Hà Nội: Gia đình 5 chị em đều mắc đái tháo đường
(Dân trí) - Cả 5 chị em trong một gia đình ở Thanh Trì, Hà Nội đều mắc đái tháo đường. Đến nay cả 5 người đều sống khỏe mạnh nhờ quản lý tốt bệnh, tuổi thọ cao.
Ngày 29/12, thông tin từ Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết, mới đây bệnh viện tiếp nhận trường hợp bệnh nhân T.V.Đ. (84 tuổi, Tứ Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội) do sốt cao, tiến triển suy hô hấp.
"Rất may mắn, sau điều trị tích cực, bệnh nhân chỉ phải thở máy 3 ngày, sức khỏe tiến triển, đã thở được tự nhiên", bác sĩ điều trị thông tin.
Theo ThS.BS Tôn Thất Kha, Trưởng khoa điều trị tích cực, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, người bệnh chỉ sốt trong một ngày đã được gia đình đưa đến viện khám. Gia đình giải thích, vì cả nhà mắc bệnh đái tháo đường nên lường được nguy cơ diễn biến nặng khi ốm sốt, nên thấy bệnh nhân sốt là đưa ngay tới viện.
Khai thác tiền sử gia đình người bệnh có một chị gái và ba em trai đều mắc bệnh đái tháo đường. Vì vậy, cả nhà đều có nhiều kiến thức, hiểu biết, quan tâm đến tình trạng bệnh, ngoài điều trị theo đơn, thấy phát hiện bất thường là đi khám.
BS Kha cho biết, với bệnh đái tháo đường, nếu được kiểm soát tốt bệnh, kiểm soát đường huyết cùng với việc được tầm soát và phát hiện sớm các tổn thương cơ quan sẽ giảm được nguy cơ biến chứng sớm, sống khỏe mạnh.
Về trường hợp 5 người trong một nhà cùng mắc đái tháo đường, chuyên gia này cho biết, các nghiên cứu về di truyền bệnh đái tháo đường trong gia đình cho thấy trong gia đình, các con cái có khả năng bị di truyền bệnh tiểu đường từ cha mẹ là rất cao, có thể lên tới 75% nếu cả cha và mẹ cùng mắc bệnh này. Nếu trong gia đình chỉ có bố hoặc mẹ mắc bệnh thì xác suất con bị bệnh đái tháo đường là 15-20%.
Đái tháo đường là căn bệnh có diễn biến âm thầm, nhưng hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe, kinh tế và làm giảm chất lượng cuộc sống. Vì thế, khi thấy các biểu hiện như: Khát nước nhiều, đi tiểu nhiều lần, sụt cân không rõ lý do, đói và mệt mỏi, giảm thị lực, suy giảm miễn dịch... nên đi khám để được chẩn đoán, điều trị bệnh.
Đái tháo đường là bệnh mãn tính phải điều trị suốt đời, người bệnh cũng cần tuân thủ đơn thuốc của bác sĩ.
BS Kha cũng lưu ý, đái tháo đường có thể gặp ở bất cứ đối tượng nào, nhưng các đối tượng dưới đây có yếu tố nguy cơ cao hơn, cần đặc biệt lưu ý, đi khám khi có dấu hiệu nghi ngờ:
- Người trên 45 tuổi.
- Gia đình có người thân bị đái tháo đường (bố, mẹ, anh chị em ruột).
- Người ít vận động.
- Chế độ ăn uống giàu carbohydrate tinh chế hoặc đường hấp thu nhanh.
- Người có các bệnh đồng mắc như tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, thừa cân - béo phì.
- Người mắc bệnh lý buồng trứng đa nang.
- Đái tháo đường thai kỳ, tiền đái tháo đường.
- Người có bệnh lý tim mạch do xơ vữa động mạch, tăng huyết áp…
Tại Việt Nam, bệnh đái tháo đường gia tăng rất nhanh. Điều tra quốc gia trên quy mô toàn quốc ở lứa tuổi 30-69 tuổi, năm 2002 khoảng 2,3% mắc đái tháo đường. 10 năm sau tỷ lệ này tăng lên 5,4% và kết quả điều tra mới nhất năm 2021, tỷ lệ này là 7,1%.
Theo đó, ở Việt Nam có khoảng 5 triệu người mắc đái tháo đường. Đáng nói, căn bệnh này không chỉ gặp ở người già như trước đó mà ngày càng trẻ hóa, liên quan nhiều đến lối sống ít vận động, ăn nhiều đồ ăn nhanh dẫn đến béo phì.
Đái tháo đường là căn bệnh tác động đến nhiều cơ quan của cơ thể, gây nhiều biến chứng về mắt, thận, cắt cụt chi, nhồi máu cơ tim, đột quỵ… Có nhiều bệnh nhân trẻ 35-40 tuổi sau 5 năm mắc đái tháo đường đã mờ mắt, suy thận...
Vì vậy, việc điều trị, quản lý chặt đường huyết là rất quan trọng. Nền tảng điều trị bệnh đái tháo đường là tây y (thuốc insulin, thuốc hạ đường huyết), kết hợp dinh dưỡng, vận động.