1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Hà Nội: 12 trường hợp phản ứng nặng sau tiêm chủng, 3 ca do vắc xin dịch vụ

(Dân trí) - Trong năm 2018 Hà Nội ghi nhận 12 trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng, trong đó 8 trường hợp tai biến nặng sau tiêm vắc xin Quinvaxem và uống bOPV, 01 trường hợp tai biến nặng sau tiêm vắc xin DPT  tại Long Biên và 3 trường hợp tai biến nặng sau tiêm các vắc xin dịch vụ (Varivax, Jevax, Infanrix Hexa, Gardasil)

Nghi phản vệ: Ngay lập tức tiêm adrenaline

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết, các trường hợp đều được họp hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá tai biến trong quá trình sử dụng vắc xin. Kết luận của hội đồng: Phản ứng phản vệ sau tiêm vắc xin.

Trung tâm cho biết thêm, hiện Hà Nội có cả vắc xin tiêm dịch vụ và miễn phí, phòng 20/28 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và phổ biến, riêng trong TCMR đã triển khai 10 loại vắc xin phòng các bệnh: viêm gan B, lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm màng não mủ, viêm đường hô hấp do Heamophilus Influenza typ B, sởi, viêm não Nhật Bản, Rubella.

Hà Nội: 12 trường hợp phản ứng nặng sau tiêm chủng, 3 ca do vắc xin dịch vụ - Ảnh 1.

Tiêm chủng vắc xin cho trẻ. Ảnh: H.Hải

Hiện nay Hà Nội duy trì hàng tuần các buổi tiêm chủng thường xuyên tại 584 xã phường với tổng số 1.222.256 mũi tiêm. Tổ chức tiêm chủng chủ động phòng dịch sởi tại Hà Nội bằng chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin phòng bệnh sởi - rubella với 558.009 mũi tiêm, đạt 91,72%, không ghi nhận sự cố hoặc tai biến trong chiến dịch (Phụ lục 3).

Từ ngày 02/01/2019, Hà Nội bắt đầu triển khai tiêm vắc xin ComBE Five trong chương trình tiêm chủng mở rộng: đến ngày 04/12/2019 đã có 268/584 xã, phường, thị trấn thuộc 14/30 quận huyện, thị xã của Hà Nội thực hiện tiêm vắc xin ComBe Five trong buổi tiêm chủng thường xuyên. Với tổng số trẻ đã được tiêm là 5.312 trẻ, với 180 ca phản ứng thông thường sau tiêm, 2 trường hợp sốc phản vệ nhưng đều đã ổn định và ra viện.

Trước lo ngại của nhiều người về các phản ứng sau tiêm vắc xin ComBe Five, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng phần lớn sau tiêm chủng là phản ứng sốt, đau tại chỗ. "Tất cả các loại vắc xin, kể cả thuốc điều trị đã tiêm vào người chắc chắn có tỉl ệ phản ứng từ nhẹ đến nặng. Nhưng trên thế giới hay tại Việt Nam, chúng ta vẫn phải tiêm vì xác suất, tỉ lệ cứu sống người cao hơn rất nhiều tỉ lệ tai biến", Bộ trưởng nói.

Để kịp thời xử lý các phản ứng sau tiêm chủng, Bộ Y tế đã tập huấn kỹ cho cán bộ tiêm chủng, các bệnh viện luôn sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân, cha mẹ cộng tác theo dõi con chặt chẽ 30 phút đầu sau tiêm tại điểm tiêm chủng, theo dõi 24 giờ sau tiêm để kịp thời phát hiện các phản ứng quá mẫn để kịp thời xử lý, cấp cứu.

"Chúng ta theo dõi chặt, không hoang mang, không quá căng thẳng nhưng cũng không chủ quan. Tỉ lệ tử vong của trẻ dưới 1 tuổi ở Việt Nam trung bình một ngày có 20 – 30 trẻ tử vong do tất cả mọi nguyên nhân từ sặc sữa, viêm phổi, tử vong không rõ nguyên nhân khi ngủ... có thể trùng hợp ngẫu nhiên ở thời gian tiêm chủng. Chúng ta theo dõi chặt, phát hiện nguy cơ, đưa đi bệnh viện kịp thời sẽ đảm bảo an toàn cho trẻ", Bộ trưởng nói.

Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho biết, trước một trường hợp nghi ngờ phản ứng sốc sau tiêm chủng, mọi nhân viên y tế khi tiếp cận được bệnh nhân cần tiêm ngay adrenaline không cần đợi chỉ định của bác sĩ.

Tiêm càng sớm, cơ hội cứu bệnh nhân càng cao

PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc BV Nhi Trung ương cho biết, trước đây, khi tiếp nhận một bệnh nhân sốc phản vệ vì bất cứ nguyên nhân gì (thức ăn, vắc xin, thuốc)... thì việc tiêm adrenaline gần như bước cuối cùng trong quy trình cấp cứu.

"Ngày nay quan điểm cấp cứu đã thay đổi. Trước một bệnh nhân nghi ngờ sốc phản vệ, không ngần ngại khi sử dụng adrenaline. Việc sử dụng càng sớm khi có phản vệ càng có cơ hội cứu bệnh nhân, giảm nguy cơ tàn tật, tử vong", PGS Điển nói.

Với bệnh nhi có biểu hiện mạch nhanh, sốt cao, giảm tri giác đó là những tiêu chuẩn liên quan đến phản ứng phản vệ. Bệnh nhi mạch nhanh có thể kết hợp cùng vân tím, chi lạnh... và tiếp cận thuốc chống sốc sớm, tiếp theo đó là các thuốc dị ứng, chống viêm... sẽ mang lại cơ hội cứu sống người bệnh nhiều hơn.

Bộ Y tế khuyến cáo, bất cứ vắc xin nào đều gây phản ứng, thường gặp nhất là sốt, đau tại chỗ, nặng hơn là quấy khóc, bỏ ăn, nặng hơn nữa là những cơn khóc thét, rối loạn tri giác, có thể khó thở, có thể tím tái. Khi trẻ có bất cứ dấu hiệu nào cha mẹ cảm thấy không yên tâm sau tiêm chủng, sốt trên 38,5 độ không đáp ứng thuốc hạ sốt... hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được theo dõi điều trị, phát hiện sớm nguy cơ.

Tại Hội nghị trực tuyến tăng cường xử lý phản ứng sau tiêm chủng ngày 16/1 với sự tham gia của 700 đầu cầu là toàn bộ y tế cơ sở, các nhân viên y tế có liên quan đến hoạt đột tiêm chủng, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết ngành y đã mời các chuyên gia hàng đầu tập trung lại để ra phác đồ chống sốc ban hành thông tư 51 trước đó. Tuy nhiên hiện nay một số tình huống thực tiễn phát sinh, sắp tới sẽ tiến hành bổ sung trong phác đồ.

Tú Anh