Giải pháp mới trong dự phòng bệnh do phế cầu khuẩn cho trẻ em và người lớn
(Dân trí) - MSD Việt Nam cùng Viện Kiểm định Quốc gia Vắc xin và Sinh phẩm Y tế tổ chức hội nghị khoa học: "Giải pháp mới trong dự phòng bệnh do phế cầu khuẩn cho trẻ em và người lớn: từ nâng cao miễn dịch đến mở rộng túyp huyết thanh".
Sự kiện được chủ trì bởi GS.TS.BS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương.
Hội nghị là cơ hội để hơn 1.000 cán bộ y tế trao đổi và cập nhật thông tin về gánh nặng bệnh tật ở trẻ dưới một tuổi, cũng như những lựa chọn mới giúp nâng cao miễn dịch và mở rộng các týp huyết thanh trong phòng bệnh do phế cầu khuẩn (Streptococcus pneumoniae).

GS.TS.BS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương phát biểu khai mạc tại hội nghị (Ảnh: Huỳnh Như).
Nhiều nghiên cứu cho thấy, trẻ em dưới một tuổi là đối tượng có tỷ lệ mắc và tử vong nhiều nhất bởi các bệnh truyền nhiễm nói chung và bệnh do phế cầu khuẩn xâm lấn (IPD) nói riêng. Số liệu tại Việt Nam cũng chỉ ra, trẻ dưới một tuổi có số ca mắc IPD chiếm 65% và viêm màng não do phế cầu khuẩn chiếm 61% các trường hợp xảy ra ở độ tuổi dưới 5 tuổi.
Theo GS.TS.BS Phan Trọng Lân, ở các nước thu nhập thấp và trung bình, cứ 10 trẻ bị viêm màng não do phế cầu, có tới 5 trẻ tử vong. Kể cả khi hồi phục, nhiều bé phải chịu di chứng suốt đời như: mất thính lực, chậm phát triển trí tuệ hoặc rối loạn vận động3.
Trong bài phát biểu, PGS. TS. BS Nguyễn Vũ Trung cho rằng dù thế giới tiến bộ đáng kể trong việc giảm tỷ lệ tử vong do nhiễm trùng đường hô hấp dưới (LRTIs) và phế cầu khuẩn, nhưng gánh nặng vẫn còn cao.
Với trẻ em dưới 1 tuổi, ST3, 22F và 33F là những týp huyết thanh gây phế cầu xâm lấn nguy hiểm. Nhiều nghiên cứu chỉ ra ST3 vẫn tồn tại dai dẳng dù nhiều vaccine phế cầu được đưa vào triển khai trước đó. Tỷ lệ tử vong do týp huyết thanh này chiếm tới 30-47%, là nguyên nhân gây tràn mủ màng phổi, nhiễm trùng huyết, độc tính tim và viêm màng não.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quang Thái, nhấn mạnh rằng vaccine 15 chủng là một giải pháp phù hợp, linh hoạt và tạo đáp ứng miễn dịch mạnh mẽ cho trẻ em (Ảnh: Huỳnh Như).
PGS.TS.BS. Phạm Quang Thái còn cho biết trong công cuộc dự phòng bệnh do phế cầu khuẩn, vaccine phế cầu 15 chủng thế hệ mới của MSD là một lựa chọn phù hợp cho cán bộ y tế cũng như người dân Việt Nam. Ở trẻ em, với lịch tiêm linh động 3+1 và 2+1, vaccine 15 chủng thế hệ mới của MSD tạo đáp ứng miễn dịch tốt ngay trong loạt liều cơ bản; và trong một số trường hợp cần thiết, có thể chuyển đổi từ những vaccine ít týp huyết thanh hơn sang vaccine mới này. Đây là vaccine được sử dụng trong 24 chương trình tiêm chủng quốc gia cho trẻ em trên toàn cầu từ khi được cấp phép đến nay.
Nhằm đẩy mạnh khả năng tiếp cận vaccine một cách kịp thời và phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm có thể kiểm soát bằng tiêm chủng, bao gồm các bệnh do phế cầu khuẩn gây ra, vừa qua, MSD và Hệ thống tiêm chủng VNVC ký kết thỏa thuận hợp tác. Thỏa thuận cũng bao gồm các hoạt động đào tạo chuyên môn cho đội ngũ y tế và chia sẻ thông tin nghiên cứu, góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng và tăng cường bảo vệ sức khỏe cho người dân Việt Nam.

Toàn cảnh hội nghị do MSD Việt Nam phối hợp cùng Viện Kiểm định Quốc gia Vắc xin và Sinh phẩm Y tế tổ chức (Ảnh: Huỳnh Như).
"Với mong muốn đem đến một giải pháp cân bằng, giúp bảo vệ sức khỏe của người dân Việt Nam nói chung và trẻ em Việt Nam nói riêng, MSD đã và đang nỗ lực hết mình để mang lại những lựa chọn tiên tiến giúp trẻ nhỏ Việt Nam có thêm giải pháp dự phòng bệnh truyền nhiễm. Chúng tôi đang tăng tốc để đạt mục tiêu cứu sống và cải thiện cuộc sống của nhiều triệu người Việt đến năm 2025, mang niềm tự hào này vào lễ kỷ niệm 30 năm của công ty tại Việt Nam vào năm 2026", bà Katharina Geppert, Tổng giám đốc MSD Việt Nam, cho biết.