Giẫm vào tổ ong vò vẽ, người đàn ông bị đốt 239 nốt nguy kịch

(Dân trí) - BS Nguyễn Trung Nguyên, Trung tâm chống độc (BV Bạch Mai) cho biết, bệnh nhân bị 239 nốt ong vò vẽ đốt. Trong khi với loại ong này, chỉ hơn 10 nốt đốt trở lên đã nặng. BS Nguyên cũng đưa ra hướng dẫn xử lý khi bị ong, côn trùng đốt và mức độ nào sẽ phải đưa đến viện.

Trước đó, ngày 7/9, ông L.V.N (50 tuổi, Tam Dương, Vĩnh Phúc) được gia đình đưa đến BV huyện, rồi chuyển lên BV tỉnh Vĩnh Phúc trong tình trạng hàng trăm vết ong đốt trên cơ thể. Đến 22 giờ đêm cùng ngày, bệnh nhân bắt đầu sốt và được chuyển đến Trung tâm chống độc (BV Bạch Mai) khoảng 2h sáng ngày 8/9.

Tại thời điểm nhập viện, bệnh nhân hôn mê, đã được BV Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc đặt ống thở.

Theo lời kể của người nhà bệnh nhân, ở ngay cây gần nhà có tổ ong vò vẽ làm ở độ cao tầm 10m. Gần trưa ngày 7/9, ông N. quyết định lấy tổ ong nên ngồi ở chạng 3 của câu để cưa cành nơi ong làm tổ. Khi cành cây có tổ ong rơi xuống đất, đầu tiên chỉ 1 – 2 con bay ra đốt.

Bệnh nhân vẫn trong tình trạng hôn mê bởi bị hơn 200 nốt ong đốt. Ảnh: H.Hải
Bệnh nhân vẫn trong tình trạng hôn mê bởi bị hơn 200 nốt ong đốt. Ảnh: H.Hải

Ông N. từ trên cây tụt xuống đất, luống cuống giẫm ngay phải tổ ong. Cứ thế, hàng trăm con ong túa ra bâu kín ông N. và đốt, gia đình nhìn thấy tìm đủ mọi cách để ngăn cản. Sau khi bị ong đốt, ông N. đau nhưng vẫn tỉnh táo.

BS Nguyên cho biết, hiện tại bệnh nhân bị tổn thương suy thận, tổn thương cơ, tổn thương máu và tụt huyết áp. Các bác sĩ đang áp dụng nhiều biện pháp điều trị tích cực như thở máy, lọc máu và dùng thuốc trợ tim mạch.

“Tuy nhiên đây là ca bệnh rất nặng, bởi đến 239 nốt đốt. Trong khi với ong vò vẽ nọc độc nguy hiểm, chỉ trên 10 nốt đốt đã nặng nề. Bệnh nhân cần theo dõi diễn tiến bệnh nhưng tiên lượng rất khó, nguy cơ tử vong cao”, BS Nguyên nói.

BS cũng cảnh báo, thời điểm ong hay đốt nhất là cuối hè, sang thu. Các ca bệnh nhập viện đa phần là vô tình bị ong đốt khi đi rừng, va phải tổ ong không quan sát.

Xử lý ong đốt tại nhà như thế nào?

BS Nguyên cho biết, với ong đốt có hai nguy cơ chính là:

Dị ứng với nọc ong: chỉ gặp ở người có cơ địa dị ứng, kể cả một nốt đốt cũng có thể bị dị ứng. Biểu hiện nhẹ thì là mày đay, ngứa, nặng thì khó thở, phản vệ (các dấu hiệu gợi ý hoặc báo hiệu phản vệ là đỏ da toàn thân hoặc mày đay toàn thân, khó thở, chóng mặt hoa mắt, ngất, nôn đau bụng ỉa chảy).

Lúc này cách xử trí cần đưa bệnh nhân tới khám ở cơ sở y tế. Nếu có dấu hiệu gợi ý dị ứng nặng thì để bệnh nhân nằm (nếu đứng có thể ngã, ngất do tụt huyết áp), cấp cứu theo điều kiện tại chỗ và gọi cấp cứu đưa tới cơ sở y tế gần nhất.

Nhiễm nọc độc: đặc biệt khi bị đốt từ 10 nốt trở lên: biểu hiện rất đa dạng từ đau nhiều, choáng, khát, tiểu ít dần, tổn thương cơ, suy thận, tan máu, rối loan động máu và tiểu cầu, có thể tổn thương các tạng khác. Cách xử trí:

Trường hợp bị ong đốt trên 10 nốt thì phải đến bệnh viện càng sớm càng tốt để được các bác sỹ truyền nhiều dịch, tiểu nhiều để thải độc hoặc theo dõi sát, trong thời gian chờ đợi chưa tới viện thì cần uống nhiều nước.

Nếu bị đốt (dù chỉ 1 nốt) nhưng ở vùng mặt, hàm và mang tai và cổ thì cũng cần đến cơ sở y tế gần nhất càng sớm càng tốt để được theo dõi và cấp cứu do có nguy cơ sưng nề chèn ép gây ngạt thở hoặc co thắt đường thở nguy hiểm.

Nếu số lượng nốt đốt từ vài nốt đốt đến 10 nốt có thể tăng cường uống nước và khám sớm tại cơ sở y tế.

Bị đốt 1 vài nốt có thể chỉ cần theo dõi sưng, nếu sưng nề rõ thì khám tại cơ sở y tế.

Hồng Hải