Giảm tải bệnh viện lọt vào top 10 thành tựu y tế

(Dân trí) - Đề án giảm quá tải bệnh viện được hoàn thành, trình Chính phủ và bước đầu thực hiện quyết liệt các giải pháp giảm tải, tăng cường chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân… là một trong 10 thành tựu y tế nổi bật mà Bộ trưởng Bộ Y tế vừa công bố.

1. Quyết liệt giảm tải

Với công suất sử dụng giường bệnh nói chung là 111%, tại tuyến TƯ công suất sử dụng giường lên tới116% - 120%), đặc biệt trầm trọng ở các bệnh viện K (172%), BV Bạch Mai (168%), bệnh viện Chợ Rẫy (139%), BV Đa khoa Quảng Ngãi (130%)… Việt Nam là nước có tỷ lệ quá tải bệnh viện ở mức cao đến mức người đứng đầu ngành y tế thừa nhận: Chưa từng thấy ở những nước trong khu vực và trên thế giới.
 
Tình trạng quá tải bệnh viện trầm trọng ở các viện tuyến Trung ương. Ảnh: H.Hải
Tình trạng quá tải bệnh viện trầm trọng ở các viện tuyến Trung ương. Ảnh: H.Hải

Vì thế, việc hoàn thành Đề án giảm quá tải bệnh viện trình Chính phủ và bước đầu thực hiện quyết liệt các giải pháp tăng cường chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân. Đã và đang đưa vào sử dụng 1350 giường bệnh mới thuộc các chuyên khoa ung bướu, tim mạch, nội tiết tại tuyến Trung ương, từng bước góp phần giảm tải bệnh viện.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định: “Năm 2013, những bệnh viện “nóng bỏng” nhất sẽ giảm nhiệt. Hi vọng năm 2015, khi xây dựng được hệ thống bệnh viện vệ tinh với quân số Bạch Mai “kèm” 7 viện, Việt Đức 8, K 10, việc giảm tải sẽ có bước tiến rõ rệt. Khó khăn là đất cho các bệnh viện xây dựng cơ sở 2. Như vậy, muốn giải quyết một cách cơ bản quá tải phải ngoài 2015 ”.

2. Kiểm soát dịch bệnh
 
Dịch tay chân miệng nguy hiểm được kiểm soát.
Dịch tay chân miệng nguy hiểm được kiểm soát.
 
Đây cũng là một thành tựu nổi bật của ngành Y tế trong năm 2013, khi ngành Y tế đã tiến hành kiểm soát tốt các dịch bệnh mới nổi. Năm 2011, dịch tay chân miệng “hoành hành” với hơn 106.500 người mắc tay chân miệng 162 trường hợp tử vong. Đến năm 2012, ngành y tế đã khống chế dịch bệnh này, giảm tỷ lệ tử vong do bệnh tay chân miệng hơn 4 lần so năm 2011.
 
Đặc biệt đã phát hiện ra căn nguyên và khống chế thành công bệnh “lạ” viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân, lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam tại huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi.

3. Ứng dụng nhiều kỹ thuật y học hiện đại

Đã ứng dụng thành công nhiều kỹ thuật hiện đại trong y học tại Việt Nam như: ghép tủy đồng loại, ghép gan, tim, thận, kỹ thuật chẩn đoán di truyền v.v.v đem lại hy vọng mới cho bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

4. Luật Phòng chống tác hại thuốc lá được ban hành
 
Thuốc lá gây nhiều tác hại cho sức khỏe, nhưng đến gần 50% dân số Việt hút thuốc. Ảnh: Q.Phong
Thuốc lá gây nhiều tác hại cho sức khỏe, nhưng đến gần 50% dân số Việt hút thuốc. Ảnh: Q.Phong

Việt Nam là một trong những nước có tỉ lệ hút thuốc lá cao nhất thế giới với khoảng 50% dân số Việt hút thuốc. Thuốc lá gây ra 40 nghìn ca tử vong mỗi năm, chưa kể khói thuốc lá gây ảnh hưởng xấu tới rất nhiều đối tượng phải ngửi khói thuốc thụ động. Số người phải thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc lá thụ động ở VN rất cao. Có 70% phụ nữ và 50% trẻ em bị phơi nhiễm với khói thuốc lá ở nhà.

