Giải pháp trọn vẹn cho người hiếm muộn

Hầu hết các ngân hàng tinh trùng đều đang trong tình trạng “cạn vốn” vì hiếm người hiến tặng. Trung tâm Nam học và hiếm muộn Hà Nội đang chuẩn bị cho ra đời một ngân hàng tinh trùng dành riêng cho những người có nguy cơ “mất giống” cao.

Đó có thể là những người độc đinh trong gia đình, người làm nghề nguy hiểm... Họ gửi “giống” vào ngân hàng đề phòng cho chính mình sau này và cũng là cơ hội cho những cặp vợ chồng hiếm muộn. Với nguồn tinh trùng này, người cho và nhận đều không phải băn khoăn những “rắc rối” về huyết thống sau này.

 

Xếp hàng dài để “xin giống”

 

Theo thông tin từ bác sĩ chuyên ngành hiếm muộn thì hiện nay số người vô sinh và vô sinh thứ phát đang có chiều hướng gia tăng. Số người bị vô sinh thứ phát chiếm đến 50% là do nam giới. Thực tế tại Trung tâm Công nghệ phôi, Học viện Quân y và khoa Hiếm muộn của Bệnh viện Phụ sản T. Ư thì nhu cầu ngày càng tăng trong khi người hiến vẫn rất ít ỏi khiến ngân hàng cạn kiệt. Các ngân hàng thường phải cử người đi “kêu xin” nhưng không mấy người cho.

 

Theo ông Lê Anh Tuấn, Phó giám đốc Bệnh viện Phụ sản T.Ư thì bộ phận lưu trữ tinh trùng của bệnh viện hiện vẫn chưa thực hiện chức năng của một ngân hàng, nghĩa là có người cho và người nhận, mà chỉ là nơi khách hàng gửi tinh trùng vào bảo quản để dùng cho chính mình. Nguyên nhân chủ yếu là không có người hiến. Do đó, danh sách đăng ký xin tinh trùng ngày càng dài.

 

Anh Nguyễn Vĩnh A, thị trấn Tiền Hải, huyện Tiền Hải, Thái Bình có tên trong danh sách tâm sự: “Tôi lập gia đình đã 12 năm nhưng không thể giúp vợ sinh con. Nhận con nuôi thì sợ bất tiện về sau nên tôi muốn xin tinh trùng để thụ tinh nhân tạo. Nhưng ngân hàng không sẵn nên vợ chồng tôi vẫn phải đợi. Về mặt xã hội, hiến tinh trùng cũng là một việc làm mang tính nhân đạo nhưng nhiều người lại không sẵn lòng”.

 

Giáo sư Trần Văn Hanh, Giám đốc Trung tâm Công nghệ phôi (Học viện Quân y) cho biết, để giúp được những cặp vợ chồng thiếu may mắn, các bác sĩ của Trung tâm Công nghệ phôi phải đến tận địa phương vận động từng người, mong họ cảm thông với những cặp vợ chồng không may mắn. Tuy nhiên, tỷ lệ thành công sau những cuộc trò chuyện không nhiều.

 

Thậm chí, GS Trần Văn Hanh phải trực tiếp xuống các đơn vị quân đội, nhà máy, xí nghiệp, cơ quan... để “xin” tinh trùng, ông tâm sự: “Đây là một việc tế nhị cần sự khéo léo. Cùng cánh đàn ông với nhau nói chuyện dễ hơn. Ban đầu là thủ thỉ tìm sự cảm thông của họ với những cặp hiếm muộn... rồi sau đó ngỏ ý “xin”. Khi đã biết nguyện vọng là thật thì họ phân vân nhưng tỷ lệ người cho rất ít.

 

Hơn nữa, một số quy định về hiến tinh trùng trong Nghị định về sinh con theo phương pháp khoa học (như người hiến phải ở độ tuổi 20 - 40, đã có con, chỉ được cho một lần, miễn phí...) đã góp phần thu hẹp đối tượng hiến. Việc tuân thủ nguyên tắc vô danh cũng là một nguyên nhân. Vì như vậy các cặp vợ chồng vô sinh không được phép tự tìm người hiến mà phải hoàn toàn dựa vào ngân hàng.

