Giảm tải tuyến TƯ: Sẽ xếp hạng lại các bệnh viện?
(Dân trí) - “Trong phân tuyến này, bệnh viện hạng đặc biệt mà cứ khám, điều trị nội trú bệnh thường thì theo chúng tôi, bệnh viện nên xin tụt hạng”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thẳng thẳng bài tỏ tại Hội nghị về bệnh viện vệ tinh và phân tuyến kỹ thuật.
Ảnh minh họa
“Cào bằng” giá dịch vụ?
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, một phương án đang được tính đến trong phân tuyến, chuyển tuyến giữa các cơ sở khám, chữa bệnh, đó là tính đến yếu tố giá dịch vụ y tế. Theo đó, Bộ Y tế đang tính đến phương án tính giá dịch vụ giống nhau hết các tuyến.
“Ví dụ với ruột thừa, nếu chi phí thanh toán tại bệnh viện huyện là 500 nghìn, tỉnh là 1 triệu, trong khi bệnh viện trung ương 3 triệu, người ta sẽ đặt câu hỏi tuyến huyện mổ kém đâu mà giá rẻ thế? Khi đó, người dân sẽ vượt tuyến thẳng lên trên tuyến trung ương, chấp nhận đồng chi trả 30% vượt tuyến. Như thế chất lượng tuyến dưới không thể nâng lên được vì làm nhiều mới giỏi”, bà Tiến nói.
Người đứng đầu ngành y tế cũng chia sẻ kinh nghiệm của một số nước, ví dụ như tại Thái Lan, nếu bệnh nhân tự vượt tuyến, họ sẽ phải tự chi trả 100% chi phí khám chữa bệnh. Trong khi đó ở Việt Nam, giá dịch vụ y tế còn thấp, vượt tuyến vẫn được chi trả 30%, người dân sẵn sàng vượt tuyến. Bởi lẽ, không chỉ không yên tâm về trình độ tuyến dưới, mà về danh mục thuốc, có những thuốc chỉ được cấp ở bệnh viện tuyến trên.
“Đây là bài toán rất khó khi chúng tôi làm phân tuyến, chuyển tuyến. Tôi rất chia sẻ với bệnh viện tuyến tỉnh, đặc biệt tuyến huyện. Với tuyến trung ương, bệnh nhân đã chuyển lên thì không thể từ chối, thế thì bao giờ giảm tải được bệnh viện. Trong phân tuyến này, bệnh viện hạng đặc biệt mà các đồng chí cứ khám bệnh thường, vẫn điều trị nội trú những bệnh thường thì theo chúng tôi, bệnh viện nên xin tụt hạng”, bà Tiến thẳng thắn nói.
Thực hiện “chuyển ngược” bệnh nhân
Ông Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết theo dự thảo thông tư chuyển tuyến giữa các cơ sở KCB người bệnh được chuyển từ tuyến dưới lên tuyến trên khi bệnh vượt quá khả năng chẩn đoán và điều trị của cơ sở y tế tuyến dưới. Bệnh không phù hợp với danh mục kỹ thuật quy định, bệnh phù hợp với danh mục kỹ thuật của cơ sở khám chữa bệnh nhưng do điều kiện khách quan, cơ sở không đủ điều kiện chẩn đoán và điều trị.
Còn điều kiện để chuyển người bệnh từ tuyến trên về tuyến dưới là khi người bệnh đã được chẩn đoán, xác định, được điều trị qua các giai đoạn cấp cứu, tình trạng bệnh đã thuyên giảm, có thể tiếp tục điều trị ở tuyến dưới hoặc chuyển về tuyến dưới theo yêu cầu của người bệnh và người nhà bệnh nhân. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể chuyển giữa các cơ sở y tế cùng tuyến khi bệnh vượt quá khả năng chẩn đoán, điều trị của cơ sở y tế hoặc theo nguyện vọng của người bệnh.
Về việc “chuyển ngược” này, nhiều bệnh viện tuyến Trung ương chia sẻ lo lắng. Bởi khi bệnh nhân được điều trị ở tuyến trung ương, ví như mổ. Sau mổ lại chuyển bệnh nhân về tuyến dưới. Không may việc chăm sóc không đúng kỹ thuật, bệnh nhân bị nhiễm trùng thì khi đó ai sẽ chịu trách nhiệm?
