1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Giám đốc BV Phụ sản Trung ương: Lo lắng vì tăng mạnh tỉ lệ mổ lấy thai

(Dân trí) - PGS.TS Trần Danh Cường, Giám đốc BV Phụ sản Trung ương thẳng thắn đánh giá, tình trạng mổ đẻ tại Việt Nam đang tăng nhanh. Là bác sĩ, ông thấy lo lắng vì tình trạng tăng nhanh chóng tỉ lệ mổ lấy thai.

50% là mổ lấy thai

Theo PGS.TS Trần Danh Cường, mổ lấy thai tăng là xu thế chung của thế giới, không riêng gì ở Việt Nam. Nhưng là một người chuyên ngành phụ sản ông thấy lo lắng, thấy không thoải mái, không thích sự gia tăng vì xu thế này.

Giám đốc BV Phụ sản Trung ương: Lo lắng vì tăng mạnh tỉ lệ mổ lấy thai - 1
PGS.TS Trần Danh Cường, Giám đốc BV Phụ sản Trung ương siêu âm sàng lọc trước sinh cho thai phụ.

“Tôi phải thẳng thắn nói, tôi không thích chút nào khi tỉ lệ mổ lấy thai đang gia tăng kinh hoàng. Tại Việt Nam (cụ thể là tại BV Phụ sản Trung ương), tỉ lệ mổ lấy thai là 50%. Có những nước tỉ lệ này là 80%; Trung Quốc là 60-70%. Ở các nước Châu Âu tỉ lệ mổ thấp hơn”, PGS Cường cho biết.

Theo đó, giai đoạn 2010-2014, trong tổng số 105,543 ca đẻ tại BV Phụ sản Trung ương, số đẻ mổ chiếm 51,401 ca. Tương tự, trong giai đoạn 2015-2019, trong 110,390 ca sinh thì có hơn 68 nghìn ca mổ đẻ.

Theo PGS Cường, tỉ lệ mổ đẻ tại BV Phụ sản Trung ương chiếm đến 50%, là do đây là bệnh viện tuyến cuối về sản khoa. Các bệnh nhân mổ đẻ chủ yếu là thai bệnh lý (con quý hiếm doạ đẻ non, thai chậm phát triển, tiền sản giật, rau cài răng lược...) thai mổ khó, vết mổ cũ từ các nơi khác chuyển về. Đây là những lý do đóng góp vào tỉ lệ mổ tương đối cao. 

"Với những đối tượng này, chỉ định mổ là bắt buộc không thể làm khác. Việc mổ đẻ cũng ảnh hưởng đến việc triển khai tiếp xúc da kề da vì em bé nhỏ, bà mẹ phải chăm sóc đặc biệt", PGS Cường cho biết.

Ngoài ra, theo Giám đốc BV Phụ sản Trung ương, tỉ lệ mổ đẻ lấy thai gia tăng cũng do tác động từ xã hội. Hiện nay, hệ thống khám chữa bệnh theo yêu cầu rất phát triển, vì áp lực, vì nhu cầu của thai phụ mà bác sĩ tiến hành mổ lấy thai (dù có thể không có chỉ định).

Yếu tố áp lực xã hội, truyền thông cũng khiến bác sĩ đắn đo trong việc theo dõi đẻ thường các ca khó do lo ngại biến chứng xảy ra trong quá trình theo dõi, đẻ.

Trong đó, PGS Cường đặc biệt lưu ý tỉ lệ mổ đẻ tăng trên các bệnh nhân có vết mổ cũ. Để giảm được tỉ lệ mổ đẻ, phải giảm đẻ mổ ở con so, vì với người đã mổ sinh lần đầu, khi sinh thêm con, chỉ định mổ lại 100%.

Bên cạnh đó, phải tăng cường chuyên môn, chăm sóc thai nghén tốt theo dõi quá trình chuyển dạ, đẻ thường.

Nhiều kỹ thuật tiến bộ phòng tai biến khi sinh nở

PGS Cường cũng khuyến cáo các bà bầu, sinh thường là tốt nhất cho cả mẹ và em bé. Vì vậy, thai phụ cần có sự kiên trì, hợp tác, tin tưởng vào chỉ định của bác sĩ để theo dõi quá trình chuyển dạ.

Theo đó, khi đẻ thường, em bé trải qua quá trình dài từ chuyển dạ đến sinh nở, do vậy phổi được chuẩn bị rất tốt. Khi đi qua đường tự nhiên cũng giúp ép để dịch phổi trào ra ngoài, tránh hiện tượng chậm tiêu dịch phổi (gây tăng áp phổi).

Quá trình chuyển dạ, em bé được tác động trong buồng tử cung như một cuộc "nhào nặn" giúp phổi co giãn, chuẩn bị sự hô hấp của em bé sau đẻ rất tốt, giúp phòng bệnh màng trong sau mổ (vẫn gặp ở trẻ mổ đủ tháng). Bên cạnh đó, quá trình chuyển dạ cũng sẽ kích hoạt hệ thống nội tiết sau sinh tốt, người phụ nữ có sữa nhiều, thời gian phục hồi sau đẻ nhanh và phòng được biến chứng của phẫu thuật.

Theo PGS Cường, 10 năm trở lại đây, với việc áp dụng phác đồ mới trong điều trị, theo dõi tiền sản giật, 100% các ca tiền sản giật tại BV không xảy ra biến chứng. Hay phác đồ điều trị thai nhi với việc cứu sống những em bé chỉ 500 gram, khi được 25 tuần tuổi.

"Những em bé sinh non từ 700-800gram, đặc biệt từ 1,5kg trở lên là có cơ hội cứu sống", PGS Cường cho biết.

Bệnh viện Phụ sản Trung ương kỷ niệm 65 năm thành lập

Giám đốc BV Phụ sản Trung ương: Lo lắng vì tăng mạnh tỉ lệ mổ lấy thai - 2

Các thế hệ cán bộ của Bệnh viện Phụ sản Trung ương qua các thời kỳ.

Từ ngày đầu được thành lập 19/7/1955, trải qua 65 năm phát triển, hiện Bệnh viện Phụ sản Trung ương là cơ sở đầu ngành của chuyên ngành phụ sản, sinh đẻ kế hoạch và sơ sinh. Những đóng góp cho sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân của bệnh viện Phụ - Sản Trung ương được nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý‎:

  • Anh hùng Lao động năm 2010.
  • Huân chương Độc lập hạng Ba năm 2008.
  • Huân chương Lao động hạng Nhất năm 2002 và 1985.
  • Huân chương Lao động hạng Hai năm 1982.
  • Huân chương Lao động hạng Ba năm 1976.

Hồng Hải