Giải pháp chống xơ cứng mạch cho bệnh nhân điều trị ung thư
(Dân trí) - Trước đây, hầu hết bệnh nhân điều trị ung thư bằng hóa chất đều xảy ra tình trạng viêm xơ cứng mạch. Phương pháp đặt buồng tiêm dưới da đang mang lại hiệu quả khả thi trong việc chống tình trạng xơ cứng mạch cho người bệnh cần hóa trị liệu.
Nữ bệnh nhân Nguyễn Thị Tuyết A. (55 tuổi) được chẩn đoán bị ung thư vú 2 bên. Sau khi mổ đoạn nhũ tái tạo tức thì kèm nạo hạch nách, bệnh nhân có chỉ định vào thuốc hóa chất. Giai đoạn vào thuốc hóa chất khiến bệnh nhân đối mặt với nhiều nguy cơ trong đó có tình trạng viêm xơ cứng mạch.
Đây là vấn đề thường gặp ở người bệnh khi việc chích thuốc gây hoại tử phần mềm, các loại thuốc hóa trị sẽ gây kích ứng da, mô và tĩnh mạch ngoại vi. Sau nhiều lần vào thuốc, bệnh nhân sẽ bị xơ cứng mạch máu tại vị trí bị tổn thương khiến việc tiêm truyền vào tĩnh mạch cho người bệnh sẽ trở nên rất khó khăn.
Để tránh các nguy cơ trên, bệnh nhân được bác sĩ tiến hành đặt buồng tiêm dưới da qua hướng dẫn siêu âm với đường vào tĩnh mạch cảnh trong. Sau khoảng 20 phút phẫu thuật, bệnh nhân được đặt thành công một hệ thống bao gồm ống thông và buồng tiêm. Trong đó, ống thông được đặt vào tĩnh mạch lớn trung tâm và buồng tiêm được cấy hoàn toàn vào mô dưới da, nơi dễ sờ thấy để tạo điều kiện cho y bác sĩ có thể dễ dàng tiếp cận với vòng tuần hoàn chung một cách thuận lợi, dễ dàng và lặp đi lặp lại nhiều lần.
Đây là một trong những trường hợp bệnh nhân điều trị vào thuốc hóa chất, thực hiện đặt buồng tiêm dưới da qua hướng dẫn siêu âm để dễ dàng vào hóa chất điều trị bệnh và giảm bớt số lần bệnh nhân bị đâm kim vào cơ thể khi truyền tĩnh mạch ngoại vi bị xơ chai do hóa chất.
BS.CKII. Phạm Đức Nhật Minh, Phó trưởng Phòng Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Ung Bướu, TPHCM cho biết: khi triển khai thực hiện đặt buồng tiêm dưới da cho bệnh nhân, việc tiêm truyền tĩnh mạch bệnh nhân rất dễ dàng, thuận lợi trong thao tác tiêm truyền lẫn lấy máu xét nghiệm, thay vì phải tìm tĩnh mạch đâm kim thì người thực hiện chỉ cần chọc kim vào ngay buồng tiêm dưới da này là có thể tiêm thuốc hoặc lấy máu dễ dàng. Cho đến nay, đây là thủ thuật ngoại khoa thường quy tại các bệnh viện ở nước ngoài, nhất là các nước phát triển.
Theo phân tích chuyên môn của BS Nhật Minh về kỹ thuật thì sau khi siêu âm đánh giá chọn đường tĩnh mạch phù hợp để đặt buồng tiêm, đảm bảo vô trùng, gây tê tại chỗ, dưới hướng dẫn siêu âm, ê-kíp phẫu thuật đặt ống thông đến tĩnh mạch trung tâm và nối với buồng tiêm rồi vùi buồng tiêm dưới da. Đặt buồng tiêm dưới da thường được chỉ định chủ yếu cho những bệnh nhân cần tiến hành hóa trị liệu. Đây cũng là đường thay thế với các bệnh nhân mà tĩnh mạch ngoại vi nhỏ hay bị tổn thương không thể tiêm truyền.
Buồng tiêm có thể chịu được số lần đâm kim rất lớn từ 1000 – 3600 lần
Kỹ thuật này có nhiều ưu điểm giúp bệnh nhân dễ dàng tiêm truyền tĩnh mạch trung tân lâu dài như truyền hóa chất, kháng sinh, ghép tủy, nuôi dưỡng tĩnh mạch… hoặc cần truyền máu hay xét nghiệm máu thường xuyên. Buồng tiêm có thể chịu được số lần đâm kim rất lớn từ 1000 – 3600 lần, nhưng cần phải sử dụng loại kim chuyên biệt. Do hệ thống buồng tiêm nằm hoàn toàn dưới da, lúc không cần tiếp cận, không có ống nằm ngoài cơ thể nên rất thuận tiện cho bệnh nhân (có thể tắm bồn), ít nhiễm trùng và đảm bảo thẫm mỹ. Tuy nhiên, bệnh nhân cần lưu ý bảo quản sạch và theo dõi thường xuyên vùng đặt buồng tiêm.
Để đảm bảo an toàn cho hệ thống buồng tiêm, hệ thống buồng tiêm phải được bơm rửa khoảng 10 – 20ml nước muối sinh lý (NaCl 0.9%) ngay sau khi kết thúc sử dụng buồng tiêm và khóa Heparine. Trong trường hợp hệ thống buồng tiêm dưới da không sử dụng, bệnh nhân phải đến dịch vụ y tế để được bơm rửa mỗi tháng 1 lần. Buồng tiêm cần được rút ra khỏi cơ thể khi không còn nhu cầu sử dụng.
Bên cạnh những ưu điểm nổi bật nêu trên, việc đặt buồng tiêm dưới da cũng tồn tại những rủi ro xảy ra biến chứng như: nhiễm trùng; thuyên tắc khí; sai vị trí ống thông; xuất huyết; loạn nhịp tim; tràn khí hay máu màng phổi; tổn thương thần kinh xung quanh, động mạch, cơ tim hoặc ống ngực. Do đó, sau phẫu thuật đặt buồng tiêm dưới da, bệnh nhân cần được theo dõi, tránh nguy cơ gặp phải những biến chứng trên.
Vân Sơn
(Ảnh: Bệnh viện cung cấp)