Trong bối cảnh Việt Nam là một trong 04 nước có tỷ lệ hút thuốc cao nhất thế giới, việc Bộ Y tế tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá là một thành công. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng góp phần giảm tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe của người dân Việt Nam, được các tổ chức quốc tế đánh giá cao.

5. Xây dựng lộ trình Bảo hiểm y tế toàn dân

Đến nay, mới chỉ có hơn 60% dân số tham gia BHYT và mức chi tiêu trực tiếp tiền túi của hộ gia đình ở mức khoảng 49% tổng chi y tế, trong khi đó, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, chi phí này không nên vượt quá 30%.

Ngày 27/9, Bộ Y tế đã trình Chính phủ Đề án thực hiện lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân giai đoạn 2012-2015 và 2020. Đây là chủ trương, chính sách quan trọng mang tính ưu việt và nhân văn của Đảng và Nhà nước ta.Chính phủ đề án BHYT toàn dân. Bộ Y tế cam kết sẽ nâng cao chất lượng khám chữa bệnh BHYT, đổi mới cơ chế tài chính. Mục tiêu đến năm 2015 giảm chi tiêu trực tiếp từ tiền túi của hộ gia đình xuống dưới 40%.

6. Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam

Bộ Y tế đánh giá, việc triển khai Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động là một thành công lớn.

Đề án này đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc sử dụng thuốc hiệu quả, giảm chi phí trong khám chữa bệnh, tạo điều kiện phát triển ngành công nghiệp dược Việt Nam.

7. Ngày Vệ sinh yêu nước

Năm 2012, Bộ Y tế đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 730/QĐ-TTg ngày 19/6/2012 về việc lấy ngày 02/7 hàng năm là Ngày Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân và Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 26/11/2012 về việc triển khai phong trào vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân, nhằm huy động toàn xã hội tham gia giải quyết những vấn đề vệ sinh liên quan đến sức khỏe, tiếp tục hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vệ sinh yêu nước từ 02/7/1958.

8. Đăng cai thành công Hội nghị của Tổ chức Y tế giới khu vực Tây Thái Bình Dương

Lần đầu tiên Bộ Y tế đăng cai tổ chức Hội nghị của Tổ chức Y tế giới khu vực Tây Thái Bình Dương lần thứ 63 tại Việt Nam, được Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới đánh giá là Hội nghị thành công và ấn tượng nhất. Hội nghị đã thu hút sự tham dự của 350 đại biểu đến từ 35/37 quốc gia, trong đó có 22 Bộ trưởng. Hội nghị đã thông qua được 09 Nghị quyết về các vấn đề y tế trọng tâm của Khu vực Tây Thái Bình Dương,

9. Đổi mới cơ chế tài chính trong lĩnh vực y tế

Lần đầu tiên sau 18 năm, đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định số 85/2012/NĐ-CP ngày 15/10/2012 về cơ chế tài chính của đơn vị sự nghiệp y tế công lập; liên Bộ Y tế và Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT-BYT-BTC, theo đó điều chỉnh 470/3000 giá dịch vụ y tế. Nghị định tạo một nền tảng để cải tiến, đổi mới cơ chế tài chính trong lĩnh vực y tế, từng bước chuyển dần đầu tư ngân sách của nhà nước cho cơ sở cung ứng dịch vụ sang cho người được hưởng thụ dịch vụ.

10. Tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định số 63/2012/NĐ-CP ngày 31/8/2012 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế
 
Nghị định ra đời cơ bản đã giải quyết được những vấn đề chồng chéo nhiệm vụ trong quản lý nhà nước giữa các bộ ngành và bổ sung đầy đủ chức năng, nhiệm vụ ưu tiên của ngành y tế.

 Tú Anh