 

Ngân hàng tinh trùng không “rắc rối”

 

Trong khi ngân hàng tinh trùng nhiều nơi đang “kẹt vốn” thì tại Trung tâm nam học và hiếm muộn Hà Nội vẫn có “hàng” để đáp ứng. TS. Lê Vương Văn Vệ, GĐ Trung tâm cho biết: hiện tại trung tâm vẫn đủ tinh trùng để đáp ứng cho bệnh nhân. Các bệnh nhân đến đây không phải chờ lâu, thủ tục dễ dàng.

 

Theo TS. Vệ, đến thời điểm này Trung tâm vẫn có khả năng đáp ứng đủ nhu cầu cho bệnh nhân nhưng nếu sau này tình trạng khan hiếm có xảy ra thì vẫn “kén” rất kỹ đối tượng hiến tặng. Theo quy định người cung cấp mẫu đều được xét nghiệm HIV, viêm gan, giang mai, đặc biệt là xét nghiệm nhiễm sắc thể, phải đảm bảo điều kiện dưới 40 tuổi, đã có con, gia đình 3 đời không có bệnh tâm thần... Ngoài ra, họ còn được tuyển chọn về hình thức, tri thức để đảm bảo các cháu sinh ra đều khỏe mạnh và phát triển bình thường. Sau này, khi nguồn hiến nhiều hơn, có thể sẽ chọn người hiến có những nét tương đồng hình thể với người nhận.

 

Người cho tinh trùng nếu đủ điều kiện sẽ được lấy mẫu tinh trùng làm xét nghiệm. Nếu “con giống” tốt sẽ được lấy và đem về lưu giữ lại tại chiếc thùng tròn chuyên dụng với thời gian lên tới 50 năm. Trên nguyên tắc, mỗi người chỉ được cho một lần và được đảm bảo giữ kín thông tin về cá nhân. Khi dùng, tinh trùng được lọc rửa, sau đó bơm vào buồng tử cung người vợ. Phụ nữ bị tắc vòi trứng có thể sử dụng nguồn tinh trùng này để thụ tinh trong ống nghiệm.

 

 

“Két sắt” ngân hàng

 

Nhờ Ngân hàng tinh trùng đã mang lại niềm hạnh phúc cho không ít cặp vợ chồng hiếm muộn. Cũng là chữ “ngân hàng” nhưng không bề thế như ngân hàng... cho vay tiền mà rất đơn giản. Không có gì cồng kềnh ngoài một bàn kiểm tra, một bàn sổ sách, các mẫu xét nghiệm, một số dụng cụ chuyên dùng và những chiếc thùng lớn.

 

Mẫu tinh trùng được để trong các lọ nhỏ, đậy kín, đánh mã số cẩn thận. Các bác sĩ sẽ lấy một lượng vừa đủ để tiến hành kiểm tra và xét nghiệm. Sau khi thấy phù hợp họ sẽ cho vào thực hiện phương pháp đông tinh. Kỹ thuật đông tinh đều diễn ra trong một dụng cụ đặc biệt như một chiếc thùng đựng nước có nắp đậy. Sau khi tiến hành kỹ thuật trong một thời gian nhất định, tinh trùng của bệnh nhân sẽ được lấy ra và bảo quản cũng trong chính chiếc thùng này.

Một số người lo ngại những vấn đề chuyện “huyết thống chạm mặt không biết” sau này thì TS. Lê Vương Văn Vệ cho biết: Tỷ lệ “chẳng may” này có thể nói là rất hiếm gặp. Bởi dân số Việt Nam khá lớn trong khi đó số lượng người được thụ tinh bằng phương pháp nhân tạo không nhiều. Tuy nhiên, Trung tâm nam học và hiếm muộn Hà Nội đang chuẩn bị một dự án có thể giải quyết dứt điểm vấn đề này, đó là lập ngân hàng tinh trùng cho những người vắn số mà chưa có con.

 

Đây là ý tưởng mà Trung tâm Nam học và Hiếm muộn Hà Nội đã ấp ủ từ lâu. Và hiện Trung tâm đã chuẩn bị sẵn sàng về cơ sở vật chất kỹ thuật cho việc hình thành và vận hành ngân hàng này. Tuy nhiên, vẫn phải làm thủ tục hoàn tất cuối cùng là xin giấy phép của Bộ Y tế. Theo TS. Vệ, với những gia đình chỉ có duy nhất một người con trai thì việc lưu trữ “con giống” trong ngân hàng là điều hết sức cần thiết để bảo tồn giống nòi. Và chắc chắn việc nhận được “con giống” của những người vắn số sẽ không phải trải qua quá nhiều khâu làm tư tưởng như người sống. Ưu điểm của ngân hàng tinh trùng người vắn số là người được cho có thể hoàn toàn yên tâm về những điều “rắc rối” có thể xảy ra sau này.

