Bình Định:

Dừng tiêm vắc xin ComBE Five, sau vụ bé 2 tháng tử vong

(Dân trí) - Lãnh đạo Sở Y tế Bình Định cho rằng vụ tử vong của bé hơn 2 tháng tuổi có thể do bị ngộ độc sau khi tiêm vắc xin ComBE Five. Hiện, cơ quan này đã chỉ đạo dừng tiêm loại vắc xin này trên địa bàn toàn tỉnh, đồng thời truy tìm nguyên nhân vụ việc.

Ngày 27/2, ông Lê Quang Hùng, Giám đốc Sở Y tế Bình Định, cho biết, ngay sau khi xảy ra vụ cháu bé hơn 2 tháng tuổi bị tử vong nghi có liên quan với tiêm vắc xin 5 trong 1 ComBE Five, Sở Y tế Bình Định đã chỉ đạo dừng tiêm chủng loại vắc xin này từ trưa hôm qua (26/2).

0.jpg
Dừng tiêm vắc xin ComBE Five trên toàn tỉnh Bình Định, sau vụ bé 2 tháng tuổi tử vong sau khi tiêm chủng vài giờ.

Theo ông Hùng, trường hợp này tử vong có liên quan đến tiêm chủng, nguyên nhân ban đầu được nhận định có thể do ngộ độc vắc xin. Tuy nhiên, để xác định chính xác có phải do vắc xin gây nên hay không thì phải chờ họp hội đồng chuyên môn và kết quả giám định pháp y mới biết được.

“Tiêm vắc xin bao giờ cũng có 1 tỷ lệ phản ứng với thuốc, tùy theo mức độ nào thôi. Bởi, khi đưa vắc xin vào người tức là đưa một kháng nguyên hay một liều lượng rất là nhỏ chất độc vào người để cơ thể đáp ứng lại với kháng nguyên đó để sản xuất ra kháng thể chống lại. Sau này, trong quá trình sống cơ thể của mình tiếp tục sống với con vi khuẩn đó thì cơ thể có kháng thể chống lại nó. Vì vậy, khi tiêm vào gần như ai cũng có phản ứng như khó chịu, sốt nhẹ hay các biểu hiện phản ứng thông thường. Nhưng cơ bản là nó nặng hay không và trong số đó có 1 tỷ lệ nhất định có phản ứng rất nặng”, ông Hùng lý giải.

Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Định cũng khẳng định, các bước quy trình tiêm ComBE Five được thực hiện đúng theo quy định, chưa phát hiện sai phạm.

Trước đó, ngày 26/2 chị Nguyễn Thị Y Phụng (29 tuổi, ở thôn Thành Sơn Tây, xã Hoài Châu, huyện Hoài Nhơn) đưa con là cháu P.N.B.T đến Trạm y tế xã Hoài Châu để tiêm ngừa vắc xin ComBE Five. Tuy nhiên, sau tiêm bé có triệu chứng khó thở, tím tái, mặc dù được gia đình đưa đi bệnh viện cấp cứu nhưng cháu bé không qua khỏi.

Trần Hữu Vinh, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hoài Nhơn cho biết, sau khi khám sàng lọc, cháu T. đủ điều kiện để tiêm chủng ComBE Five. Theo quy định, khi tiêm xong, trẻ được theo dõi tại trạm y tế 30 phút rồi được đưa về nhà theo dõi tiếp. Tuy nhiên, trường hợp cháu T. đến 2 tiếng sau mới có biểu hiện bất thường.

“Cháu T. có tình trạng bị sốc, nhưng đó mới là nhận định ban đầu. Hiện, ngành chuyên môn vẫn đang tiếp tục làm rõ nguyên nhân dẫn đến vụ việc cháu tử vong”, ông Vinh nói.

Ông Vinh cũng cho biết thêm, đây là đợt tiêm ComBE Five thứ 3 tại huyện Hoài Nhơn. Những lần trước đây, đa số các trẻ đều bình thường, chỉ vài trường hợp bị sốt cao hoặc co giật nhưng được xử lý theo dõi nên sức khỏe ổn định.

“Loại vắc xin này đã được ngành y tế cả nước khuyến cáo. Ngành y tế của tỉnh cũng tổ chức thực hiện nghiêm túc từng mũi kim, tuân thủ theo các yêu cầu, đảm bảo quy trình của Bộ Y tế”, ông Vinh nói.

Được biết, vào cuối năm 2018, trong đợt tiêm chủng vắc xin ComBE Five cho trẻ toàn tỉnh Bình Định vào các ngày 25, 26 và 27/12, có hàng chục trẻ phải nhập viện do phản ứng sau tiêm chủng. Hầu hết, các trường hợp vào viện với tình trạng sốt cao, có nhiều trường hợp nặng với biểu hiện tím tái, khó thở. May mắn, các trường hợp này đã được ứng cứu kịp thời, sức khỏe ổn định, không ảnh hưởng đến tính mạng.

Doãn Công