1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Hà Nội căng thẳng với gần 1.000 ổ dịch sốt xuất huyết

(Dân trí) - Theo nhận định của của PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện paster TP Hồ Chí Minh, sốt xuất huyết (SXH) ngay từ đầu năm đã gia tăng và tình trạng này sẽ kéo dài đến năm 2018 bởi sự bất thường của thời tiết, chủng lưu hành và chu kỳ dịch.

Sốt xuất huyết còn gia tăng đến 2018

Tại cuộc họp khẩn chiều 24/7 của Bộ Y tế, PGS Lân cho biết, dự báo dịch chu kỳ, năm nay có xu hướng dịch tăng cao vì mưa đến sớm, SXH D2 chiếm trội với biểu hiện bệnh nặng nhiều hơn (có 4 type virút gây SXH, Dengue 1 đến Dengue 4 viết tắt là D1, D2, D3, D4).


Bệnh nhân SXH nhập viện điều trị tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương là những bệnh nhân sốt ngày thứ 3, có dấu hiệu cảnh báo mới được nhập viện. Ảnh: H.Hải

Bệnh nhân SXH nhập viện điều trị tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương là những bệnh nhân sốt ngày thứ 3, có dấu hiệu cảnh báo mới được nhập viện. Ảnh: H.Hải

Theo PGS Lân, chu kỳ qua theo dõi nhiều năm qua không có sự ổn định, vì sự đô thị hoá, thời tiết. Tuy nhiên kết quả theo dõi cho thấy cứ 10 năm 1 lần có đỉnh cao của dịch SXH. Đó là các năm 1998, năm 2008 và dự báo trong 2 năm 2017 – 2018 sẽ có đỉnh cao.

Cùng quan điểm này, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế dự báo trong những tháng cuối năm 2017, đầu năm 2018 dự báo dịch SXH vẫn diễn biến phức tạp do hiện đang bước vào mùa dịch, cùng đó mùa nóng kéo dài nhuận 2 tháng 6 âm lịch cũng là nguyên nhân khiến dịch SXH gia tăng.

Từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 58.246 trường hợp mắc, 17 trường hợp tử vong. Số mắc tăng 9,7% so với cùng kỳ của năm 2016. Riêng tại Hà Nội, tính đến thời điểm này có tới 6.699 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết , tính theo số mắc tuyệt đối, Hà Nội đứng thứ 3 cả nước, sau TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. Trong đó, lứa tuổi mắc SXH chủ yếu từ 15- 35 tuổi.

Dù số ca SXH của miền Bắc tăng nhanh, nhưng tỉ lệ mắc là 11.03/100.000 dân, Hà Nội là 52/100.000 dân trong khi miền Nam tỉ lệ mắc là 72,87/100.000 dân.

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho rằng dịch SXH tăng cao là do thời tiết thay đổi, mùa hè đến sớm ở miền Bắc và mùa mưa đến sớm ở miền Nam. Trong khi đó nhiệt độ trung bình tại hầu hết các khu vực cao hơn những năm trước, dẫn đến mầm bệnh phát triển mạnh.

Hà Nội: Gần 1.000 ổ dịch SXH

Ông Hoàng Đức Hạnh Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong tuần qua (từ ngày 17-7 đến 23-7), Hà Nội ghi nhận gần 1.400 trường hợp mắc SXH. Đã có thêm hai trường hợp tử vong trong tuần qua. 95% bệnh nhân SXH của Hà Nội là ở các huyện nội thành như Đống Đa (1.407 người), Hoàng Mai (1.344 người), Hai Bà Trưng (508 người), Thanh Trì (427 người), Thanh Xuân (420 người), Hà Đông (406 người).