 

Ngân hàng tinh trùng được xây dựng với mục đích giúp khách hàng lưu trữ mẫu tinh trùng của chính mình để phòng các rủi ro khiến họ không thể sinh con (lưu trữ hữu danh). Nó cũng nhận các mẫu tinh trùng được hiến để giúp các cặp vợ chồng vô sinh có thể sinh con nhờ thụ tinh nhân tạo (lưu trữ vô danh). Ở Mỹ, cứ 10 triệu dân thì có một ngân hàng tinh trùng. Singapore chỉ có hơn 4 triệu dân nhưng cũng xây dựng tới 5 ngân hàng như vậy. Ở Việt Nam số ngân hàng này chỉ đếm trên đầu ngón tay trong khi đó phần lớn các ngân hàng vẫn chưa được hoạt động theo đúng nghĩa của nó.

 

Đường đi để có một con người

 

TS. Vệ cũng cho biết, để giải quyết tình trạng “cạn vốn” trước mắt, có thể áp dụng biện pháp “cho một lấy một”. Với những cặp vợ chồng bắt buộc phải thụ tinh trong ống nghiệm, gia đình bệnh nhân sẽ phải tìm người cho “sản phẩm”. Người cho sẽ phải đi làm một số xét nghiệm để đảm bảo là khỏe mạnh và không mắc các bệnh về quan hệ tình dục. Tinh trùng sẽ được lấy ra 3 mẫu, những mẫu này sẽ được cho vào ngân hàng tinh trùng thực hiện xét nghiệm và tiến hành làm đông lạnh để bảo quản.

 

Nhưng khi thực hiện bơm tinh trùng vào tử cung thì các bác sĩ sẽ không lấy 3 mẫu này mà sẽ lấy 3 mẫu của người khác trong ngân hàng. Như vậy sẽ đảm bảo nguyên tắc về mặt đạo đức để người cho không biết mình cho ai và người nhận sẽ không biết mình nhận của ai, tránh sự “rắc rối” sau này. Rồi sau đó, người vợ cũng phải thực hiện các bước tương tự. Việc này đòi hỏi cặp vợ chồng phải cam kết trước với bệnh viện. Qua thông tin ở đây, chúng tôi được biết chi phí toàn bộ cho một ca thụ tinh thành công và có thai đến khi sinh con là khoảng 30 triệu đồng.

 

Việc thực hiện có thể tiến hành nhiều lần nếu chưa thành công. TS. Lê Vương Văn Vệ khẳng định thêm: “Con giống” không phải là hàng hoá nên không bán. Chí phí cho một ca thụ tinh nhân tạo với giá 30 triệu đồng là thu tiền dịch vụ và bảo quản tinh trùng.

 

Cần có chiến dịch vận động hiến tinh trùng

 

 Theo TS. Lê Vương Văn Vệ thì nguyên nhân ít người hiến tinh trùng là do người hiến có nhiều lo ngại như sợ tình trạng hôn nhân đồng huyết khi những đứa con cùng cha lỡ lấy nhau sau này; trong lòng bất an về cuộc sống của đứa con (trên nguyên tắc vô danh nên đứa con không biết về cha nhưng dù sao đó cũng chính là con của họ); quy trình hiến tinh trùng thực hiện khá phức tạp, lui tới nhiều lần tốn thời gian và hiếm có người vợ nào ủng hộ chồng tặng tinh trùng cho người khác.

 

Trong khi đó, ở Singapore thường xuyên mở chiến dịch vận động hiến tinh trùng và mang hiệu quả khá cao. Nếu Việt Nam cũng làm được chuyện này thì rất nhiều phụ nữ bất hạnh có cơ hội làm mẹ. Hơn nữa, chuyện hiến tinh trùng có xác suất rất thấp so với tổng số dân nên pháp luật cho phép và có thể chấp nhận được. Vì vậy, những người có đủ điều kiện nên nhìn vấn đề này một cách thoáng hơn.

 

Theo Mai Hạnh

Gia đình

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm