Giám đốc BV Thể thao Việt Nam chỉ ra những rủi ro khi chơi bóng đá phong trào

(Dân trí) - Liên tiếp các ca chấn thương nghiêm trọng xảy ra trong thời gian vừa qua trên “sân phủi” là minh chứng rõ ràng nhất cho những nguy hiểm, mà các cầu thủ nghiệp dư phải đối mặt trong môn thể thao vua.

Ở Việt Nam, bóng đá có thể được xem như một môn thể thao quốc dân, khi có sự phát triển mạnh mẽ và dành được sự yêu thích từ cấp độ phong trào quần chúng cho đến thi đấu chuyên nghiệp. Tuy nhiên, vì tính chất đặc thù với cường độ vận động cao và thường xuyên phải va chạm, tranh chấp nên đây cũng là một môn thể thao tiềm ẩn nhiều rủi ro về sức khỏe.

Giám đốc BV Thể thao Việt Nam chỉ ra những rủi ro khi chơi bóng đá phong trào - 1

Khác với bóng đá chuyên nghiệp, các cầu thủ thường xuyên được kiểm tra, tư vấn về sức khỏe, đặc biệt luôn có một đội ngũ y bác sĩ túc trực trên sân để xử lý kịp thời khi có bất kỳ chấn thương nào xảy ra, người chơi bóng đá phong trào lại ít được chuẩn bị tốt về mặt sức khỏe khi chơi bóng, cũng như không có sự hỗ trợ cần thiết để sơ, cấp cứu kịp thời khi không may có vấn đề xảy ra.

Liên tiếp các ca chấn thương nghiêm trọng xảy ra trong thời gian vừa qua trên “sân phủi” là minh chứng rõ ràng nhất cho những nguy hiểm mà các cầu thủ nghiệp dư phải đối mặt trong môn thể thao này.

Ngày 30/11, một học sinh lớp 7 đã tử vong khi bị bóng đập vào ngực - bụng; Ngày 29/11, một cậu bé 13 tuổi bị ngất xỉu, ngừng tuần hoàn khi bị bóng của bạn sút trúng bụng; vào đầu năm nay, một sinh viên cũng đã nhập viện trong tình trạng gãy dương vật, vỡ nát tinh hoàn khi bị bóng đập vào vùng kín.

Giám đốc BV Thể thao Việt Nam chỉ ra những rủi ro khi chơi bóng đá phong trào - 2

Tiến sĩ, Bác sĩ Võ Tường Kha, Giám đốc Bệnh viện Thể thao Việt Nam.

Chấn thương gân, cơ, xương khớp

Theo phân tích của TS.BS Võ Tường Kha, Giám đốc Bệnh viện Thể thao Việt Nam nguy cơ đầu tiên là chấn thương gân, cơ, xương khớp do không đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn tập luyện (giày, sân bãi, dụng cụ -bóng... không phù hợp), kỹ thuật cá nhân không tốt… “Bóng đá phong trào thường chơi ở sân cỏ nhân tạo, mặt sân này dễ gây chấn thương hơn so với sân cỏ tự nhiên” – TS.BS Võ Tường Kha cho biết.

Giám đốc BV Thể thao Việt Nam chỉ ra những rủi ro khi chơi bóng đá phong trào - 3

“Ở những vị trí tranh chấp, điều khiển và dốc bóng thường có nguy cơ cao bị chấn thương cơ đùi. Cấp độ nhẹ nhất của chấn thương cơ là căng cơ, đây là tình trạng các thớ cơ bị căng giãn đột ngột, mức căng vượt quá sức chịu đựng của cơ, loại chấn thương này có thể hồi phục sau khoảng vài ngày nghỉ ngơi.

