Giao lưu trực tuyến: Phòng ngừa và điều trị các bệnh về gan, ghép gan

(Dân trí) - Gần 40 câu hỏi của độc giả liên quan tới việc phòng ngừa và điều trị các bệnh về gan đã được các bác sĩ của Bệnh viện Parkway Singapore và các bác sĩ của Bệnh viện Hữu Nghị Việt Xô tận tình giải đáp trong hơn 2 tiếng đồng hồ giao lưu trực tuyến tại báo Dân trí. Hi vọng, buổi giao lưu đã mang lại cho quý độc giả những thông tin hữu ích xung quanh vấn đề mình quan tâm.

Tham gia buổi giao lưu trực tuyến gồm có:

 

1. Bác sĩ Tan Kai Chah - Chuyên gia hàng đầu thế giới về phẫu thuật gan-mật tổng hợp và ghép gan, Giám đốc Trung tâm gan Parkway, Bệnh viện Gleneagles.

 

Trong số 400 ca phẫu thuật ghép gan mà bác sĩ K.C. Tan thực hiện tại Anh, rất nhiều kỹ thuật được thực hiện lần đầu tiên tại Anh. Ông là người đầu tiên thực hiện ca “tách ghép gan” trong đó miếng gan hiến được tách làm đôi để ghép cho 2 người nhận.

 

 

Hội thảo: Điều trị các bệnh gan và Ghép gan

 

Nội dung: Hội thảo được tổ chức với mục đích truyền tải và cung cấp kiến thức về phòng chống và điều trị các bệnh về gan của Singapore.

Thời gian: 19h00 ngày 30/10/2007

Địa điểm: Khách sạn Horizon.

Đơn vị tổ chức: Tập đoàn Y tế Parkway Singapore

Các chứng chỉ Hàn lâm và giáo dục:

- 1973-1978: Khoa Y học, Đại học Malaya, Kuala Lumpur, Malaysia

- Tháng 6 năm 1982:Thành viên Đại học Bác sĩ ngoại khoa , Edinburgh

 

Danh hiệu học vấn:

- Thành viên của The World Association of HPB Surgery

- Thành viên của Hàn lâm Y học

- Thành viên của Hội Ghép Gan Quốc tế (International Liver Transplant Society)

 

Chức vụ hiện tại:

- Bác sĩ tư vấn và phẫu thuật của Trung tâm Ghép tạng và Các bệnh về Gan, Bệnh viện Gleneagles, Singapore.

- Bác sĩ tư vấn và phẫu thuật của Chương trình Ghép Gan Nhi, Trung tâm Y tế Subang Jaya, Kuala Lumpur, Malaysia

 

2. Bác sĩ Desmond Wai - chuyên gia tư vấn và điều trị nội khoa về các bệnh tiêu hoá, gan mật thuộc Trung tâm Gan Parkway.

 

Bác sĩ Desmond Wai là đồng Chủ tịch Chương trình chăm sóc toàn diện cho bệnh viêm gan tại Singapore. Hai bác sỹ sẽ cùng chia sẻ những thông tin mới nhất về phòng ngừa, điều trị nội khoa và ngoại khoa cho các bệnh về gan.

 

Nghề nghiệp chính:

- Trưởng khoa phẫu thuật và y khoa (Bệnh viện Đại học Quốc gia Singapore), sản khoa và phụ khoa (Bệnh viện Đa khoa Singapore).

- Bác sỹ chuyên khoa, Khoa cấp cứu, Bệnh viện Đại học Quốc gia Singpore.

- Chuyên gia tư vấn, Phân ban Tiêu hoá , Khoa nội, Bệnh viện Đại học Quốc gia Singapore.

- Phó giáo sư, Y khoa, Đại học Quốc gia Singapore.

- Bác sỹ tư vấn chuyên khoa cấy ghép gan và dạ dày-ruột, Trung tâm bệnh gan và ghép gan Châu Á, Bệnh viện Gleneagles Singapore.

- Bác sỹ tư vấn thỉnh giảng, Khoa dạ dày-ruột và gan, Bệnh viện đại học Quốc gia Singapore.

 

Giải thưởng:

- Giải thưởng bác sỹ lâm sàng trẻ, Tạp chí Digestive Disease Week Thailand, 1999.

- Học bổng hiệp hội cấy ghép, Đại hội lần thứ 8 của Hiệp hội cấy ghép Châu Á, 2003

- Giải thưởng ghi nhận của tạp chí Singapore Medical Journal Reviewer, Singapore Med J 2006, 47(2): 119.

- Giải thưởng trong cuộc họp thường niên của Hiệp hội dạ dày-ruột Singapore 2006.

 

3. TS - BS Nguyễn Quốc Dũng - Trưởng khoa Chẩn đoán Hình ảnh - Bệnh viện Hữu Nghị Việt Xô

 

Bác sĩ Dũng là bác sĩ chuyên ngành chẩn đoán hình ảnh với hơn 20 năm kinh nghiệm trong nghề.

 

Bác sĩ Dũng sẽ nói về vai trò của chẩn đoán hình ảnh trong việc chẩn đoán, điều trị và theo dõi các bệnh gan, cụ thể hơn là vai trò của chụp cộng hưởng từ, chụp cắt lớp, chụp mạch gan và siêu âm. Những ứng dụng kỹ thuật mới trong chẩn đoán và theo dõi bệnh.

 

4. BS.CKII Nguyễn Thị Lan - Trưởng khoa Khám theo yêu cầu - Bệnh viện Hữu Nghị Việt Xô.

 

Đồng thời BS Dũng và BS Lan cũng là cố vấn về chuyên môn trong buổi giao lưu trực tuyến...

 

Giao lưu trực tuyến: Phòng ngừa và điều trị các bệnh về gan, ghép gan - 1

Các bác sĩ của Trung tâm Parkway và bác sĩ Nguyễn Quốc Dũng chụp ảnh lưu niệm với Phó Tổng biên tập báo Dân trí Nguyễn Minh Quang (ngoài cùng bên trái) trước buổi giao lưu

 

 

 

NỘI DUNG GIAO LƯU

 

 

 

Biện pháp ghép gan được áp dụng trong trường hợp nào, thưa bác sỹ? Cần có những điều kiện gì để được ghép gan? Xin cảm ơn!
(Anh Tuấn, 35 tuổi, Nam, 191 Bà Triệu, Kỹ sư tin học)

BS. Tan Kai Chah: Áp dụng cho các bệnh nhân gan giai đoạn cuối, giai đoạn muộn, và bệnh nhân ung thư gan.

Người cho gan là các thành viên trong gia đình, bạn bè hoặc đồng nghiệp, miễn là các điều kiện xét nghiệm cho kết quả phù hợp, chứ không nhất thiết phải là người cùng huyết thống.



Bà tôi bị khối u gan kích thước 5x5 cm, bác sĩ khuyên không nên phẫu thuật. Vậy bà tôi có thể điều trị bằng phương pháp nào? Xin bác sĩ cho biết ý kiến điều trị.
(Lan Hương, 20 tuổi, Nữ, 12 Yên Thế, Sinh viên)

BS Desmond Wai: Có 2 phương pháp điều trị: 1. Nghẽn mạch bằng hoá chất (TACE) kết hợp có hoặc không đốt khối u bằng sóng cao tần. 2. Trong trường hợp có kèm xơ gan nặng thì bà của bạn có thể cần ghép gan. 



Tôi bị viêm gan B mãn tính 15 năm nay, đã biến chứng xơ gan nặng. Xin cho hỏi nếu tôi bị xơ gan giai đoạn cuối thì phương pháp điều trị là gì? Có phải ghép gan hay không?
(Minh Tiến, 45 tuổi, Nam, 363 Kim Mã, Giáo viên)

Giao lưu trực tuyến: Phòng ngừa và điều trị các bệnh về gan, ghép gan - 2
BS. Tan Kai Chah (ảnh bên): Việc lựa chọn phương pháp điều trị còn tuỳ thuộc vào mức độ của bệnh viêm gan B và biến chứng xơ gan.

