Giải mã trạng thái giật mình khi ngủ

(Dân trí) - Bạn đang cuộn mình trên giường, cơn stress sau 1 ngày làm việc dài từ từ được giải toả khi cơn buồn ngủ kéo đến. Vậy mà vào khoảnh khắc ấy, bạn bừng tỉnh, giật nảy người bởi cảm giác như mình bị hẫng vì rơi, ngã xuống từ độ cao nào đó. Tại sao lại có cảm giác khá sợ hãi đó?

Giải mã trạng thái giật mình khi ngủ - 1

Tại sao lại giật mình khi bắt đầu chìm vào giấc ngủ?

Những cử động bất thường này xuất phát từ 1 hiện tượng có tên gọi: trạng thái hypnogogic. Khái niệm này miêu tả quãng thời gian chuyển tiếp giữa trạng thái tỉnh và vô thức của giấc ngủ. Những cú hẫng gây giật mạnh này được gọi là giật cơ lúc ngủ (hypnogogic jerk). Đây là 1 dạng động kinh giật rung cơ (myoclonus): cử động nhanh và không tự nguyện của cơ.

Khi bắt đầu ngủ, 2 hệ thống của não bộ cân bằng vai trò của chúng để đưa bạn vào trạng thái vô thức. Cơ chế SAR gồm các tế bào nằm phía dưới vỏ não, giúp bạn tỉnh táo. Cơ chế kia là VLPO, nằm phía dưới não và kiểm soát giấc ngủ.

Cái gì gây ra giật mình khi ngủ?

Theo Dnews, khi cơ thể đầu hàng giấc ngủ, 2 cơ chế này chiến đấu với nhau để giữ vị trí kiểm soát, khiến cơ thể co giật mà không có chủ tâm. Khi bạn chìm vào giấc ngủ, nồng độ chất dẫn truyền thần kinh serotonin giảm để giữ các cơ lớn nhất trong cơ thể tĩnh. Tuy nhiên, nó lại không kiểm soát được các cơ nhỏ nhất như các cơ xung quanh mắt hoặc cổ tay. Đây là lý do khiến cơ thể bạn chỉ giật nhẹ.

Một giả thiết khác cho rằng những cái giật này là sự hồi tưởng lại quá trình tiến hoá, tương tự như những cử động giúp loài vượn an toàn khi ngủ trên cây.

Chúng có phổ biến không?

Theo BBC, giật hypnogogic xảy ra phần lớn ở trẻ em, thế nhưng hầu hết mọi người đều trải qua nó và không nhận ra do đã chìm vào giấc ngủ quá sâu.

Các cơn giật này có thể hiện những gì xảy ra trong giấc mơ không?

Trái với các cử động của mắt, giật hypnogogic không thể hiện những gì mà bạn đang mơ.

Phương Anh