Tại Hội nghị, điều mà nhiều đại diện bác sĩ từ tuyến xã, huyện, tỉnh băn khoăn nhất, đó là việc chuyển tuyến theo nguyện vọng của người bệnh mới được quy định khi bệnh nhân muốn “chuyển ngược” tuyến trên về tuyến dưới, còn với việc chuyển lên tuyến trên, không được thực hiện theo nguyện vọng của gia đình.
Ông Nguyễn Hoàng Sa, Trưởng Phòng nghiệp vụ - Sở Y tế Cà Mau cho rằng người bệnh muốn vượt tuyến, chuyển tuyến một phần do tâm lý thích điều trị ở các cơ sở khám chữa bệnh có chất lượng cao nhưng phần cũng vì ở tuyến cở chưa tạo được niềm tin cho người bệnh. Nếu người bệnh muốn chuyển tuyến, bệnh nhân cố giữ thì cũng có rất nhiều vấn đề băn khoăn.
Theo ông Sa, năm 2012 chỉ riêng BV Đa khoa tỉnh Cà Mau đã phải chi khoảng 5 tỉ đồng cho những bệnh nhân có BHYT đăng ký tại BV này nhưng vượt tuyến, chuyển tuyến lên các BV tuyến trung ương điều trị.
Trong danh mục kỹ thuật phân tuyến cũng quy định, trạm y tế xã phải thực hiện được kỹ thuật siêu âm, đẻ thường. “Quy định là vậy, nhưng trạm y tế xã không có máy siêu âm, chúng tôi cử người đi học về không được làm lâu dần cũng mai một. Trạm y tế cũng không có giá đỡ đẻ nên trạm y tế xã phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên. Quy định nhưng không đủ điều kiện thì khó có thể thực hiện”, Bác sĩ Võ Thị Thanh Sơn - Trạm trưởng Trạm y tế xã Tân Vinh (huyện Lương Sơn, Hòa Bình) chia sẻ.
Tăng thêm số giường bệnh ở các tuyến cuối, đặc biệt là 5 chuyên khoa. Hiện nayh, Bộ Y tế đề xuất xây dựng các BV mang tầm quốc tế ở xung quanh Hà Nội, gồm Bạch Mai 2, Việt Đức 2… Tuy nhiên, mọi nước không phải cứ xây mãi bệnh viện tuyến cuối mà vấn đề là ở chính các bệnh viện địa phương và vấn đề hệ thống y tế cơ sở thì mới giải quyết được vấn đề quá tải, giải quyết được công bằng trong dịch vụ y tế, tiếp cận dịch vụ. Trong đề án đó, xây dựng nhiều bệnh viện tỉnh với quy mô lớn như Ninh Bình, Lào Cai, Lai Châu. Tuy nhiên phải thực hiện được các kỹ thuật cao như tuyến trung ương, đẻ nhân dân chính vùng đó được hưởng các kỹ thuật.
Bộ trưởng Bộ y tế cũng chia sẻ, bản thân bà rất trăn trở về việc phân tuyến kỹ thuật này. Chính vì vậy, hội nghị có đủ các đại diện từ y tế tuyến xã, huyện, tỉnh, trung ương… để có những đóng góp hiệu quả thiết thực nhất, hợp lý nhất cho việc phân tuyến kỹ thuật.
“Liên quan nhiều đến vấn đề phân tuyến kỹ thuật, chúng tôi cũng tính đến việc không xếp hạng bệnh viện theo tuyến huyện, tỉnh, trung ương mà phân theo năng lực, từ đó sẽ phân tuyến. Bởi nếu phân theo tuyến huyện, tỉnh, trung ương thì bệnh viện huyện thì họ sẽ suốt đời là bệnh viện huyện. Trong khi đó, phân theo năng lực, những bệnh viện này thực hiện được tốt các kỹ thuật như tuyến tỉnh, trung ương thì họ cũng phải được xếp hạng tương đương”, bà Tiến chia sẻ.
Hồng Hải