1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Giữ gìn bệnh viện xanh sạch: Khó đến mức nào?

(Dân trí) - Với đặc thù là nơi “thu nạp” đủ loại bệnh tật nên làm sao để bệnh viện xanh - sạch là một bài toán không dễ giải đối với lãnh đạo nhiều bệnh viện.

Sạch - Cần đi vào ý thức

Sạch là yếu tố tiên quyết để tránh lây nhiễm chéo trong bệnh viện. Vậy nhưng do một thời gian dài khó khăn, kỹ thuật lạc hậu và thiếu kiến thức nên nhiều bệnh viện đã nằm trong danh sách cơ sở gây ô nhiễm nặng.

Trong quá trình giải quyết bài toán này, việc xây dựng ý thức cho toàn thể cán bộ nhân viên y tế cũng như bệnh nhân và người nhà là giải pháp khả thi mà không cần quá đau đầu về về tài chính như những giải pháp về công nghệ, máy móc.

Ông Nguyễn Doãn Tú - Giám đốc Dự án Hỗ trợ Xử lý Chất thải Bệnh viện do Bộ Y tế triển khai với vốn vay của Ngân hàng Thế giới (World Bank) - cho biết: Song song với việc hỗ trợ kinh phí, kỹ thuật cho hơn 200 bệnh viện, Dự án còn đào tạo cho hàng ngàn cán bộ khắp 63 tỉnh thành, cho các bệnh viện trong và ngoài Dự án, và cho cán bộ ở cả ngành Tài nguyên môi trường, Công an. Việc đào tạo rất khắt khe, nhiều cán bộ phải đào tạo đi đào tạo, tự kiểm tra dựa trên bảng kiểm nếu không qua được vòng 1 của Dự án.


Phân loại rác được quát triệt ở mọi khu vực trong Viện Bỏng Lê Hữu Trác

Phân loại rác được quát triệt ở mọi khu vực trong Viện Bỏng Lê Hữu Trác

Trên thực tế, tại Viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác - một trong những đơn vị thụ hưởng của Dự án, ngay sau khi kiểm tra lần đầu không đạt, Ban lãnh đạo Viện đã rút ngay kinh nghiệm, đưa vấn đề xử lý rác thải y tế thành Nghị quyết.

Cụ thể, lãnh đạo Viện quán triệt cho toàn thể bác sĩ, nhân viên y tế trong việc phân loại chất thải để đảm bảo không còn nhầm lẫn khi đã xuống nhà lưu giữ.

Với bệnh nhân, từng điều dưỡng trưởng của các khoa buồng bệnh sẽ có trách nhiệm họp người nhà bệnh nhân 1 lần mỗi tuần để nhắc nhở giữ vệ sinh chung, phân loại rác thải y tế cũng như tập huấn cho người bệnh và người nhà cách phân loại các rác thải y tế đúng quy định. Ngay tại nơi đặt thùng rác, Viện đã in sẵn những poster do Cục Quản lý Môi trường Y tế cung cấp để hướng dẫn bệnh nhân vứt các loại rác vào đúng các thùng có màu: trắng, vàng, xanh, đen như quy định.

Bác sĩ Nguyễn Gia Tiến, Giám đốc Viện, nhấn mạnh: “Việc tập huấn phải làm hàng tuần, vì bác sĩ như người lái đò, còn bệnh nhân là người đi đò. Họ đến viện rồi đi, luôn luôn là những người mới. Vì thế, Viện liên tục phải hướng dẫn cho họ, thậm chí nhắc lại lần 2, lần 3 sẽ càng tốt”.

Còn tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM), với số lượng bệnh nhân đông đúc suốt ngày đêm, một trong những khó khăn của bệnh viện là đảm bảo sự sạch sẽ, an toàn, không lây nhiễm chéo cho người bệnh nhân. Khắp các hành lang bệnh viện là những thùng đựng chất thải theo màu sắc khác nhau để bệnh nhân tự phân loại ngay khi vứt cùng dung dịch rửa tay diệt khuẩn luôn để sẵn.

