Giảm sốt sẽ làm chậm sự bình phục?

(Dân trí) - Mùa đông này, hàng triệu bậc cha mẹ sẽ cho trẻ dùng thuốc giảm sốt. Nhưng nay nhiều bác sĩ và các nhà nghiên cứu tin rằng: các bậc phụ huynh và các bác sĩ đã lo lắng quá mức về tình trạng sốt ở trẻ.

 

Giảm sốt sẽ làm chậm sự bình phục? - 1


 

Sốt giúp giảm sự sinh sôi của vi trùng

 

Có những bằng chứng cho thấy sốt mang lại lợi ích. “Đây là một cách để cơ thể chống lại viêm nhiễm. Các virus và vi khuẩn rất nhạy với nhiệt độ. Mỗi khi thân nhiệt tăng lên đến 40oC thì tỉ lệ nhân bản của chúng sẽ bị giảm xuống”.

 

Nghiên cứu đăng trên tạp chí khoa học Lancet trên 50 trẻ bị sốt rét cho thấy thân nhiệt giảm sẽ làm chậm quá trình hồi phục của bệnh nhân.

 

Những bệnh nhân uống paracetamol và thuốc ký ninh sẽ kéo dài thời gian “đào thải” toàn sinh vật gây hại hơn so với những trẻ chỉ uống ký ninh là 16 tiếng.

 

Nghiên cứu ở ĐH Miami (Mỹ) cho thấy những bệnh nhân bị sốt 38o5 đã vội vã hạ sốt thì tình trạng sẽ xấu hơn những bệnh nhân chỉ điều trị khi sốt 40oC.

 

Và giảm sốt có thể làm chậm thời gian hồi phục sức khỏe bởi vì nhiệt độ cao giúp tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh. Cụ thể, các nhà nghiên cứu ở Bệnh viện Great Ormond Street cho biết: sau 4 tiếng, vi khuẩn viêm màng não sống trong môi trường 37oC sẽ sinh sôi nhanh hơn so với khi ở trong môi trường 40oC.

 

“Sốt là một trong những phản ứng quan trọng của cơ thể giúp kiểm soát sự “bành trướng” của các loại vi khuẩn trong giai đoạn đầu của bệnh”, các nhà nghiên cứu nhấn mạnh.

 

Nỗi lo co giật do sốt cao

 

Nhiều nghiên cứu cho thấy có 20-50% bậc cha mẹ cho con uống paracetamol hay ibuprofen liều cao để hạ sốt. Sốt được nhận biết qua tình trạng thân nhiệt vượt 37,5oC. Nỗi lo lắng lớn nhất thường là: đó có phải là biểu hiện cho 1 bệnh nghiêm trọng. Vậy nên nếu trẻ khó ngủ, có nổi mẩn, rét run, cứng cổ hay khó thở thì cần đi khám ngay. Nhưng hầu hết sốt là do tình trạng viêm nhiễm và nó sẽ tự hết sau vài ngày.

 

Tuy nhiên, các bậc cha mẹ lo rằng thân nhiệt tăng sẽ dẫn tới những rối loạn do sốt. “Ý nghĩ con sốt cao thường lớn hơn so với thân nhiệt thực tế. Và rồi họ tìm cách hạ sốt cho trẻ bằng mọi cách, kể cả dùng quá liều, bởi vì họ thực sự sợ những rối loạn cơ thể do sốt gây ra (chiếm 3-5% trẻ dưới 5 tuổi và chủ yếu là co giật toàn thân và không quá vài phút, hiếm khi kéo dài)”, BS Clinch nói.

 

 

“Sốt là triệu chứng chứ không phải là đặc trưng bệnh. Người ta cho rằng việc cho trẻ uống thuốc hạ sốt sẽ giúp trẻ thoải mái hơn nhờ tác dụng giảm đau (như đau họng chẳng hạn)”, BS Anthony Harden, phòng khám Chăm sóc sức khỏe ĐH Oxford, cho biết.

 

Những người đồng tình với quan điểm không dùng thuốc hạ sốt cho trẻ đã lấy dẫn chứng về hướng dẫn của Viện Sức khỏe và Y tế quốc gia Anh (NICE): “Không đều đặn cho trẻ uống các loại thuốc hạ sốt chỉ vì mục đích hạ thân nhiệt”.

 

GS Stephen Field, ĐH Hoàng gia, nhấn mạnh: “Không nên dùng thuốc hạ sốt ngay chỉ vì mục đích hạ thân nhiệt nhưng nếu bé khó chịu hoặc không thoải mái thì chúng tôi khuyên nên dùng thuốc”.

 

Minh Thu

Theo Dailymail