Trường hợp nặng hơn, cầu thủ có thể bị rách bao cơ, kèm đứt các mạch máu và dẫn đến tụ máu, ở ngay phía dưới chỗ bị đứt sẽ thấy xuất hiện thâm tím. Nghiêm trọng nhất là trường hợp một số sợi cơ, nhóm cơ hay thậm chí là cả khối cơ bị đứt rời sẽ gây tụ máu rất lớn, đau dữ dội và nhiều hợp cần phải mổ để nối lại cơ đã bị đứt, thường mất đến nhiều tháng trời để có thể phục hồi. Trường hợp của Quang Hải là một ví dụ điển hình cho chấn thương rách cơ do lịch trình thi đấu dày đặc khiến cơ không thể phục hồi kịp kết hợp với va chạm trong quá trình tranh chấp bóng.”

Mất nước, mất điện giải, kiệt sức

Giám đốc BV Thể thao Việt Nam chỉ ra những rủi ro khi chơi bóng đá phong trào - 4

Thi đấu với cường độ cao dưới trời nóng bức sẽ gây ra hiện tượng mất nước, mất điện giải dẫn đến rối loạn cân bằng điện giải và muối khoáng. Bên cạnh đó, quá trình vận động khi chơi bóng đốt cháy năng lượng trong cơ thể rất nhanh, trong trường hợp lượng đường trong cơ thể cạn kiệt mà không được đáp ứng kịp thời sẽ gây ra tình trạng tụt đường huyết.

“Việc cơ thể bị mất điện giải rất nguy hiểm, bởi lúc này cơ thể mất đi canxi, kali, natri gây rối loạn hoạt động của tế bào, rối loạn hoạt động hệ tuần hoàn, dẫn đến chuột rút thậm chí là đột qụy, ngưng thở, ngừng tuần hoàn. Hiện tượng tụt đường huyết khi chạy bộ dẫn đến tụt huyết áp, lúc này việc máu lên não kém có thể gây ngất xỉu, tai biến mạch máu não.” – TS.BS Võ Tường Kha nhấn mạnh

Tử vong khi bị bóng đập trúng ngực –bụng?

Giám đốc BV Thể thao Việt Nam chỉ ra những rủi ro khi chơi bóng đá phong trào - 5

Phân tích về trường hợp tử vong sau khi bị bóng đập trúng ngực – bụng (y học gọi là vùng đám rối dương), Giám đốc Bệnh viện Thể thao Việt Nam cho biết: “Trong trường hợp này, quả bóng đã đập vào đám rối dương nằm ở vùng sau ức, gây phản xạ ngừng tim, ngừng tuần hoàn dẫn đến tình trạng máu không lên được não nên nạn nhân sẽ bị rơi vào trạng thái hôn mê. Trong trường hợp này, cần đưa nạn nhân đến ngay các cơ sở y tế để cấp cứu, biện pháp sơ cứu có thể thực hiện ngay tại chỗ trong khi chờ lực lượng y tế đến là ép tim lồng ngực và hà hơi thổi ngạt.”

Theo TS.BS Võ Tường Kha, chấn thương này cũng thường xảy ra trong môn Boxing, khi võ sĩ bị đấm trúng ngực – bụng có thể ngất xỉu và ngừng thở ngay trên sàn đấu.

Rủi ro đến từ các bệnh lý tiềm tàng

Giám đốc BV Thể thao Việt Nam chỉ ra những rủi ro khi chơi bóng đá phong trào - 6

Tùy theo thể trạng cũng như các yếu tố di truyền, trong cơ thể của chúng ta có thể tiềm ẩn một số bệnh lý, đặc biệt là bệnh về tim mạch sẽ chỉ phát sinh khi cơ thể đạt công suất tối đa. “Tốt nhất khi có ý định tham gia các môn thể thao, đặc biệt là với trẻ nhỏ, nên thăm khám tại các cơ sở y tế để kiểm tra tình trạng sức khỏe, cũng như bệnh lý tiềm tàng, để lựa chọn được môn thể thao phù hợp, cũng như có biện pháp phòng ngừa rủi ro cho bản thân.” – TS.BS Võ Tường Kha khuyến cáo.

Minh Nhật