1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Gió lạnh thất thường, đề phòng liệt mặt, méo miệng thế nào?

Bị ngã, thức khuya, bị lạnh, thậm chí cạo gió không đúng cách… cũng có thể dẫn tới bị liệt mặt, méo miệng.

Mùa lạnh hay bị liệt mặt, méo miệng

Theo Thầy thuốc Nhân dân, bác sĩ Trần Văn Bản, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam,chứng liệt mặt, méo miệng thường phát hiện đột ngột sau một đêm ngủ dậy, hoặc bị cơn gió lạnh…

Có nhiều nguyên nhân gây liệt mặt, méo miệng, nhưng 75% là do lạnh làm ảnh hưởng tới dây thần kinh số 7, gây liệt mặt ngoại biên. Còn lại do các chấn thương, viêm nhiễm khác (như viêm tai, mũi, họng, chấn thương sọ ở vùng thái dương, xương chũm...) gây nên.

Bệnh này mùa nào cũng có thể mắc, nhưng mùa lạnh và lúc giao mùa gặp nhiều hơn.

Gió lạnh thất thường, đề phòng liệt mặt, méo miệng thế nào? - 1

Nếu một bên mặt bỗng hơi cứng khác thường, miệng méo một bên, mắt một bên không thể nhắm kín, nước mắt chảy ra... thì cần nghĩ tới chứng liệt mặt, méo miệng. Ảnh minh họa.

Các bác sĩ khuyên, khi ngủ dậy thấy một bên mặt hơi cứng khác thường, soi gương thấy một bên mặt bị xệ xuống và miệng bị méo sang một bên, mắt một bên không thể nhắm kín và có nước mắt chảy ra… nhiều người thường lo lắng cho là một tai biến mạch máu não. Nhưng hãy bình tĩnh xem xét, nếu thấy các triệu chứng chỉ ở mặt thì nên nghĩ bị liệt dây thần kinh mặt.

Nếu là ban ngày bỗng dưng thấy bị tê liệt đột ngột, yếu hẳn một bên mặt, khó cười nói, khó nhắm mắt, cử động một bên mặt, đau trong tai bên bệnh, nhức đầu; mất vị giác, nước mắt và nước miếng tiết ra nhiều hơn… cần nghĩ đã bị liệt dây thần kinh số 7.

Làm sao lấy lại gương mặt cân đối?

Các các sĩ cho rằng, mùa đông ban đêm nhiệt độ hạ thấp hẳn so với ban ngày. Những người dễ mắc và người đã có tiền sử bị liệt mặt, méo miệng không nên thức quá khuya để làm việc, mà cần sắp xếp tăng giờ làm việc ban ngày, để giảm giờ thức đêm.

Với người bị cao huyết áp, việc cạo gió, đánh cảm gây mất thời gian cần thiết để cấp cứu, còn có thể gây giãn mạch, làm nặng thêm tình trạng thiếu máu não. Do đó hãy cho người bệnh nằm im nghỉ ngơi, tránh nói nhiều (để thanh quản và các cơ quan khác không bị ảnh hưởng khiến huyết áp tăng hơn), và cho uống thuốc hạ huyết áp, rồi nhanh chóng đưa đi bệnh viện, hoặc phòng khám Đông y gần nhất để được cứu chữa kịp thời.


Châm cứu là một trong những biện pháp lấy lại sự cân đối cho gương mặt.

Châm cứu là một trong những biện pháp lấy lại sự cân đối cho gương mặt.

Theo BS Phạm Hữu Lợi (Viện Châm cứu Trung ương), người bị trúng gió méo miệng, liệt dây thần kinh số 7, nếu tới bệnh viện chuyên khoa trong 3 ngày đầu tiên phần lớn chữa khỏi và hồi phục. Nhưng điều trị chậm, hoặc điều trị không đúng cách sẽ tiến triển xấu, để lại di chứng như viêm loét giác mạc, co giật cơ mặt, co cứng nửa mặt...

Điều trị liệt dây thần kinh số 7, các bác sĩ châm cứu thường cho châm bên liệt (ôn châm, điện châm ở các huyệt giáp xa, địa thương, thảo đường, và các huyệt ấn đường, nghinh hương, hợp cốc), kết hợp xoa bóp, bấm huyệt, tập luyện cơ... sau 4 - 6 tuần rất hiệu quả. Cũng có trường hợp phải điều trị kéo dài 2 - 3 đợt mới có thể phục hồi.

Tây y chữa liệt mặt, méo miệng bằng chạy điện nóng và làm sóng ngắn ngay ngày đầu, tập luyện các động tác ở mặt, ở trán, ở môi miệng. Có thể phẫu thuật (nhất là những trường hợp nhanh chóng chuyển sang liệt co cứng nửa mặt). Nhưng điều trị gì cũng cần tới BV chuyên khoa thần kinh khám trực tiếp để có phác đồ điều trị chính xác.

Lưu ý là chứng bệnh liệt thần kinh mặt nhẹ được chữa sớm sẽ khỏi hoàn toàn. Nhưng nếu bị nặng, lại chữa trị muộn, các dây thần kinh sẽ bị tổn thương, có thể gây liệt mặt, méo miệng vĩnh viễn.

Nếu tới ngay bệnh viện để được thăm khám, chữa trị sớm bệnh sẽ khỏi trong vài tuần, khỏi hẳn sau 3- 6 tháng (khoảng 8 - 10 % bị tái phát).

Quá trình chữa bệnh không nên ăn thịt bò, tôm, cua, cá, rau muống sẽ không tốt cho quá trình chữa bệnh.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
  Phòng tránh ra sao?

Ngày lạnh không nên nhậu nhẹt quá khuya và về muộn. Không nên uống rượu cho ấm người, vì cồn làm nóng cơ thể, nhưng khi giã rượu sẽ rất lạnh.

Lượng cồn trong máu lên não và các cơ quan khác khiến mạch máu ở đó co lại (hoặc giãn ra tùy cơ địa mỗi người), làm cơ thể mất nhiều nhiệt. Nếu hơi ấm thoát ra ngoài không được bảo vệ, gặp phải khí lạnh thì người bệnh sẽ bị cảm, trúng gió.

Luôn giữ gìn để tránh bị nhiễm lạnh vào mùa đông, nhất là khi ngủ ban đêm. Nếu đang trong chăn ấm phải ra khỏi chăn, hoặc ở trong nhà ấm áp mà phải ra ngoài môi trường lạnh (như mở cửa sổ, ra ngoài trời…) cần khoác thêm áo ấm để không bị lạnh.

Nâng cao sức đề kháng của cơ thể bằng cách tập thể dục thể thao thường xuyên. ăn uống đủ dưỡng chất, tăng cường ăn rau xanh, trái cây chín, uống nước cam, nước chanh hoặc uống bổ sung vitamin C tổng hợp.

Đeo khẩu trang khi đi ra ngoài, giữ ấm trán, đầu, cổ để tránh tiếp xúc trực tiếp với gió. Hạn chế ở ngoài trời lạnh thấp nhất và luôn bảo vệ cho cơ thể ấm áp.

Nếu phải tắm cần tắm nước ấm, trong phòng kín và tắm nhanh. Tránh tắm bằng nước lạnh và tuyệt đối không tắm khuya vì cơ thể rất dễ bị nhiễm lạnh làm nguy cơ mắc liệt mặt, méo miệng cao hơn.

Đã uống bia, rượu rồi không nên ra ngoài lạnh, hoặc đi tắm ngay vì rất dễ bị méo miệng, thậm chí là đột quỵ.

Nếu thấy có triệu chứng bị liệt mặt, méo miệng cần sớm tới ngay các cơ sở y tế sớm để phát hiện tổn thương và điều trị đúng phác đồ, bảo vệ mặt và mắt. Các bệnh viện lớn như Viện Châm cứu TƯ vừa châm, cứu, xoa bóp bấm huyệt, vừa có thuốc hỗ trợ thêm. Bệnh nhân còn được hướng dẫn cách sinh hoạt, ăn uống, nghỉ ngơi để tránh tái phát.

Không nên chữa trị chứng liệt mặt, méo miệng theo các mẹo truyền khẩu.

Ai dễ mắc?

Theo bác sĩ Lương Tài (Viện Châm cứu Trung ương), liệt thần kinh mặt xảy ra khi dây thần kinh điều khiển các cơ mặt bị viêm và bị chèn ép, có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Nguyên nhân do dây thần kinh điều khiển các cơ mặt phải đi qua một khe xương hẹp, khi nhiễm siêu vi sẽ bị sưng lên, kẹt trong các hốc xương nên bị tổn thương lớp màng bọc, khiến tín hiệu thần kinh bị cản trở, gây ra tê liệt và yếu các cơ mặt.

Những người dễ mắc là: Phụ nữ có thai, bị bệnh tiểu đường, cảm cúm, suy giảm miễn dịch, dùng thuốc corticosteroid…

Lứa tuổi trung niên và người già, người có thể trạng yếu, ít tập luyện, ít tiếp xúc với thiên nhiên, môi trường bên ngoài (ít ra gió), có tiền sử hạ đường huyết, huyết áp cao, huyết áp thấp, xơ vữa động mạch…

Những người hay thức khuya cơ thể luôn mệt mỏi, sa sút tinh thần, sức đề kháng giảm, dễ cảm cúm, viêm đường tiêu hóa, dị ứng, đặc biệt là khiến cho thầy kinh căng thẳng, hệ tim mạch rơi vào trạng thái ức chế quá mức vì lạnh... dẫn tới sự gia tăng gốc tự do làm hủy hoại dây thần kinh số 7. Chỉ vài đêm làm việc quá muộn chưa bị liệt mặt ngay, nhưng lâu dài sẽ tích lũy nguy cơ liệt mặt, méo miệng rất cao.

Đặc biệt cảnh báo các quý ông thích nhậu khuya, uống nhiều bia rượu rồi đi về trong đêm có khả năng bị đe dọa lớn.

Theo Hà Dương

Báo Gia đình & Xã hội