Riêng ở Trung tâm Ung bướu, ngoài không khí sạch khuẩn, âm nhạc du dương luôn bật sẵn để làm dịu những cơn đau của người bệnh. Những năm gần đây, Bệnh viện Chợ Rẫy liên tục có chỉ số điểm cao trong hoạt động xây dựng môi trường y tế xanh - sạch - đẹp, là một trong những cơ sở y tế kiểm soát nhiễm khuẩn tốt nhất toàn quốc.


Rất khó để nhận biết khu vực chứa rác thải của bệnh viện Giá Rai

Rất khó để nhận biết khu vực chứa rác thải của bệnh viện Giá Rai

Trong khi đó, tại bệnh viện Đa khoa Giá Rai (Bạc Liêu) - đơn vị được hỗ trợ hệ thống xử lý nước thải từ Dự án - bác sĩ Huỳnh Văn Dũng (Giám đốc Bệnh viện) lại có ý tưởng lắp đèn cao áp tại khuôn viên khu vực chứa rác thải và xử lý nước thải y tế - vốn đã có hồ nuôi cá, nhà bát giác, chuồng chim bồ câu… để tạo cơ hội cho nhiều người được đến, đi dạo, sinh hoạt ở khu vực này hơn - xóa đi định kiến “khu chứa rác là khu vực không ai dám qua lại”.

Xanh - Cần có thời gian

Khi bệnh viện đã sạch, yếu tố xanh sẽ tạo cảnh quan và không khí tốt lành cho toàn bệnh viện.

Vậy nên khi bước chân vào những bệnh viện có bề dày lịch sử, những hàng cây xanh cổ thụ chính là nơi tập trung đông bệnh nhân và người nhà của họ nhất.


Một góc của Viện Bỏng Lê Hữu Trác

Một góc của Viện Bỏng Lê Hữu Trác

Như tại Viện Bỏng Lê Hữu Trác, khu vực phía sau bệnh viện luôn mát mẻ nhờ những hàng cây xanh tạo bóng mát. Viện Bỏng cũng là cơ sở y tế hiếm hoi có sân vận động với những tán cây lớn, tạo không gian vui chơi nghỉ ngơi cho cán bộ y tế và bệnh nhân.

Bác sĩ Gia Tiến cho biết: “Sắp tới, Viện sẽ còn làm con đường có hàng cây để lá rụng 2 bên, đẹp như những con phố Hà Nội xưa”.

Tuy nhiên, với những bệnh viện mới xây thì phải mất tới vài năm, cây cối mới cho bóng mát. Bởi ngoài vấn đề kinh phí, cây xanh cần thời gian để bén rễ, xanh lá.

Hiểu rõ tình trạng này, BS Huỳnh Văn Dũng, Giám đốc bệnh viện Đa khoa Giá Rai đã có sáng kiến trồng cây ngay khi bắt đầu khởi công xây dựng bệnh viện - khi đó là 1 khu đất trống (2011).

Song song với đó, BS Dũng huy động toàn thể cán bộ, công nhân viên bệnh viện cùng đóng góp kinh phí và công sức chăm chút cây xanh quanh nơi chính họ sẽ làm việc.

Chính nhờ quyết định này nên khi khánh thành, bệnh viện Đa khoa Giá Rai đã mang dáng dấp của một công viên xanh và cho đến nay thực sự là một nơi sinh hoạt, vui chơi, tập thể dục thể thao của cả người bệnh và những dân xung quanh.

Rõ ràng, để có một môi trường xanh - sạch - đẹp trong bệnh viện, Ban lãnh đạo bệnh viện phải rất nỗ lực, thực sự quan tâm, sâu sát với từng vấn đề, từng cá nhân trong bệnh viện. Chỉ có như thế việc giữ gìn cảnh quan môi trường bệnh viện mới không trở thành quá khó - như nhiều bệnh viện đang “kêu” hiện nay.

Trần Phương