 

Nếu ở giai đoạn đầu thì có thể điều trị bằng thuốc.

 

Trong trường hợp này bệnh nhân đã bị biến chứng xơ gan giai đoạn cuối, nếu có các biểu hiện như trướng bụng, phù chân, vàng da, vàng mắt thì bác sỹ sẽ phải chỉ định ghép gan.

 

Thêm một lưu ý là các bác sỹ sẽ tiến hành xét nghiệm để tìm các triệu chứng sớm của ung thư (AFP). Nếu chưa có dấu hiệu chỉ điểm ung thư thì chỉ định ghép gan là tốt nhất.



Kính chào các bác sĩ tập đoàn y tế Parkway. Các bác sĩ có thể cho biết bệnh ung thư gan biểu hiện như thế nào? Xin cảm ơn.
(Vũ Thanh Nhàn, 32 tuổi, Nữ, 1 Dã Tượng, Công nhân)

BS Desmond Wai: Xin chào bạn và cảm ơn đã đặt câu hỏi. Ung thư gan ở giai đoạn sớm không có biểu hiện rõ rệt. Còn ung thư gan ở giai đoạn muộn hơn thì có các biểu hiện như: vàng da, giảm cân, trướng bụng, đau bụng.

Khi có các biểu hiện như vậy thì bệnh đã ở giai đoạn muộn vì vậy tôi khuyến khích tất cả những người mang vi rút viêm gan B phải đi kiểm tra 1 lần về chức năng gan và kiểm tra số lượng vi rút viêm gan B có trong cơ thể (Xét nghiệm HBV DNA).



 Xin bác sỹ cho biết hiện nay đã có thuốc điều trị viêm gan siêu vi B chưa? Nếu có xin cho biết tên thuốc. Phụ nữ bị viêm gan B cần chú ý điều gì khi mang thai?
(Nguyen Dieu Huong, 26 tuổi, Nữ, Hai Phong, Nhan vien VP)

Giao lưu trực tuyến: Phòng ngừa và điều trị các bệnh về gan, ghép gan - 3
 
 BS Desmond Wai (ảnh bên): Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi cho chúng tôi. Hiện nay đã có các thuốc điều trị viêm gan siêu vi B như: lamivudin, adefover, entecavir và pegasys. Trong đó entercavir là thuốc tốt nhất bởi hiệu quả điều trị tốt hơn và tỉ lệ kháng thuốc thấp hơn đồng thời không có tác dụng phụ.

Đối với phụ nữ bị viêm gan B khi mang thai cần chú ý: Phải thông báo với bác sĩ về tình trạng bệnh để được theo dõi và tiêm phòng viêm gan B cho bé ngay khi vừa sinh ra. Khi được tiêm phòng như vậy thì nguy cơ nhiễm bệnh của đứa trẻ sẽ dưới 10% vì vậy bạn có thể yên tâm có kế hoạch sinh con.



Mẹ tôi đi xét nghiệm mỡ máu bình thường nhưng siêu âm lại nói là gan nhiễm mỡ. Xin cho biết đây là bệnh gì? Có nguy hiểm không? Điều trị như thế nào?
(hoang, 27 tuổi, Nam, Yen bai, giao vien)

BS. Tan Kai Chah: Bệnh nhân gan nhiễm mỡ có thể là do các nguyên nhân sau: mỡ máu cao, thừa cân nặng, tiểu đường, uống nhiều đồ uống có cồn.

 

Đối với các trường hợp bệnh chưa nặng thì có thể kiểm soát tiểu đường, giảm cân, không uống đồ có cồn.

 

Nặng có thể dẫn đến xơ gan và ung thư gan

 

Gan nhiễm mỡ là định tính chứ không phải định lượng, khẳng định. Tiến hành xét nghiệm là trả lời chính xác nhất cho câu hỏi bệnh nhân có rối loạn về mỡ hay không.

 

Bệnh nhân gan bị nhiễm mỡ mà không có biểu hiện lâm sàng thì cần lưu ý chế độ làm việc, dinh dưỡng và theo dõi siêu âm lần 2 sau 3-4 tuần để đánh giá xem nhiễm mỡ thực thụ hay tạm thời.

 

Với trường hợp của mẹ bạn có thể là bình thường, nên đi siêu âm để kiểm tra lại sau 3-6 tháng.



Thưa bác sĩ. Tôi và chồng tôi sau khi đi xét nghiệm thì đã biết là chúng tôi bị nhiễm virus viêm gan B. Bác sĩ nói rằng chúng tôi là những người lành mang bệnh. Tôi muốn hỏi bác sĩ là bây giờ vợ chồng tôi nên điều trị theo cách nào để không bị ung thư gan. Xin cảm ơn bác sĩ. Chúng tôi mong sớm nhận được câu trả lời từ bác sĩ.
(Huyen Trang, 30 tuổi, Nữ, Ha noi, giang vien)

BS Desmon Wai: Chào bạn. Xin chia sẻ với bạn về nỗi lo lắng này. Để phòng tránh diễn tiến dẫn tới bệnh ung thư gan sau khi đã nhiễm vi rút viêm gan B thì bạn nên thay đổi 1 số thói quen sinh hoạt có hại như hút thuốc lá (nếu hút thuốc), uống rượu thường xuyên (tốt nhất là từ bỏ hoàn toàn)... và đi kiểm tra định kỳ chức năng gan 6 tháng/lần.



Tôi phát hiện ra mình mắc bệnh viêm gan B cách đây 5 năm. Trong mấy năm trước tôi đã sử dụng thuốc bổ gan nhưng không có kết quả. Các chỉ số men gan của tôi bình thường. 6 tháng trở lại đây, tôi đến điều trị tại bác sĩ. Tôi đang dùng thuốc VICTRION do Công ty TNHH ICA pharmacution sản xuất. Sau khi dùng thuốc được 3 tháng, HBeAg trở về âm tính. Bác sĩ bảo tôi dừng thuốc. Nhưng 1 tháng sau tôi đi xét nghiệm thì HbeAg lại dương tính. Xn hỏi bệnh viêm gan B dùng thuốc gì để điều trị thì thích hợp?
(Thu, 33 tuổi, Nữ, BacNinh, Nhân viên)

BS Nguyễn Thị Lan (BS. CKII, Trưởng khoa Khám theo yêu cầu, Bệnh viện Hữu Nghị): Chào bạn. Như chúng ta đều biết cứ 100 người dân thì có 10 - 15 người dân xét nghiệm nhiễm vi rút viêm gan B nhưng không phải tất cả chuyển thành viêm gan B mãn tính bởi có khoảng 30% người lành sẽ mang vi rút viêm gan B.

Tỉ lệ người mang vi rút viêm gan B có nguy cơ trở thành viêm gan B mãn tính tương đối cao (70%) nên việc đi kiểm tra định kỳ là rất cần thiết và ở  trường hợp của chị, cần phải đi kiểm tra, xác định xem đã mắc viêm gan B mãn tính chưa. Nếu bị viêm gan B mãn tính thì mới cần phải điều trị còn không chỉ cần kiểm tra định kỳ.