Hà Nội có số ca mắc SXH tăng nhanh nhưng tỉ lệ mắc vẫn thấp hơn TP Hồ Chí Minh. Thói quen trữ nước của người dân, vấn đề đô thị hoá, thay đổi thời tiết khiến dịch SXH đang diễn biến phức tạp.
Hà Nội có số ca mắc SXH tăng nhanh nhưng tỉ lệ mắc vẫn thấp hơn TP Hồ Chí Minh. Thói quen trữ nước của người dân, vấn đề đô thị hoá, thay đổi thời tiết khiến dịch SXH đang diễn biến phức tạp.

Từ đầu năm đến nay, ngành y tế Hà Nội đã ghi nhận 984 ổ dịch thì đến thời điểm hiện tại đã có 789 ổ dịch được khống chế.

Lý giải nguyên nhân dịch bệnh diễn biến phức tạp, Sở Y tế Hà Nội cho rằng, sốt xuất huyết là bệnh đang có xu hướng gia tăng trên toàn cầu. Hà Nội là thành phố có dân số đông, tốc độ đô thị hóa cao, nhiều dân ngoại tỉnh đến làm ăn và sinh sống trên địa bàn.

Trong số bệnh nhân SXH thì có đến 40% bệnh nhân là học sinh sinh viên và lao động ngoại tỉnh; Điều kiện vệ sinh môi trường hạn chế, mật độ dân cư cao, một số khu vực thiếu nước sạch, người dân phải tích trữ nước để sinh hoạt. Nhiều khu vực bãi đất trống, tiếp giáp, xen kẹt, khu nhà chưa có người ở, công trường xây dựng chứa nước... tạo điều kiện cho muỗi vằn truyền bệnh sinh sản.

Qua điều tra, số dụng cụ chứa nước là nơi muỗi vằn đẻ trứng tăng lên hàng năm, hiện nay có tới 14 loại chủ yếu là ở các bể xi măng chứa nước không có nắp chiếm trên 40%, tiếp đó là các xô, thùng chậu, chậu cảnh và phế liệu, phế thải, chậu hoa cảnh…

Dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội năm nay đến sớm và diễn biến phức tạp, theo nhận định trong thời gian tới số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn Thành phố có thể tiếp tục gia tăng, do thời tiết mùa hè nóng ẩm, mưa nhiều, muỗi phát triển mạnh. Các biện pháp phòng bệnh hiện nay chủ yếu là giám sát phát hiện người bệnh, tuyên truyền, tổ chức diệt muỗi và diệt bọ gậy.

Phân loại bệnh nhân, không đổ xô lên tuyến Trung ương

Tại Hội nghị trực tuyến, Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo cần có sự phân loại bệnh nhân ngay từ phòng khám, chỉ bệnh nhân SXH đủ tiêu chuẩn nặng mới được nhập viện tuyến Trung ương điều trị, còn phải chuyển ngược về BV thành phố, BV huyện vì với bệnh nhân nhẹ chỉ hạ sốt, theo dõi điều trị theo phác đồ.

Theo Bộ trưởng, việc đổ xô lên tuyến trung ương gây nên quá tải không cần thiết. Bệnh nhân đông không đủ bác sĩ, điều dưỡng sẽ dễ tai biến, tăng nguy cơ tử vong cho bệnh nhân nặng”.

PGS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, từ đầu mùa tới nay, trong 5.000 bệnh nhân đến viện khám vì SXH, số nhập viện 873 trường hợp. Nhập viện chưa đến 10% tổng số khám, bệnh viện đã lọc hết mức. Có nhiều bệnh nhân bức xúc đòi vào viện, bác sĩ không cho vào, đe dọa “tính sổ” với bệnh viện nếu có vấn đề

Theo đó, tiêu chuẩn để bệnh nhân được nhập vào BV Bệnh nhiệt đới Trung ương là sốt ngày thứ 3, có dấu hiệu xuất huyết. Trong tổng số nhập viện thì 10% có sốc, 20% có dấu hiệu cảnh báo. Phải điều trị rất tích cực mới giảm tử vong, với thời gian điều trị trung bình là 3,5 ngày, bệnh nhân hết sốc, ổn định là chuyển tuyến dưới.

Hồng Hải