Hà Nội: Căn bệnh phá vỡ quy luật, bùng phát, tấn công hơn 40.000 người
(Dân trí) - 2023 là năm ghi nhận dịch bệnh này bùng phát mạnh nhất trong nhiều năm qua. Dịch có dấu hiệu phá vỡ quy luật trước đây (4-5 năm bùng phát mạnh một lần).
Hơn 40.000 người mắc sốt xuất huyết năm 2023
Trong năm 2023, Hà Nội ghi nhận 40.6532 ca sốt xuất huyết, hơn gấp đôi năm 2022 (19.668 ca). Thông tin được Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội đưa ra tại Hội nghị tổng kết hoạt động công tác y tế dự phòng vừa qua.
2023 cũng là năm ghi nhận dịch sốt xuất huyết bùng phát mạnh nhất trong nhiều năm qua. Dịch có dấu hiệu phá vỡ quy luật trước đây (4-5 năm bùng phát mạnh một lần).
Ghi nhận thực tế tại các bệnh viện, nhiều trường hợp mắc sốt xuất huyết diễn biến nặng, có tình trạng thoát huyết tương, cô đặc máu. Không ít trường hợp nguy kịch do chủ quan vì tưởng rằng sau khi hết sốt là hết bệnh.
Về sốt xuất huyết trong năm 2023, CDC Hà Nội nhận định, dịch diễn biến phức tạp nhưng đã được khống chế kịp thời.
Theo ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc CDC Hà Nội, dịch bệnh Covid-19 gia tăng nhanh trong tháng 4-5/2023 sau đó đã được kiểm soát kịp thời; bệnh tay chân miệng có xu hướng gia tăng nhưng không ghi nhận ổ dịch lớn, ổ dịch phức tạp.
Bệnh liên cầu lợn ở người và uốn ván người lớn ghi nhận rải rác và có số mắc gia tăng so với năm 2022.
"Thành phố chưa ghi nhận các trường hợp mắc Cúm A/H5N1, đậu mùa khỉ; tiếp tục duy trì thành quả thanh toán bại liệt và loại trừ uốn ván sơ sinh", ông Tuấn cho hay.
Hà Nội cũng chủ động giám sát sức khỏe hành khách nhập cảnh tại Sân bay quốc tế Nội Bài bằng máy đo thân nhiệt, để phát hiện sớm và tổ chức cách ly các trường hợp có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm.
CDC Hà Nội cũng tổ chức thực hiện hoạt động giám sát tác nhân gây bệnh.
Cụ thể trong năm 2023, đã thực hiện lấy mẫu gửi xét nghiệm với 66 mẫu sốt phát ban nghi sởi Rubella (không ghi nhận trường hợp dương tính sởi, 11 trường hợp dương tính Rubella); 28 mẫu liệt mềm cấp nghi bại liệt (không ghi nhận ca bệnh xác định); 40 mẫu định type virus Dengue; 71 mẫu giải trình tự gen virus SARS-CoV-2; 23 mẫu giám sát tay chân miệng.
Theo kết quả giám sát, giải trình tự gen gần đây tại Hà Nội vẫn chưa ghi nhận biến thể JN.1.
Thành phố tổ chức giám sát thường xuyên, đột xuất các chỉ số côn trùng truyền bệnh sốt xuất huyết tại các khu vực nguy cơ, khu vực ổ dịch tại các quận, huyện, thị xã.
Về hoạt động tiêm chủng mở rộng, ngay trong quý I/2023, Hà Nội đã triển khai tiêm bù các loại vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng cho các đối tượng tiêm chủng năm 2022 chưa được tiêm đủ mũi.
Kết quả tiêm bù các loại vaccine đến hết tháng 11/2023: 345 mũi vaccine DTP-VGB-HIB, 238 liều OPV, 14.277 liều IPV, 1.421 liều Sởi, 1.451 liều Sởi - Rubella, 3.612 liều DPT và 3.636 liều Viêm não Nhật Bản.
Chủ động ứng phó dịch mới nổi, tái nổi, lưu hành
"Trong thời gian tới, Hà Nội tiếp tục chủ động công tác dự báo tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố để có biện pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả trước mọi diễn biến bất thường của dịch, kể cả dịch bệnh mới nổi, tái nổi, dịch lưu hành.
Tiếp tục hoàn thiện và nâng cao năng lực hệ thống giám sát, cảnh báo sớm tình hình dịch bệnh. Thường xuyên cập nhật thông tin dịch bệnh trong nước, khu vực và trên thế giới, để kịp thời đưa ra nhận định, dự báo, tham mưu đề xuất biện pháp chống dịch chủ động, kịp thời", ông Tuấn nhận định.
Trong dịp Tết sắp tới, nhu cầu giao thương, du lịch ngày càng tăng. Đồng thời, đây cũng là thời điểm thời tiết có nhiều khắc nghiệt, biến đổi thất thường. Đây là các tác nhân làm gia tăng bệnh đường hô hấp đặc biệt ở người già, người có bệnh mãn tính, trẻ em…
Theo ông Bùi Văn Hào, Giám đốc CDC Hà Nội, Covid-19 và cúm mùa là hai dịch bệnh lây truyền qua đường hô hấp cần được kiểm soát chặt để hạn chế nguy cơ lây lan.
Giám đốc CDC Hà Nội khuyến cáo người dân cần thực hiện 2K (Khẩu trang - Khử khuẩn) để phòng chống, dịch bệnh truyền nhiễm, đặc biệt trong thời điểm Tết.
Để bảo đảm phòng chống dịch dịp Tết và mùa Lễ hội 2024, Sở Y tế Hà Nội tiếp tục theo dõi, giám sát, phát hiện sớm, đáp ứng ngay, xử lý triệt để ổ dịch, không để lan rộng và kéo dài tại cộng đồng.