Chú tôi năm nay 53 tuổi, có tiền sử viêm gan B hơn 10 năm, có biểu hiện khó tiêu và đau bụng phía bên phải khoảng 1 tháng nay. Sau khi làm kiểm tra và chiếu chụp, chú tôi được kết luận là ung thư gan đa ổ, di căn hạch ổ bụng, có huyết khối tĩnh mạch cửa gan, da hơi xạm, và sút 3-4 cân. Bác sĩ đã trả về và nói chú tôi chỉ sống thêm khoảng 1-3 tháng nữa. Gia đình tôi muốn được bác sĩ tư vấn về khả năng điều trị bệnh này ở Singapore. Xin cảm ơn bác sĩ.
(Bảo Ngọc, 30 tuổi, Nữ, Hà Nội, chuyên viên)

BS Desmond Wai: Chào bạn. Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tới cho chúng tôi. Và chúng tôi cũng rất tiếc vì trường hợp của chú bạn là một trong những trường hợp điển hình của ung thư gan phát hiện muộn bởi ung thư ở giai đoạn phát hiện sớm sẽ không có các biểu hiện như bạn mô tả. Chính vì vậy, chúng tôi luôn nhấn mạnh việc đi kiểm tra sớm, định kỳ đối với những người mang vi rút viêm gan B. Trong trường hợp ung thư gan phát hiện sớm thì có thể điều trị khỏi được.

Còn khi đã có những biểu hiện như chú của bạn thì bệnh đã ở giai đoạn quá muộn. Thông thường khả năng sống của những bệnh nhân như vậy ở Singapore là 6 tháng. Tuy nhiên, rất may mắn là đã có 1 loại thuốc hoá trị mới giúp kéo dài tuổi thọ của bệnh nhân, tên là Nexerfar. Loại thuốc này cũng có một số tác dụng phụ như phát ban ngoài da... Ngoài ra, chi phí của loại thuốc này cũng khá cao.



Tôi bị xơ gan gần 5 năm, ở VN có thể ghép gan cho những người như tôi không? Chi phí là bao nhiêu? Đăng ký ở đâu? Thời gian đăng ký là bao lâu? Nếu ghép gan có thể sống thêm được bao nhiêu năm? Liệu có khỏe mạnh hoàn toàn không?
(Dinh Khanh Van, 27 tuổi, Nữ, hung yen, ke toan)

 

BS. Nguyễn Quốc Dũng: Hiện tại chưa có chương trình ghép gan tại Việt Nam. Trong tương lai gần, chính phủ sẽ triển khai việc ghép gan tại Viện quân y 103, Bệnh viện Việt-Đức, hay Bệnh viện Chợ Rẫy. Các trường hợp có chỉ định ghép gan hiện nay ở Việt Nam thường được chuyển sang Singapore, ở đó có GS Tan Kai Chah là chuyên gia hàng đầu thế giới về phẫu thuật gan-mật tổng hợp và ghép gan, Giám đốc Trung tâm gan Parkway, Bệnh viện Gleneagles.

 

Giao lưu trực tuyến: Phòng ngừa và điều trị các bệnh về gan, ghép gan - 4

BS Tan Kai Chah: Nếu bệnh nhân ở giai đoạn sớm, có thể điều trị bằng thuốc.

 

Nếu nghiêm trọng hơn, cần tư vấn với bác sỹ chuyên khoa gan.

 

Việc chỉ định ghép gan còn tuỳ thuộc vào yếu tố:

 

+ Tuổi

+ Tình trạng sức khoẻ của bệnh nhân

 

Nếu bệnh nhân sức khoẻ tốt và ở giai đoạn sớm thì có 80-85% khả năng ghép gan thành công.

 

Nếu bệnh nhân cao tuổi hoặc sức khoẻ kém (hôn mê hoặc đang điều trị trong phòng chăm sóc tích cực - ICU) thì tỷ lệ thành công thấp hơn 70%. Hiện tại ở bệnh viện Gleneagles đã có hệ thống lọc gan để giải quyết cho những trường hợp bệnh nhân suy gan giai đoạn cuối với sự trợ giúp của hệ thống lọc ngoài cơ thể. Sau khi lọc gan, chức năng gan tạm thời trở về mức độ cho phép để có thể cho phép tiến hành ghép gan mà ít ảnh hưởng đến sức khoẻ người bệnh và hạn chế nguy cơ biến chứng trong quá trình ghép gan.

 

Bệnh nhân sau ghép gan có cuộc sống bình thường, bản thân tôi đã có những bệnh nhân sau khi ghép gan có thể sống thêm 15 năm.

 

Nếu trường hợp của bạn xơ gan 5 năm nhưng chưa có dấu hiệu biến chứng như cổ trướng, vàng da, ăn uống kém, men gan không cao, đáp ứng với điều trị thuốc nội khoa thì chưa cần có chỉ định ghép gan ngay, nhưng cần có sự theo dõi, quản lý, khám định kỳ về lâm sàng, xét nghiệm, siêu âm và cắt lớp vi tính nếu cần... để đánh giá giai đoạn xơ gan.



Tôi bị viêm gan B phát hiện đã 3 năm. Nhu mô gan thô. Tôi đã uống Hepsera được 13 tháng. Vừa rồi đi xét nghiệm thì men gan bình thường, HBVDNA 505 copy/ml. Xin cho hỏi liệu tôi có thể bị biến chứng không? Và cần phải uống Hepsera bao lâu để nhu mô gan có thể được cải thiện? Cảm ơn các bác sĩ!
(Văn Long, 26 tuổi, Nam, Ha nội, Kỹ sư)

BS. Tan Kai Chah: Với trường hợp của bạn kết quả xét nghiệm cho thấy men gan bình thường, HBVDNA 505 copy/ml là thấp và tương đối tốt, nhưng vẫn cần kiểm tra định kỳ.

 

Với điều trị bằng thuốc Hepsera, đây là thuốc có những tác dụng phụ như ảnh hưởng đến thận nên nếu bạn đã dùng thuốc được 13 tháng thì nên chuyển sang dùng Lamivudin hoặc Baraclude để điều trị củng cố trong thời gian 6 tháng. Sau đó bạn nên tiếp tục đi kiểm tra định kỳ.

 

Giao lưu trực tuyến: Phòng ngừa và điều trị các bệnh về gan, ghép gan - 5
  

Bạn cháu mới đi khám sức khoẻ và phát hiện bị gan nhiễm mỡ.Cháu muốn hỏi bệnh này có nguy hiểm không? Phải điều trị như thế nào?Có thuốc gì để điều trị không? Rất mong được các bác sĩ tư vấn về căn bệnh này.Cháu xin chân thành cảm ơn.
(ngọc anh, 22 tuổi, Nữ, Tây hồ - hà nội, nhân viên văn phòng)

BS Desmond Wai: Để điều trị gan nhiễm mỡ, việc đầu tiên là phải kiểm tra lại các nguyên nhân gây bệnh như: béo phì, cholesterol cao, tiểu đường, huyết áp cao... và từ đó sẽ có phương pháp điều trị cụ thể cho từng nguyên nhân. Tôi biết người Việt Nam mảnh mai, ít béo phì nhưng lại có mức cholesterol cao trong máu. Đối với những trường hợp này thì có thể uống thuốc để điều trị.

Trong trường hợp của bạn, rất tiếc là bạn không cho chúng tôi biết những thông tin cụ thể về sức khoẻ bản thân nên chúng tôi không thể tư vấn chi tiết. Vậy nên tốt nhất bạn liên lạc với địa chỉ sau để biết thêm thông tin:

Văn phòng Đại diện Y tế Parkway tại Hà Nội

91B Nguyễn Thái Học – Ba Đình – Hà Nội

ĐT: 04-747 2729/2730/4442

Fax: 04-747 2731

Email: info@parkway.com.vn



Mẹ tôi bị ung thư CTC di căn lên gan và phúc mạc ổ bụng, trong truờng hợp này có còn biện pháp nào điều trị cho gan hay không?
(nguyen anh chi, 29 tuổi, Nữ, tổng công ty điện lực dầu khí, luật sư)

BS. Tan Kai Chah: Với trường hợp này, bệnh nhân cần được đánh giá lại toàn diện hiện trạng bệnh bằng PET-CT (phương pháp chẩn đoán hình ảnh hiện đại nhất hiện nay) để xác định mức độ di căn của bệnh ung thư. Quan trọng nhất là xem ung thư đã di căn đến phổi, gan, xương và não hay chưa. Nếu chỉ có di căn đến gan thì có thể tiến hành phẫu thuật cắt khối u di căn gan, vì ung thư cổ tử cung là loại không đáp ứng nhiều với điều trị hoá chất.

 

Phương pháp PET-CT hiện đã có ở các cơ sở của Tập đoàn Parkway.



Kính chào bác sĩ, xin bác sĩ tư vấn cho tôi cụ thể: Từ tháng 1/2006 men gan của tôi tăng rất cao, lúc đầu là chỉ số GGT tăng đến 170, sau đó ALT & AST tăng cao có lúc lên đến 100 - 180. Tôi đã làm các xét nghiệm cho thấy : + Không nhiễm siêu vi B,C. + Gan không nhiễm mỡ. + Tôi không uống rượu bia, thuốc lá. Các bác sĩ ghi "không tìm thấy nguyên nhân, cho theo dõi". Kính mong bác sĩ cho tôi lời khuyên. Tôi xin cảm ơn.
(Đặng HỮu Thành, 35 tuổi, Nam, Bình Định, CBCNV)

BS Desmond Wai: Những nguyên nhân hàng đầu dẫn tới bệnh gan là viêm gan B, C, gan nhiễm mỡ, viêm gan do rượu. Nếu bạn không nằm trong số các trường hợp này (béo phì, uống rượu, viêm gan B, C) thì bạn cần tới các trung tâm về gan để bác sĩ xác định các nguyên nhân hiếm gặp khác như bạn có dùng thuốc đái tháo đường và một số loại thuốc không...

Chú tôi bị ung thư gan 4x5cm ở thuỳ gan 5, mới phát hiện cách đây 1 tháng, chú có bị viêm gan C. Chú tôi có người bạn từng phẫu thuật gan tại Singapore và được biết bên đó việc phẫu thuật gan tương đối an toàn. Tôi muốn hỏi chi phí cho một ca phẫu thuật gan như vậy ở Singapore là bao nhiêu? phải nằm viện bao lâu và có chữa khỏi được bệnh ung thư gan được không?
(Minh Thư, 25 tuổi, Nữ, 191 Bà Triệu, Phóng viên)

Giao lưu trực tuyến: Phòng ngừa và điều trị các bệnh về gan, ghép gan - 6

 TS. BSCKII Nguyễn Quốc Dũng (ảnh bên): Chú bạn cần làm đầy đủ xét nghiệm và chẩn đoán để khẳng định hoặc dự kiến khối u là loại gì, mức độ lan tràn cũng như khả năng di căn tại chỗ, hay đã di căn xa, trước khi xin ý kiến về vấn đề điều trị ngoại khoa. Ở Singapore hiện nay các trường hợp nghi ngờ ung thư đều được làm PET-CT trước khi tiến hành phẫu thuật. Nếu khối u đã có di căn xa, thường không có chỉ định ngoại khoa nếu khối u chưa ảnh hưởng đến các vấn đề chèn ép các cơ quan tổ chức lân cận.

 

BS. Tan Kai Chah: Với trường hợp này chú bạn bị cả viêm gan C nên cần được kiểm tra chức năng gan để kiểm tra xem gan có bị ảnh hưởng nhiều hay không, có di căn hay không (như bác sỹ Nguyễn Quốc Dũng đã đề cập). Trong trường hợp không có di căn xa và chức năng gan vẫn còn tốt thì bệnh nhân sẽ được chỉ định phẫu thuật. Chi phí dự kiến là 40.000 đôla Singapore và bệnh nhân sẽ nằm viện trong khoảng 5 ngày. Tỷ lệ thành công phụ thuộc nhiều vào tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân.



Mẹ tôi năm nay 58 tuổi, mắc bệnh viêm gan siêu vi C hơn một năm nay. Điều trị bác sĩ tư bên ngoài lúc thuyên giảm, lúc chuyển biến xấu. Mỗi tháng điều trị khoảng trên 10 triệu đồng. Xin cho biết hiện nay bệnh viện nào có thể đều trị bệnh gan tốt nhất? Đồng thời, tôi cũng đã mắc bệnh viêm gan siêu vi B gần 13 năm, nhưng khi đi bác sĩ ở các bệnh viện ho đều không cho uống thuốc chi cả, chỉ khuyên là 6 tháng tái khám 1 lần. Gần đây, đồng nghiệp của tôi thường bảo "sắc mặt tôi tái xám" không biết có phải do ảnh hưởng từ gan không? Trong khi chờ đợ câu trả lời, tôi xin chân thành cám ơn. (Hồ Thanh Tuấn, 31 tuổi, Nam, 338/10 Nguyễn Đình Chiểu P4,Q3, TPHCM, nhân viên văn phòng)

BS Desmond Wai: Đối với trường hợp của mẹ bạn, bệnh viêm gan C nếu không được điều trị thì nguy cơ dẫn tới ung thư gan và xơ gan rất cao. Tuy nhiên, rất may mắn là bệnh viêm gan C có thể chữa khỏi với tỉ lệ thành công là từ 60 - 80%. Tỉ lệ thành công tuỳ thuộc vào gien của siêu vi mà mẹ bạn nhiễm. Ví như với gien loại 1 thì cần điều trị trong vòng 1 năm và tỉ lệ chữa khỏi bệnh là 60%. Còn đối với gien loại 2 - 3 thì thời gian điều trị là 6 tháng và tỉ lệ thành công là 80 - 90%.

Tất nhiên, quá trình điều trị cũng có tác dụng phụ và vì thế bệnh nhân cần được đến các trung tâm gan uy tín và được các bác sĩ giàu kinh nghiệm theo dõi và có phác đồ điều trị thích hợp.

Với trường hợp của bạn, việc khám định kỳ đã được bạn thực hiện rất tốt và bác sĩ khuyên bạn nên kiểm tra 6 tháng/lần cũng là một bác sĩ tốt. Còn về màu da tái xám của bạn, nếu bạn nghi ngờ là do gan gây ra thì bạn nên kiểm tra mắt xem mắt có vàng không bởi thông thường, tròng mắt của người châu Á có màu trắng. Bạn cũng có thể kiểm tra nước tiểu có màu vàng sẫm. Nếu sau khi kiểm tra mà bạn không thấy có 2 triệu chứng này thì có thể là da bạn bị "cháy nắng" (cười).

Còn nếu bạn quá lo lắng thì bạn có thể đi kiểm tra lượng bilirubin trong máu.

Giao lưu trực tuyến: Phòng ngừa và điều trị các bệnh về gan, ghép gan - 7

 

Xin các bác sĩ cho biết bệnh nhân ung thư gan ở giai đoạn chưa di căn có thể điều trị khỏi hoàn toàn không? Xin cảm ơn.
(Hồng Nga, 28 tuổi, Nữ, 12 Yên Ninh, Nhân viên)

BS Desmond Wai: Chào bạn. Đây là một câu hỏi thú vị. Bệnh ung thư gan chưa di căn thì tuỳ thuộc vào vị trí của khối u, BS sẽ có phương pháp điều trị thích hợp. Nếu khối u chỉ có ở thuỳ gan trái hoặc chỉ có ở thuỳ gan phải thì bệnh nhân sẽ được cắt bỏ khối u gan. Đây là một phương pháp điều trị chữa khỏi cho bệnh nhân. Nhưng nếu cả 2 thuỳ gan đều có khối u, hoặc là có kèm xơ gan tiến triển thì bệnh nhân không thể phẫu thuật được. Trường hợp này nếu ghép gan tại Trung tâm Bệnh gan và ghép gan châu Á - bệnh viện Gleneagles thì tỉ lệ chữa khỏi có thể lên tới 60 - 85%, tuỳ thuộc vào kích thước khối u.


Chồng tôi có 1 hạt nhỏ khoảng 1cm ở gan nhưng bs chưa xác định được là gì, họ nói phải đợi 2 tháng nữa mới biết đó có phải ung thư không. Xin cho hỏi biểu hiện đau nhói ở gan có phải ung thư không? Bệnh có lây không? Vợ chồng tôi muốn có con trong giai đoạn này có được không? (thai duy thuy vy , 24 tuổi, Nữ, viet nam , sinh vien)

TS. BSCKII Nguyễn Quốc Dũng: Trong những trường hợp như của chồng bạn, trước tiên cần làm tất cả các xét nghiệm về viêm gan và chức năng gan, tìm các yếu tố có nguy cơ cao như tuổi, điều kiện thuận lợi gây ung thư như nghiện rượu, tiếp xúc với những người có viêm gan B hay C. Nếu tổn thương ở gan chỉ 1cm mà tất cả các yếu tố xét nghiệm khác bình thường thì tốt nhất là theo dõi hình ảnh siêu âm để đánh giá quá trình tiến triển, chụp cắt lớp vi tính, có tiêm thuốc cản quang 3-4 thì để dự kiến bản chất nốt tổn thương.

 

Theo tiêu chuẩn hiện nay trên thế giới, những khối u có đường kính trên 2cm thì nguy cơ gây ung thư sẽ cao hơn nhiều so với khối u nhỏ như của chồng bạn. Mặt khác, những khối u không có dấu hiệu tăng mạch trên siêu âm Doppler hay chụp cắt lớp thì ít nguy cơ hơn. AFP là một tiêu chí quan trọng để theo dõi nguy cơ ung thư.

 

 

BS. Tan Kai Chah: Về trường hợp của chồng bạn, thứ nhất là nốt 1cm thì khó có thể trả lời là đã ung thư hay chưa. Thứ hai, nốt 1cm thường không gây đau nên trong trường hợp này bệnh nhân nên được khám định kỳ, tốt nhất là sau 6 tháng đế xem khối u có phát triển hay không. Đồng thời, cũng cần đưa chồng bạn đi kiểm tra về viêm gan. Trong thời gian 6 tháng trước khi xét nghiệm lại, các bạn hoàn toàn có thể lên kế hoạch sinh con, việc này không ảnh hưởng gì.



Cách đây 3 tháng tôi cắt túi mật do bị Poluyt và viêm túi mật, 2 tháng sau tôi scan bụng thì phát hiện có Hemangiome ở Gan kích thước 1*1*1,2cm. Xin bác sỹ cho biết 2 bệnh trên tôi nên chữa trị như thế nào? Ảnh hưởng gì về sau? Có bị chuyển hoá ung thư không? (Nguyễn Thanh Hải, 35 tuổi, Nam, 12 truong chinh - TP Hue, cán bộ)

BS. Tan Kai Chah: Hemangiome là một dạng u máu trong gan, tổ hợp các mao mạch tập hợp trong gan và đa phần các khối u máu đều là lành tính, hiếm khi chuyển thành ác tính hay ung thư. Kích thước 1x1x1,2cm là khá nhỏ và sẽ không gây ra bất cứ vấn đề gì, không cần điều trị bằng phẫu thuật, cũng như không cần tiến hành sinh thiết vì việc này có thể gây ra hiện tượng chảy máu.

 

TS. BSCKII Nguyễn Quốc Dũng: U máu thường được phát hiện tình cờ qua kiểm tra sức khỏe và không mang yếu tố nguy hiểm nên tỷ lệ phát hiện tình cờ chiếm 1-3% ở người khoẻ mạnh. Những khối u lớn hơn 5cm mới cần xin ý kiến tư vấn để can thiệp.

 



Phiền bác sĩ phân biệt giúp tôi giữa bệnh viêm gan B và viêm gan C, hai bệnh này khác nhau như thế nào?
(Hoài Thu, 25 tuổi, Nữ, Hà Nội, Nhân viên văn phòng)

Giao lưu trực tuyến: Phòng ngừa và điều trị các bệnh về gan, ghép gan - 8
BS Desmond Wai: Viêm gan B rất phổ biến ở châu Á và cụ thể ở Việt Nam, tỉ lệ nhiễm bệnh là từ 10 - 15%. Viêm gan B lây truyền qua 3 đường:

- Đường máu

- Từ mẹ sang con

- Quan hệ tình dục (khi 2 bên đều có xây xát ở vùng kín)

Viêm gan C không phổ biến ở các nước châu Á và không phổ biến ở Việt Nam. Hầu hết những người mắc viêm gan C đều có tiền sử được truyền máu trước đó. Ngay cả ở Mỹ, những người mắc viêm gan C chủ yếu qua truyền máu và dùng chung bơm kim tiêm ở những người nghiện hút.

Còn ở Việt Nam và những nước đang phát triển khác, bệnh viêm gan C chủ yếu do dùng chung kim tiêm, xăm mình và đeo khuyên...

Cả 2 bệnh viêm gan B và C đều có nguy cơ cao dẫn tới ung thư gan và xơ gan. Tuy nhiên cả 2 bệnh này đều có thuốc điều trị hiệu quả.



Tôi phát hiện ra mình có HBsAG (+) từ năm 2002. Năm 2003 tôi đã điều trị bằng thuốc zeffix. Tôi kiêng rượu bia và chất béo, xét nghiệm kiểm tra định kỳ về gan. Tôi hay dùng các thuốc bảo vệ gan như BOBINA, VG5, Giảo cổ lam. Kết quả xét nghiệm tháng 2/2007 của tôi như sau:HBsAG (+), HBeAG (-) AntiHBeAG (+), GOP 58, GPT 70. HBV-DNA (+),HBV-DNA định lượng: 2,87 x10 mũ 4, AFP 2,56 iu/ml, siêu âm gan nhu mô gan tăng âm (gan nhiễm mỡ). Xin được tư vấn về chế độ ăn uống, làm việc nghỉ ngơi và cách điều trị? Xin cảm ơn nhiều.
(Quang Huy, 37 tuổi, Nam, số 2 Đại Cồ Việt - HN, quản lý)

BS. Tan Kai Chah: Trường hợp điều trị bằng Zeffix như vậy là quá lâu nên có khả năng kháng thuốc. Vì vậy, bạn nên kiểm tra xem đã bị kháng thuốc chưa. Nếu đã kháng thuốc nên chuyển sang dùng Hepsera và Baraclude. Đồng thời, bạn nên đến gặp một bác sỹ chuyên khoa gan để được tư vấn.



Tôi phát hiện bị nhiễm viêm gan B cách đây 1 năm và cảm thấy rất tuyệt vọng vì tương lai phía trước coi như đã khép lại, chẳng có sức khoẻ chẳng còn gì ý nghĩa. Tôi muốn lập gia đình cũng ko được vì biết chẳng biết lúc nào mình sẽ chết. Tôi phải làm sao bây giờ?
(huong, 22 tuổi, Nữ, Hanoi, SV)

 

BS Desmond Wai: Việc trước tiên là bạn không nên tuyệt vọng bởi có 10 - 15% dân số Việt Nam nhiễm bệnh này và ở Trung Quốc cũng vậy (10%). Bạn không phải là người duy nhất mắc bệnh. Bạn đừng lo lắng và hãy đi kiểm tra sức khoẻ định kỳ 6 tháng một lần như tôi đã hướng dẫn ở câu hỏi phía trên. Nếu như bệnh có diễn tiến xấu thì hiện cũng có những loại thuốc có khả năng ức chế bệnh rất hiệu quả. Kể cả nếu như viêm gan B dẫn tới ung thư gan thì khi phát hiện ở giai đoạn sớm, tỉ lệ chữa khỏi cũng rất cao. Bạn vẫn có thể lấy chồng và sinh con nhưng lưu ý là người chồng tương lai phải được tiêm phòng trước khi có quan hệ tình dục.

Tôi mong bạn sẽ sống lạc quan bởi yếu tố tinh thần cũng rất quan trọng. Rất nhiều người trên thế giới cũng bị như bạn nhưng hầu hết đều có một cuộc sống bình thường.



Bố tôi xưa bị xơ gan và đã mất, anh tôi giờ cũng bị Viêm gan B, men gan cao và ngày lại càng có dấu hiệu tăng, liệu có khả năng anh tôi sẽ bị như bố tôi ko? Đây có phải là bệnh di truyền? Anh tôi đã cần ghép gan chưa?
(Nguyễn Lương, 25 tuổi, Nữ, Hoàng Quốc Việt,Cầu Giấy,Hà Nội, kỹ sư xây dựng)

BS. Tan Kai Chah: Nếu bố bạn đã mất vì xơ gan, đặc biệt khi anh bạn bị viêm gan B và tăng men gan tức là viêm gan B hoạt động, khả năng dẫn đến ung thư gan sẽ cao hơn. Bệnh nhân cần được tư vấn với một bác sỹ chuyên khoa gan để đánh giá tình trạng bệnh, từ đó có biện pháp điều trị kịp thời.



Xin cho hỏi sỏi trong gan có nguy hiểm không? Cách điều trị như thế nào? Đang có thai mà nhiễm virus viêm gan B có ảnh hưởng như thế nào đến mẹ và em bé? Cách điều trị? Cảm ơn bác sĩ.
(Nguyễn Thu Anh, 30 tuổi, Nữ, 7 Láng Hạ, Cán bộ)

BS Desmond Wai: Thông thường sỏi chỉ có ở thận và có khoảng 10% dân số có sỏi trong thận. Tuy nhiên, có rất ít người có sỏi ở trong gan và thường gặp ở người châu Á. Sỏi trong gan thường dẫn tới các bệnh như: vàng da, đau bụng, viêm gan.

Tại trung tâm bệnh gan của Parkway, chúng tôi điều trị sỏi trong gan bằng phương pháp tán sỏi qua da (ERCP). Phương pháp này do bác sĩ chuyên khoa nội - tiêu hoá thực hiện. Trong trường hợp sỏi có kích thước lớn và ở vị trí nguy hiểm, không thể dùng phương pháp tán sỏi qua da thì sẽ thực hiện phương pháp phẫu thuật lấy sỏi.

 

Giao lưu trực tuyến: Phòng ngừa và điều trị các bệnh về gan, ghép gan - 9



Tôi được các bác sĩ Việt Nam chẩn đoán xơ gan giai đoạn 3 cách đây 3 năm, nhưng các xét nghiệm tìm virus viêm gan A, B, C, D âm tính, còn các xét nghiệm tự miễn như tế bào Hargrave, ANA, DNA...không rõ ràng. Cách đây 2 tháng tôi đi khám thì kết quả siêu âm cho thấy gan nhu mô không đều, không có dịch tự do ổ bụng, các xét nghiệm đánh giá chức năng gan trong giới hạn bình thường. Bác sĩ có thể cho tôi biết nguyên nhân gây tình trạng xơ gan của tôi? Để chẩn đoán, tôi nên làm thêm xét nghiệm gì và cách điều trị trong giai đoạn tiếp theo của tôi để tôi có thể nâng cao chất lượng cuộc sống của mình cũng như kéo dài thời gian sống của mình.
(Minh Tiến, 45 tuổi, Nam, 363 Kim Mã, Giáo viên)

BS. Tan Kai Chah: Nguyên nhân gây xơ gan không đơn thuần do viêm gan A, B, C hay D mà có thể do uống nhiều đồ uống có cồn như bia rượu, hoặc viêm gan tự miễn... vì vậy bạn nên đến khám tại một trung tâm về gan để xác định rõ nguyên nhân. Việc điều trị phụ thuộc vào kết quả chẩn đoán. Nhiều khả năng trường hợp của bạn cần tiến hành sinh thiết tế bào gan để có hướng điều trị phù hợp.



Bố tôi bị Ung thư gan 5cmx5cm hiện đang điều trị hoá chất được 2 tháng. Vậy sau điều trị hoá chất có thể sử dụng phương pháp nút mạch (TACE)hoặc phương pháp khác được không. Xin chân thành cảm ơn.
(dang ngoc binh, 30 tuổi, Nam, 59lythuong kiet - HN, ke toán)

TS. BSCKII Nguyễn Quốc Dũng: Khối u này cần xác định xem có tăng mạch không thì mới có chỉ định làm TOCE. Các trường hợp khối u kèm them huyết khối trong tĩnh mạch cửa hay các trường hợp xơ gan tiến triển phối hợp, lách to hay dịch ổ bụng là các yếu tố không thuận lợi cho làm TOCE. Các phương pháp khác như tiêm cồn, điều trị bằng sóng siêu âm tần số cao là các phương pháp không cần phải can thiệp mổ xẻ nhưng hiệu quả còn hạn chế.

 

BS. Tan Kai Chah: Trường hợp như bố bạn, ung thư 5x5cm, để quyết định vấn đề tiếp theo, cần kiểm tra chức năng gan và xem có phải chỉ có duy nhất một khối u trong gan không. Nếu chức năng gan tương đối tốt và bệnh nhân chỉ có một khối u trong gan thì chỉ định phẫu thuật sẽ là tốt hơn cho bệnh nhân. Điều trị hóa chất không điều trị được ung thư gan mà chỉ có thể kéo dài cuộc sống trong một chừng mực nào đó nên phẫu thuật vẫn là lựa chọn tốt hơn đối với bệnh nhân bị ung thư gan.



 Kính chào các bác sĩ, xin các bác sĩ cho biết nguyên nhân và cách điều trị của mẹ tôi trong trường hợp như sau: Mẹ tôi phát hiện ra 1 khối u (8X10 cm) trong gan cách đây 6 tháng. Hiện tại mẹ tôi đang điều trị tại khoa Ung Bướu BV Bạch Mai,và các bác sĩ tại đây cho biết bà bị ung thư di căn đến gan chứ không phải nguyên phát từ gan, nhưng đã xét nghiệm toàn bộ cơ thể thì không phát hiện ra bộ phận nào bị ung thư cả.Hiện tại đã di căn đến xương và đang truyền hoá chất. Mong các bác sĩ cho biết trường hợp của mẹ tôi có thể chữa trị được không và kéo dài tuổi thọ được bao lâu. Và trên thế giới có bệnh nhân nào giống như mẹ tôi không tức là ung thư di căn đến gan và xương nhưng không phát hiện ra bộ phận nào bị ung thư cả.Có cách điều trị nào tốt đối với trường hợp như vậy không. Xin cảm ơn các bác sĩ.
(Hà Thi, 32 tuổi, Nam, 89b-Lý Nam Đế, kỹ sư)

BS. Tan Kai Chah: Tôi gợi ý bệnh nhân nên được kiểm tra bằng PET-CT vì trong một số trường hợp, biện pháp này có thể phát hiện nguyên nhân ung thư từ đâu. Nếu vẫn không thể phát hiện ung thư nguyên phát, bệnh nhân cần được làm sinh thiết khối u gan để xác định loại tế bào ung thư. Phương pháp điều trị phụ thuộc vào kết quả sinh thiết là tế bào vẩy hay tế bào biểu mô. Dựa vào đó, bác sỹ sẽ chọn phương pháp điều trị hoá chất phù hợp. 

