1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Hạ nhiệt các ca mắc Covid-19: Còn quá sớm để đưa ra đánh giá

(Dân trí) - PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết, 5 ngày qua, ca mắc Covid-19 tại Việt Nam có xu hướng giảm, nhưng người dân đừng chủ quan.

"Số ca mắc mới có xu hướng giảm đi trong 5 ngày qua, đặc biệt ngày 5/4 chỉ ghi nhận một ca mắc mới, ngày 6/4 đến thời điểm này chưa công bố ca bệnh. Xu hướng mắc là giảm đi, nhưng để đánh giá dịch thì còn quá sớm. Do bệnh do virus SARS-CoV-2 gây ra có thời gian ủ bệnh đến 14 ngày, nên cần có thời gian để đánh giá", PGS Phu chia sẻ  bên lề cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 diễn ra sáng 6/4.

Tuy nhiên, số ca mắc giảm cho thấy một tín hiệu mừng, cho thấy những hành động quyết liệt của Chính Phủ trong thời gian qua đã góp phần kiểm soát dịch Covid-19.

Hạ nhiệt các ca mắc Covid-19: Còn quá sớm để đưa ra đánh giá - 1

Người dân ngồi xếp hàng đợi xét nghiệm nhanh Covid-19 tại điểm xét nghiệm trường THCS Đống Đa, Hà Nội. 

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng khẳng định: "Khi dịch bệnh đã lan ra toàn thế giới thì nước ta có 241 người nhiễm bệnh, đứng thứ 96 trên thế giới về số ca nhiễm và là 1 trong 3 nước có trên 200 ca nhiễm bệnh mà chưa có người tử vong. Có thể khẳng định tới giờ phút này, Việt Nam đã và đang kiểm soát được dịch bệnh".

Theo các chuyên gia, Việt Nam đã làm sớm và quyết liệt ngay từ giai đoạn đầu, luôn "đi trước một bước" so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới. 

Theo đó, ngành y tế đã triển khai biện pháp mạnh mẽ là tập trung giám sát các ca bệnh nhập cảnh, ban đầu là Trung Quốc, Hàn Quốc, sau đó Châu Âu, Mỹ. Thực tế ca mắc cho thấy các ca bệnh chủ yếu là xâm nhập, với 150/241 trường hợp là người từ nước ngoài vào Việt Nam và nhờ có giám sát nhập cảnh, về sau các ca xâm nhập này càng được kiểm soát hiệu quả, ngay từ khi nhập cảnh đã cách ly.

Khi số người nhập cảnh đã giảm thì số ca mắc được ghi nhận trong nhóm này cũng giảm hẳn.

Theo PGS Phu, việc giám sát y tế các trường hợp nhập cảnh rất quan trọng. Như với Singapore lúc đầu kiểm soát tốt người nhập cảnh từ Trung Quốc, Hàn Quốc, dịch được kiểm soát. Nhưng đến giai đoạn sau, không kiểm soát tốt người nhập cảnh từ các quốc gia khác, dịch lan nhanh, giờ bùng phát mạnh.

Vì thế, chuyên gia này cho rằng, dù số ca mắc tại Việt Nam có xu hướng giảm nhưng chúng ta không được chủ quan mà cần phải quyết liệt hơn nữa, chỉ cần không kiểm soát tốt ca trong cộng đồng, dịch sẽ lại bùng phát.

PGS Phu cũng ủng hộ việc đẩy mạnh xét nghiệm trong cộng đồng, từ đó mới có cơ sở để đánh giá được tình hình dịch.

Vì các ca mắc Covid-19 từ người nhập cảnh đã được khống chế, cách ly ngay, nhưng trong cộng đồng, không xử lý tốt dịch sẽ bùng phát. Đó là lý do mỗi ca bệnh, việc điều tra dịch tễ rất quan trọng để kịp thời xác định F1, F2, tiến hành theo dõi, cách ly, ngăn chặn nguy cơ dịch bùng phát.

Theo GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế, hiện Việt Nam vẫn đang tiến hành theo phương châm ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng và dập dịch.

Vì thế, số ca mắc đang có xu hướng giảm, nhưng trong giai đoạn này người dân không được chủ quan, đặc biệt tuân thủ giãn cách xã hội. Giãn cách xã hội thực chất là không cho người bệnh tiếp xúc người lành và ngược lại. Người này không lây người kia, gia đình này không lấy gia đình khác, xã này không lây xã,… như vậy mới tiến tới khống chế được dịch.

PGS.TS Trần Đắc Phu cũng nhận định: “Trong 15 ngày tới, nếu dịch có chiều hướng giảm, chúng ta có thể nới lỏng giãn cách xã hội, nhưng sẽ có các biện pháp khác phù hợp với tình hình dịch bệnh. Bởi dịch vẫn còn kéo dài”.

Hồng Hải