Hà Nội: Gần 100 ca Covid-19/ngày, phát hiện biến chủng lây lan nhanh
(Dân trí) - Các quận, huyện, thị xã đã ghi nhận một số ổ dịch Covid-19, thủy đậu, tay chân miệng tại trường học.
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, từ đầu năm 2023 đến ngày 1/4, trung bình số ca nhiễm mới của thành phố từ 2-5 ca/ngày. Tuy nhiên, từ ngày 1/4 đến nay, số người nhiễm Covid-19 tăng dần. Cụ thể, trong 7 ngày qua, số ca mắc trung bình là 79 ca/ngày. Từ ngày 12/4 đến 16/4, trung bình ghi nhận 96 ca/ngày. Ngày 16/4, ghi nhận nhiều bệnh nhân nhất, với 99 ca mắc.
Tính đến ngày 16/4, toàn thành phố còn 566 trường hợp đang điều trị, trong đó, có 299 trường hợp bệnh nhân không triệu chứng và triệu chứng nhẹ được điều trị tại nhà (chiếm 53%); 237 trường hợp bệnh nhân có triệu chứng trung bình (chiếm 42%); 27 trường hợp bệnh nhân mức độ nặng phải thở oxy hỗ trợ qua kính/mast (chiếm 5%); 2 bệnh nhân mức độ nặng phải thở máy điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn và một trường hợp đã chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Cơ quan chức năng tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn cũng thông tin số ca mắc Covid-19 và một số bệnh truyền nhiễm khác như: thủy đậu, sốt xuất huyết, tay chân miệng… có xu hướng tăng. Đặc biệt, đã ghi nhận một số ổ dịch Covid-19, thủy đậu, tay chân miệng tại trường học.
Nguyên nhân của sự gia tăng này do thời tiết giao mùa và nhu cầu đi lại của người dân gia tăng. Qua đó, các địa phương đề xuất thành phố cấp thêm vaccine phòng Covid-19 để tiếp tục tiêm các mũi bổ sung cho người dân.
Kết quả giải trình tự gen virus tại quận Nam Từ Liêm, 2 mẫu cho kết quả chủng XBB.1.9.1, đây là chủng có ở nhiều nước như: Anh, Đức, Mỹ, Pháp, Singapore, Phillipines, với đặc điểm lan truyền nhanh và diễn biến lâm sàng nhẹ.
Tại giao ban trực tuyến về công tác phòng, chống dịch bệnh trên người với các quận, huyện, thị xã, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà nhấn mạnh, thành phố luôn chủ động kiểm soát tình hình dịch bệnh và chủ động các phương án ứng phó khi dịch xảy ra. Nhìn nhận một cách khách quan, Thành phố đang kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, không có đột biến, tuy nhiên, không nên chủ quan.
Theo bà Hà, hàng năm, dịch bệnh mùa hè vẫn diễn biến phức tạp và có nguy cơ tiềm ẩn. Năm nay, do thời tiết nồm ẩm kéo dài, tác động đến sự gia tăng ca bệnh. Dù các ca bệnh chung và Covid-19 có sự gia tăng nhưng không có bệnh nhân nặng và tử vong nên không đáng lo ngại.
Bà Hà cũng lưu ý, đối với Covid-19, theo khuyến cáo của ngành y tế và qua kiểm tra thực tế, người cao tuổi, người có bệnh lý nền, suy giảm miễn dịch và phụ nữ mang thai cần phải đặc biệt quan tâm. Với nhóm đối tượng này, nếu nhiễm Covid-19 bệnh có khả năng diễn biến nặng cao hơn.
Không chỉ Covid-19, các bệnh truyền nhiễm khác như: tay chân miệng, sốt xuất huyết, cúm… cũng có nguy cơ gia tăng, nhất là trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 sắp tới với thời gian nghỉ dài, diễn ra nhiều hoạt động tập trung đông người.
Sở Y tế Hà Nội khẳng định, thời gian qua, thành phố Hà Nội vẫn sẵn có vaccine phòng Covid-19 để tiếp tục duy trì các điểm tiêm chủng, phục vụ nhu cầu của người dân. Dự kiến, Hà Nội sẽ được tiếp nhận thêm khoảng trên 10.000 liều vaccine AstraZeneca.
Người dân sinh sống, làm việc tại thành phố Hà Nội cần tiêm vaccine phòng Covid-19 có thể liên hệ tới các điểm tiêm như sau để được hướng dẫn cụ thể về địa điểm, thời gian tiêm:
- Tại Sơn Tây - SĐT: 0243.3823.835
- Tại Tây Hồ - SĐT: 0243.758.3334/0869.538.580
- Tại Thạch Thất - SĐT: 0243.3675.993
- Tại Cầu Giấy - SĐT: 0243.768.0014/0243.993.6118
- Tại Ba Đình - SĐT: 0243.7340.301
- Tại Thanh Xuân - SĐT: 0243.558.1582/0248.582.3468
- Tại Hoàn Kiếm - SĐT: 0243.8284.827
- Tại Hai Bà Trưng - SĐT: 0243.972.7867
- Tại Mỹ Đức - SĐT: 0243.3740.641
- Tại Thanh Oai - SĐT: 086.242.9697