 

TS. BSCKII Nguyễn Quốc Dũng: Hiện nay ở Việt Nam chưa có PET-CT. Trong trường hợp bệnh nhân chưa có điều kiện ra nước ngoài chẩn đoán thì có thể phối hợp 2 phương pháp:

+ Xạ hình

+ Cắt lớp vi tính đa dãy (64 lớp cắt toàn thân) hoặc cộng hưởng từ.

Các chỉ định này cần được cân nhắc dựa trên thăm khám lâm sàng và tổng hợp các xét nghiệm. PET-CT hiện nay được coi là chẩn đoán hình ảnh tốt nhất trong đánh giá và sự xâm lấn ung thư.



 Tôi bị gan nhiễm mỡ. Có cách nào điều trị dứt điểm? Cách ăn uống như thế nào để bệnh không nặng thêm ?
(Tran Duc Ha, 30 tuổi, Nam, Ha noi, kỹ sư tin học)
 
Giao lưu trực tuyến: Phòng ngừa và điều trị các bệnh về gan, ghép gan - 10

BS Nguyễn Thị Lan - Trưởng khoa Khám bệnh theo yêu cầu bệnh viện Việt Xô: Trong trường hợp của bạn, do không có các thông tin cụ thể về tình trạng sức khoẻ cũng như cách sinh hoạt hiện tại như: Bạn có béo phì, thừa cân không? Bạn có uống rượu bia không? Có tiền sử bệnh rối loạn mỡ máu không?... nên tôi không thể tư vấn cụ thể.

Tuy nhiên, nguyên tắc chung trong ăn uống với những người mắc bệnh gan nhiễm mỡ là:

- Hạn chế rượu bia

- Điều chỉnh chế độ ăn: giảm mỡ động vật, ít đạm từ thịt, tăng cường đạm từ cá, ăn nhiều rau, uống nhiều nước...



 Xin các BS cho biết: Gan nhiễm mỡ có là một trong nhiều nguyên nhân gây nên ung thu gan hay không? Khi đã chữa khỏi thì nguy cơ mắc lại có cao không?
(Minh Nguyệt, 26 tuổi, Nữ, Hà Nội, Kế toán)

BS Desmond Wai: Đối với bệnh gan nhiễm mỡ, tiến triển của bệnh thường trải qua nhiều giai đoạn và kéo dài trong 10 năm. Ở giai đoạn đầu là mỡ ở trong, giai đoạn 2 là viêm gan, giai đoạn 3 là nốt xơ hoá trong gan và giai đoạn 4 là xơ gan. Khi đến giai đoạn xơ gan thì nguy cơ ung thư gan là cao.

Nếu bạn bị gan nhiễm mỡ thì cần phải kiểm tra chức năng gan để xem men gan có tăng cao không. Nếu men gan bình thường thì bạn mới ở giai đoạn đầu.

Ngoài ra, như tôi đã trình bày ở trên, bạn nên rà soát lại các yếu tố nguy cơ như béo phì, tiểu đường, cholesterol cao, rối loạn mỡ máu... và kiểm soát các nguy cơ đó. Bởi nếu không kiểm soát tốt, ngay cả khi chữa khỏi, bạn vẫn có nguy cơ tái phát.



Xin cho hỏi sỏi trong gan có nguy hiểm không? Cách điều trị như thế nào? Đang có thai mà nhiễm virus viêm gan B có ảnh hưởng như thế nào đến mẹ và em bé? Cách điều trị? Cảm ơn bác sĩ.
(Nguyễn Thu Anh, 30 tuổi, Nữ, 7 Láng Hạ, Cán bộ)

BS Desmond Wai: Thông thường sỏi chỉ có ở thận và có khoảng 10% dân số có sỏi trong thận. Tuy nhiên, có rất ít người có sỏi ở trong gan và thường gặp ở người châu Á. Sỏi trong gan thường dẫn tới các bệnh như: vàng da, đau bụng, viêm gan.

Tại trung tâm bệnh gan của Parkway, chúng tôi điều trị sỏi trong gan bằng phương pháp tán sỏi qua da (ERCP). Phương pháp này do bác sĩ chuyên khoa nội - tiêu hoá thực hiện. Trong trường hợp sỏi có kích thước lớn và ở vị trí nguy hiểm, không thể dùng phương pháp tán sỏi qua da thì sẽ thực hiện phương pháp phẫu thuật lấy sỏi.


 

Giao lưu trực tuyến: Phòng ngừa và điều trị các bệnh về gan, ghép gan - 11

Phút thư giãn hiếm hoi trong buổi giao lưu
với hàng trăm câu hỏi của độc giả liên tục
gửi đến.

 

Ba tôi bị ung thư gan, bác sĩ nói không phẫu thuật, cho về nhà và có thể sống dài nhất là 6 tháng. Xin hỏi bệnh của ba tôi có thể chữa ở Singapore không? Chi phí là bao nhiêu?
(quynh, 30 tuổi, Nam, tp hcm, kinh doanh)

BS. Tan Kai Chah: Với thông tin ít như vậy, tôi đưa ra hai giả thiết: khối u quá lớn, hoặc u đã có di căn. Nếu khối u quá lớn không thể phẫu thuật, bệnh nhân vẫn có thể được kiểm tra bằng các bác sỹ có tay nghề về gan ở Singapore để có biện pháp điều trị phù hợp, có thể là ghép gan. Nếu khối u đã di căn rộng, hiệu quả điều trị sẽ kém hơn nhiều. Quan trọng nhất với trường hợp này là phải xác định được tại sao khối u này không phẫu thuật được. Bạn có thể chuyển hồ sơ với những thông tin chi tiết hơn cho văn phòng Bệnh viện Parkway tại Tầng 5 Số 91B Nguyễn Thái Học, Hà Nội.



 Tôi đã tiêm ngừa viêm gan B đầy đủ theo yêu cầu của viện Pasteur 07/10/06;07/11/06;07/05/07. Trường hợp của tôi đã tiêm ngừa đủ chưa?Có phải tiêm thêm 1 mũi nhắc lại gì không? Sau khi tiêm có bị nhiễm bệnh viêm gan B không? Bạn tôi bảo họ đã tiêm đủ nhưng vẫn bị, tôi băn khoăn quá, mong chương trình trả lời. Chân thành cảm ơn.
(Mỹ Dung, 27 tuổi, Nữ, 41/48 Tây Thạnh -Q. Tân Phú, nhan vien van phong)

 BS Nguyễn Thị Lan: Theo như lịch bạn thông báo thì bạn đã tiêm đủ và nguy cơ mắc bệnh là rất thấp (trừ khi vắc xin không được bảo quản đúng quy cách). Tốt nhất là bạn nên làm xét nghiệm kháng thể vi rút viêm gan B xem đã có trong cơ thể chưa, nếu có thì bạn hoàn toàn có thể yên tâm.

khi có thai được khoảng 3tuần, do chưa phát hiện có thai, tôi đã tiêm 1mũi viêm ganB (tức là mũi thứ 2 của đợt tiêm 3 mũi) sau đó phát hiện có thai tôi đã dừng không tiêm mũi thứ 3. Tôi tiêm như vậy sẽ có ảnh hưởng gì tới con tôi khi sinh ra không?
(trang, 26 tuổi, Nữ, hà nội, kế toán )

BS Nguyễn Thị Lan: Trong chống chỉ định đối với tiêm phòng viêm gan B thì phụ nữ có thai không được tiêm phòng. Vậy thì bạn nên tới phòng khám của bệnh viện chuyên khoa để được tư vấn.

