virus, vi khuẩn là không thể nào tránh khỏi. Tuy nhiên nếu cơ thể trẻ khỏe mạnh thì sẽ có thể tiêu diệt được mầm bệnh. Ngược lại, nếu cơ thể yếu thì nguy cơ bệnh bùng lên sẽ cao hơn.
"Chúng ta cứ hay tìm thuốc nọ thuốc kia, trong khi lại bỏ quên những yếu tố quan trọng như dinh dưỡng cho con, thể dục thể thao nâng cao sức khỏe. Trẻ con suốt ngày ngồi điện thoại không vận động thì làm sao khỏe được.
Cần cho trẻ ra ngoài môi trường nhiều nhất để trẻ được vận động, chạy nhảy, tăng sức đề kháng, đừng giữ trẻ trong nhà. Thứ nữa là phải cho con tiếp xúc với thiên nhiên để tăng cường miễn dịch. Do đó, cần dành thời gian cho con ra bên ngoài, đi công viên", PGS Dũng thông tin.
Một biện pháp khác để phòng bệnh, theo chuyên gia này là tiêm chủng đầy đủ cho trẻ, ví dụ như tiêm chủng vaccine cúm hàng năm.