Giảm ung thư da nhờ cây xanh

Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, những người lúc còn bé bị cháy nắng nhiều thì sau này sẽ có nguy cơ mắc bệnh u hắc tố, một dạng nặng của ung thư da.

Cây cối đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường và cuộc sống không còn là chuyện mới mẻ. Tuy nhiên gần đây, các nhà khoa học tại Đại học Purdue (Mỹ) đã phát hiện thêm rằng cây cối còn góp phần làm giảm nguy cơ ung thư da, bảo vệ hệ thống miễn dịch và giảm tần suất bị đục thủy tinh thể nhờ hạn chế sự bức xạ tia cực tím (UVB) trên cơ thể con người ở nhiều mức độ khác nhau.

Cần “xanh hóa” khu dân cư

Các chuyên gia cho rằng UVB là tia gây tổn hại nhất trong sự phóng xạ từ hệ mặt trời vào bầu khí quyển. Nhà khí tượng học Richard Grant và nhóm nghiên cứu đã phát triển phương pháp tính toán 3 chiều ước lượng được sự phóng xạ UVB như thế nào dưới những cây có bóng râm khác nhau. Phương pháp này chỉ áp dụng đối với những nơi có thể nhìn xuyên lên bầu trời từ các tán cây (không phải là trong nhiều khu rừng rậm rạp).

Theo các chuyên gia, có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến lượng tia cực tím UVB như độ cao, vĩ độ, thời gian trong ngày và sự che phủ của cây. Áp dụng tất cả các yếu tố trên vào tính toán, họ cho biết ở những vùng có vĩ độ từ 15 đến 60 thì khi một người đứng trong ánh nắng mặt trời dưới cây cho 50% bóng râm sẽ bị cháy nắng trong khoảng 50 phút và dưới cùng cây ấy nhưng ở thời điểm cho 100% bóng râm sẽ hứng chịu nhiều UVB sau khoảng 100 phút. Họ nhấn mạnh các độ che phủ của nhiều tán cây chỉ mang lại lợi ích lớn nhất ở những vùng có vĩ độ cao từ 45 đến 60.

Rợp bóng cây xanh trên đường Tôn Đức Thắng, quận 1, TP HCM (Ảnh:
Hoàng Triều)
Rợp bóng cây xanh trên đường Tôn Đức Thắng, quận 1, TP HCM (Ảnh: Hoàng Triều)

Các nhà khoa học cũng lưu ý những người hoạch định mô hình kiến trúc đô thị và các khu dân cư nên quan tâm đến các nhân tố chống bức xạ tia cực tím bởi ở nhiều khu vực đông dân hoặc các khu liên hiệp công sở, đặc biệt là ở thành thị, thiếu rất nhiều cây cối.

Bảo vệ trẻ em đầu tiên

Ngoài ra, việc bảo vệ trẻ em khỏi những tia cực tím cũng rất cần thiết. Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, những người lúc còn bé bị cháy nắng nhiều thì về sau sẽ có nguy cơ mắc bệnh u hắc tố, một dạng nặng của ung thư da. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, nếu trẻ em mặc quần áo phong phanh, lại chơi nhiều giờ ngoài nắng thì đến năm 18 tuổi, thời gian ngâm mình dưới những tia bức xạ mặt trời của chúng chiếm 50% tổng thời gian hứng chịu bức xạ trong cả cuộc đời. Chính các phản ứng của da đối với phóng xạ tia cực tím sau đó có thể trở thành ung thư da.

Viện Y tế quốc gia Mỹ khẳng định các tia cực tím hoạt động giống như loại sóng cực ngắn (sóng vi ba) trên da. Những vết đỏ, sưng trên da có thể tiếp tục phát triển từ 12-24 giờ sau đó. Chúng làm tổn thương không chỉ da mà còn cả những tế bào của hệ thống miễn dịch nằm trên đó. Nói cách khác, phóng xạ tia cực tím cùng lúc đặt người ta vào nhiều rủi ro bị ung thư da và làm giảm khả năng của cơ thể chống chọi với bệnh tật.

GS Richard Grant cho biết thêm có những dấu hiệu cho thấy việc bảo vệ trẻ em chống lại tác hại của tia cực tím khác nhau giữa các hộ gia đình sống riêng lẻ ở nơi có nhiều cây cối và các hộ gia đình trong khu dân cư đông đúc nhưng thiếu cây xanh. Điều này củng cố thêm ý kiến của các thầy thuốc trên thế giới về tác dụng của cây cối và bóng râm trong phòng chống ung thư da do bức xạ.

Không gian xanh giúp phát triển nhận thức và trí nhớ

Trường học nhiều cây xanh có thể giúp trẻ em học tập tốt hơn và điều đó được các nhà khoa học Tây Ban Nha tại Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ Môi trường tại TP Barcelona xem là liệu pháp sinh thái.

Trong khảo sát được công bố trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences, nhóm nghiên cứu cho rằng môi trường cây xanh có thể giúp tăng cường chức năng nhận thức và kỹ năng ghi nhớ cũng như sức khỏe tâm thần nói chung của trẻ em. Các nhà khoa học đã thu thập dữ liệu về không gian xanh tại trường học, nhà ở và lúc đi lại của 2.600 học sinh từ 7 đến 10 tuổi, rồi khảo sát bằng những thử nghiệm về nhận thức được lặp lại nhiều lần qua máy vi tính. Họ ghi nhận sự phát triển về nhận thức cũng như trí nhớ và khả năng chú ý của trẻ trong không gian xanh xung quanh các em, đặc biệt là nơi trường học, tốt hơn so với trẻ ít được thụ hưởng môi trường cây xanh.

Nhóm nghiên cứu cũng lưu ý cây xanh không chỉ mang lại nhiều lợi ích cho trẻ mà cũng hết sức cần thiết cho sức khỏe của người trưởng thành. Theo đó, cây xanh giúp không gian yên tĩnh hơn, môi trường sạch hơn, giảm ảnh hưởng từ ô nhiễm khói bụi và tiếng ồn giao thông. Họ cho rằng tình trạng ô nhiễm không khí cũng có thể làm tăng nguy cơ trầm cảm, đột quỵ và sinh con bị bệnh tự kỷ ở thai phụ.

Tr.Lâm

Theo Bác sĩ Ngô Văn Tuấn

Người lao động