Trong trường hợp bạn rất khó khăn trong sinh nở thì nên được theo dõi chặt chẽ và phải được siêu âm 3 - 4 chiều để theo dõi sự phát triển toàn diện của thai nhi.

 Xin hỏi bác sĩ cho biết triệu chứng của bệnh ung thư gan ,và cách điều trị loại bệnh này ? Xin chân thành cảm ơn
(Tien Cuong, 21 tuổi, Nam, Đinh Cong , hoc sinh )

 BS. Tan Kai Chah: Bệnh nhân ung thư gan thường có những biểu hiện sau: giảm cân, mệt mỏi, kém ăn, một số bệnh nhân sốt về đêm, đau nhói hạ sườn phải (có thể do xuất huyết trong khối u). Ngoài ra, những bệnh nhân viêm gan B và C cũng có nguy cơ ung thư gan cao.

 

Đối với những trường hợp này, cần đến bệnh viện khám định kỳ với những xét nghiệm đơn giản như xét nghiệm máu, xét nghiệm chỉ điểm khối u (kiểm tra chỉ số APF - phát hiện sớm ung thư), siêu âm ổ bụng.



Tôi bị viêm gan C type 6a, đã điều trị thuốc Pegasys được 6 tháng, xét nghiệm thấy âm tính nhưng 9 tháng sau bị tái phát. Xin bs cho ý kiến điều trị.
(hai, 29 tuổi, Nam, TP HCM, buon ban)
 
Giao lưu trực tuyến: Phòng ngừa và điều trị các bệnh về gan, ghép gan - 12
 BS Desmond Wai:
Chương trình điều trị viêm gan C phụ thuộc vào loại gien của vi rút đó. Trong trường hợp của bạn thì cần được điều trị từ 6 - 9 tháng. Tuy nhiên, sau khi điều trị 6 tháng mà bệnh vẫn bị tái phát thì chương trình điều trị sẽ phải quay lại từ đầu với thời gian kéo dài hơn (9 tháng).


Tôi mắc bệnh viêm gan B cấp tính, phát hiện bệnh được gần 1 năm, xét nghiệm cách đây 3 tháng là men gan cao, đã được cho dùng thuốc hạ men gan và bổ gan. Vừa rồi tôi mới phẫu thuật cột sống do bị thoát vị đĩa đệm, tôi rất hay dùng thuốc giảm đau Idarac, dùng được khoảng gần 300 viên. Xin hỏi các bác sĩ tôi có thể chữa bệnh viêm gan B bằng phương pháp và loại thuốc nào? Sau phẫu thuật gan của tôi có bị ảnh hưởng gì nhiều không? Việc tôi dùng thuốc giảm đau thường xuyên như vậy có tác hại gì không?
(Phạm Văn Đức, 22 tuổi, Nam, Lĩnh Nam, Thiết kế)

BS. Tan Kai Chah: Phẫu thuật cột sống không ảnh hưởng gì đến gan của bệnh nhân. Tôi có băn khoăn về việc bạn dùng quá nhiều thuốc giảm đau, vì nếu đã phẫu thuật thì phải giảm đau.

 

Do bạn không đề cập rõ đến phương pháp điều trị men gan cao và viêm gan B trước đây nên tôi gợi ý phương pháp điều trị viêm gan B chỉ bằng Zeffix, hoặc kết hợp với Hepsera hoặc Baraclude.



Xin chào bác sĩ! Mẹ tôi bị khối u gan kích thước 5.6x6.2cm được 2 năm nay. Bác sĩ khuyên về nhà uống thuốc nam, đến nay đi siêu âm thấy khối u phát triển chậm 5.8x6.3cm. Vậy mẹ tôi cần phải điều trị gì không? Điều trị ở đâu?
(Nguyen Hong Van, 26 tuổi, Nữ, Ba vi Ha tay, nhan vien)

BS. Tan Kai Chah: Theo tôi, trường hợp của mẹ bạn có thể không phải là ung thư gan vì đã điều trị thuốc nam mà khối u gần như không thay đổi. Đây có khả năng là một khối u máu hoặc u gan lành tính. Tuy nhiên, vẫn cần đưa mẹ bạn đến khám chuyên khoa gan để làm sinh thiết khối u để khẳng định lại tính chất của khối u là lành tính hay ác tính. Phương pháp điều trị sẽ phụ thuộc vào kết quả kiểm tra.

 

TS. BSCKII Nguyễn Quốc Dũng: Tiêu chuẩn Vàng để chẩn đoán khối u lành hay ác tính, hay loại tế bào vẫn là kết quả sinh thiết gan. Trong trường hợp bệnh nhân không muốn thực hiện, hoặc có những yếu tố nguy cơ gây khó khăn cho việc chọc sinh thiết thì cần dựa vào hai yếu tố. Thứ nhất là xét nghiệm, chủ yếu là AFP. Mốc chỉ số 400 đơn vị trở lên có thể coi là yếu tố xác định ung thư. Thứ hai là cần có hai phương pháp chẩn đoán hình ảnh: siêu âm Doppler màu đánh giá tưới máu u, hoặc chụp cắt lớp vi tính có thêm thuốc cản quang đánh giá huyết động học ngấm thuốc của u.



Tôi sinh con ở tuần thứ 36, cháu bị bệnh gan ở trẻ sơ sinh. sau khi điều trị tại viện Nhi TW và kết hợp uống thuốc tại nhà cháu đã hết vàng da, vàng mắt men gan vẫn cao nhưng chậm lớn (sinh 1,5kg bây giờ 6kg). Bệnh gan của cháu có khỏi hoàn toàn được không và nếu khỏi thì khi lớn cháu có vấn đề gì về gan nữa không?
(Le Thu, 29 tuổi, Nam, Ba Đình - HN, cán bộ)

 BS Desmond Wai: Hiện tượng vàng da ở trẻ sơ sinh thực ra là một hiện tượng rất thông thường và tự khỏi sau 7 - 10 ngày. Nếu sau thời gian trên mà không hết vàng da và men gan vẫn cao thì có thể cơ thể bé đang tiềm ẩn 1 bệnh nào đó nghiêm trọng hơn. Có một số khả năng ví dụ như: dị dạng đường ống mật (đường ống mật chưa hình thành do trẻ sinh non) hay viêm gan sơ sinh.

Tại Trung tâm gan của chúng tôi đã gặp rất nhiều trẻ như thế này và tuỳ mức độ nặng nhẹ mà có phác đồ điều trị thích hợp như: điều trị dùng thuốc, phẫu thuật và đôi khi là cả ghép gan. Về khả năng khỏi bệnh thì tuỳ thuộc vào tình trạng bệnh cũng như tính chất kịp thời trong điều trị bệnh.

Giao lưu trực tuyến: Phòng ngừa và điều trị các bệnh về gan, ghép gan - 13

Nhóm thực hiện cuộc Giao lưu trực tuyến

 

Hơn 2 tiếng đồng hồ qua, các bác sĩ của Bệnh viện Parkway và Bệnh viện Hữu Nghị Việt Xô đã làm việc hết sức mình để giải đáp một cách thấu đáo nhất 38 câu hỏi, trong tổng số gần 400 câu hỏi của độc giả gửi đến BBT báo Dân trí. Những câu hỏi chưa kịp giải đáp, chúng tôi sẽ chuyển đến các chuyên gia để có câu trả lời cho Quý độc giả. Nội dung trả lời sẽ được đăng tải trên mục Sức khoẻ của báo điện tử Dân trí trong thời gian sớm nhất.

Chúng tôi xin chân thành cảm ơn sự quan tâm theo dõi của Quý độc giả. Xin chân thành cảm ơn sự nhiệt tình cộng tác của Bệnh viện Parkway Singapore và các bác sĩ của Bệnh viện Hữu Nghị Việt Xô.


BBT Báo Dân trí

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm