1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Giật mình khi biết con trẻ muốn tự tử!

Đến một lúc, người lớn chúng ta bàng hoàng lắng nghe tâm sự cay đắng của con em mình. Các em bị trầm cảm nặng đến mức chỉ muốn tìm đến cái chết ngay trong lứa tuổi đẹp nhất của đời người.

Trong hội thảo phát triển mô hình tham vấn học đường ở các trường phổ thông được tổ chức mới đây, ThS Phạm Thị Bích Phượng, giáo viên tham vấn học đường của Trường THPT Marie Curie TP.HCM, chia sẻ một thực trạng đáng báo động về việc học sinh bị trầm cảm ngày càng nhiều.

Muốn chết để kết thúc ám ảnh bị xâm hại tình dục

Cô Phạm Thị Bích Phượng cho biết từ đầu năm học 2016-2017 đến nay, số lượng phụ huynh, học sinh tìm đến phòng tham vấn tâm lý của trường nhiều hơn năm ngoái. Trong đó nhiều nhất là những ca bị trầm cảm, nhiều em phải uống thuốc và đang điều trị tại bệnh viện, có những em đã chữa hơn một năm vẫn chưa khỏi.

Cô Phượng vẫn còn nhớ mãi trường hợp nhận tư vấn tâm lý cho một em học sinh lớp 10 bị chứng trầm cảm rất nặng. Em kể bị hai người xâm hại từ năm em học lớp 3, trong đó một người là bạn của mẹ, kẻ còn lại là người đi đường, thừa lúc gia đình không ai ở nhà. Gia đình em không hề biết chuyện này. Trong khi đó, lấy danh nghĩa bạn của mẹ em, “tên xấu xa” kia vẫn thỉnh thoảng tới nhà tìm kiếm cơ hội. Do em tìm cách trốn tránh nên mới thoát được hắn.

Sau khi sự việc xảy ra, em bị mất ngủ một thời gian dài vì bị ám ảnh và sợ hãi. Và di chứng của sự việc để lại rất nặng nề. Giờ đây, em hoàn toàn vô cảm với những người xung quanh, em không tin vào gia đình, không dám chơi với bạn trai. Ở trên lớp, em vẫn tương tác với các bạn nhưng trông rất bất cần. Hơn nữa nhìn bề ngoài của em rất luộm thuộm. Bởi em nghĩ chắc do em có gì thu hút nên người ta mới lạm dụng em. Và đặc biệt, đã nhiều lần em muốn tìm đến cái chết.

Giật mình khi biết con trẻ muốn tự tử! - 1

Buổi sinh hoạt CLB tham vấn học đường ở một trường THCS tại quận Gò Vấp, TP.HCM. Ảnh: NQ

“Nhiều khi đi qua cầu, con chỉ muốn nhảy xuống để kết thúc chuỗi ngày cay đắng của mình. Con nghe người ta nói rằng nhảy cầu tự tử để chết thì linh hồn của mình sẽ không thể siêu thoát. Con không muốn được siêu thoát làm người, không muốn cuộc sống của con sẽ cay đắng lần nữa” - cô Phượng nhớ lại lời kể đầy nước mắt của cô bé chỉ mới 15 tuổi.

Cô Phượng cho biết thêm rất may trường hợp đau lòng này được phát hiện trong đợt nhà trường sàng lọc tâm lý học sinh. May mắn hơn, em chịu hợp tác và chịu xuống phòng tham vấn tâm lý vào mỗi tuần để được hỗ trợ. Nhưng theo cô Phượng, tình trạng của nữ sinh này hiện tại vẫn bị trầm cảm rất nặng. Em cần lộ trình dài để thay đổi nhận thức, giúp em dần lấy lại cảm giác được nâng đỡ.

Người lớn biệt tăm khi con em mình tuyệt vọng cùng cực

Cô Phượng nhìn nhận học sinh ngoài bị trầm cảm xuất phát từ nhiều bất ổn trong gia đình còn do những nguyên nhân khác, chẳng hạn một số em có tính cách dễ bị tổn thương, hay chuyển đổi môi trường sống đột ngột nhưng kỹ năng thích ứng kém, mất tự tin vào bản thân, dần dần bị tách biệt. Cô Phượng dẫn chứng có em học sinh học lớp 11 đang bị trầm cảm vì bị tẩy chay từ hồi em học lớp 6. Suốt những năm sau đó, em ít nói chuyện với bạn bè, đi học lầm lũi, do đó là năm em chuyển trường và có nhiều sự thay đổi trong môi trường sống.

Theo cô Phượng, không ít trường hợp các em bị trầm cảm nặng, đa phần bởi di chứng trầm cảm từ lâu không được phát hiện kịp thời. Hầu hết học sinh bị trầm cảm đến mức muốn tự tử đều bị trầm cảm từ nhiều năm.

“Tôi cho rằng mô hình tâm lý học đường ở cấp 3 chỉ giải quyết được phần ngọn. Còn đúng ra chúng ta cần đồng hành cùng các em từ cấp mầm non, tiểu học và phải chữa trị quyết liệt cho các em ở cấp 2. Vì đây là giai đoạn các em dậy thì, thay đổi nhiều về tính cách. Sắp tới, tôi sẽ kết hợp với một giáo viên tâm lý ở trường ĐH để làm đề tài về trầm cảm theo định hướng phòng ngừa trầm cảm từ sớm cho học sinh” - cô Phượng chia sẻ.

Con em mình bị trầm cảm, phải nhận biết ngay

Theo WHO và nhiều tác giả nghiên cứu, có 3%-5% dân số trên thế giới (khoảng 200 triệu người) có các triệu chứng trầm cảm ở một giai đoạn nào đó trong cuộc đời. Hơn nữa, người ta còn thấy tỉ lệ tái phát của trầm cảm là 50%-80% các trầm cảm đơn cực và cao hơn nữa ở rối loạn cảm xúc lưỡng cực.

Riêng đối với các em ở lứa tuổi học sinh thì biểu hiện trầm cảm là một tập hợp gồm nhiều triệu chứng. Các triệu chứng có thể kể ra như các em rơi vào trạng thái buồn hoặc vô vọng, cáu kỉnh, tức giận hoặc hận thù. Các em hay khóc, thu mình, mất hứng thú, thay đổi thói quen ăn ngủ, bất an hoặc dễ bị kích động, cảm thấy vô giá trị, thiếu động cơ, mệt mỏi, khó tập trung, có ý định tự tử.

ThS tâm lý NGUYỄN THỊ DIỆU ANH, khoa Tâm lý

BV Nhi đồng 1, TP.HCM

Tỉ lệ học sinh bị trầm cảm cao

Nếu trầm cảm ở học sinh không được phát hiện và điều trị thì nguy cơ tự sát cao. Theo thống kê chung của các nghiên cứu trên thế giới, học sinh trong độ tuổi 12-15 theo tỉ lệ 1/1.000 và ở độ tuổi 16-20 thì tỉ lệ lên đến từ 2 đến 3/1.000.

Còn nghiên cứu của Đặng Hoàng Minh và Hoàng Cẩm Tú (2009) cho thấy có khoảng 11/gần 1.800 học sinh tại Hà Nội mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần, trong đó có trầm cảm.

Theo Nguyễn Quyên - Hoàng Lan

Pháp luật TPHCM