1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Giải mã hiện tượng trẻ “học khó”

Không chỉ do bệnh lý hay các rối loạn tâm lý, những nguyên nhân từ bên ngoài cũng có thể khiến cho việc học tập của trẻ trở nên khó khăn hơn các bạn.

Đâu phải vì lười học

Chị N.V.Q (37 tuổi; ngụ quận 4, TP HCM) chia sẻ trên Facebook câu chuyện chị âm thầm quan sát con học theo lời người bạn là bác sĩ và hết sức bất ngờ. Năm nay 9 tuổi, đứa con thường khiến chị phải nhận “thư mời phụ huynh” do cháu học yếu, thường xuyên không thuộc bài. “Chắc chắn là do lười học…” - chị tâm sự với cô bạn bác sĩ (BS) như thế và thổ lộ rằng đã làm mọi cách, từ nhắc nhở, la mắng đến phạt đòn mà vẫn không cải thiện được việc học của con.

Sau vài ngày quan sát, chị Q. phát hiện con trai mình không hề lười. Cậu vẫn miệt mài học bài nhưng khổ nỗi dù mới đêm trước, chị nghe con đọc lẩm nhẩm bài thơ cả buổi, tưởng đã ổn nhưng hôm sau, cô giáo vẫn bảo cháu không thuộc. “Con học không vô!” - cậu bé vừa khóc vừa nói.

Được mẹ đưa đến một phòng khám tâm lý, cháu thổ lộ rằng mình rất cố học vì sợ bị mẹ... bỏ rơi nhưng vì vừa học vừa sợ nên khó tập trung. Nỗi sợ đó bắt nguồn từ khi cha mẹ cháu ly hôn. Nỗi nhớ cha làm cậu học sút đi và đáng nói là từ đó mẹ cũng hay la mắng, dọa rằng nếu không lo học, sẽ bị bỏ rơi. Lời nói dỗi của người mẹ vô tình khiến cậu bé rơi vào lo âu, rối loạn giấc ngủ, việc học càng tệ thêm.

“Tại Mỹ, hơn 10% trẻ nhận được sự hỗ trợ đặc biệt khi gặp khó khăn trong học tập. Việt Nam chưa có thống kê nhưng hầu như ngày nào chúng tôi cũng có trường hợp trẻ được đưa đến khám để làm giấy chứng nhận gặp khó khăn trong học tập.

Hiện tượng “học khó” ở trẻ thực ra có nhiều nguyên nhân, bao gồm nguyên nhân nội tại như chậm phát triển trí tuệ, tăng động kém tập trung, rối loạn các kỹ năng học tập, giảm các giác quan, bệnh lý liên quan đến cảm xúc, bệnh mạn tính… cùng với những nguyên nhân liên quan đến môi trường như các mối quan hệ gia đình và trường học”, ThS.BS Phạm Minh Triết, Trưởng Khoa Tâm lý Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 (TP HCM), cho biết tại hội thảo “Vì sao con tôi học khó?” do BV này tổ chức mới đây.

Một phụ huynh dẫn con trai đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 nhờ bác sĩ tư vấn để cải thiện khả năng học tập của cháu
Một phụ huynh dẫn con trai đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 nhờ bác sĩ tư vấn để cải thiện khả năng học tập của cháu

BS Triết cũng đưa ra khá nhiều ca bệnh ông từng gặp, trong đó trẻ học khó do nhiều nguyên nhân khác nhau chứ không phải do lười học như nhiều phụ huynh vẫn nghĩ và phản ứng bằng cách trách mắng con. Có cháu đi học bị bạn đánh hay thấy bạn khác bị đánh nên sợ đến trường; có cháu lại mắc chứng “lo âu chia ly”, thường nói “con sợ khi đi học, ba mẹ ở nhà bị cái gì đó” và nỗi lo âu này khiến trẻ khó tập trung để học; cũng có những trẻ trước đây gia đình giàu có, được đi học bằng xe hơi, sau đó công việc kinh doanh của cha mẹ thua lỗ, cha mẹ phải trốn nợ… cũng làm trẻ hoang mang. Một số trẻ gặp khó khăn vì phải chuyển trường, chuyển lớp, sự thay đổi về cách dạy học. “Chẳng hạn như trường hợp của một bệnh nhi ở Đồng Tháp. Sau khi trường tổ chức lại cách học bằng việc xếp bàn thành vòng tròn như học nhóm, cháu này bỗng nhiên học kém hẳn. Cha mẹ đưa đi khám, kết quả là do  cháu không thích nghi với cách học mới”, BS Triết cho biết.

Có 8 loại trí thông minh khác nhau

ThS Nguyễn Thị Diệu Anh, Khoa Tâm lý BV Nhi Đồng 1, cho biết nhiều phụ huynh lo sợ khi thấy con mình không bằng “con người ta” ở một số mặt (vốn không phải là thế mạnh của con) và cố ép con phải “vượt lên” khiến trẻ gặp khó khăn nhất định cho dù không hề “có vấn đề” như phụ huynh nghĩ.

Một số người đưa con đi kiểm tra và phát hiện chỉ số IQ của con không cao nên rất lo. Tuy nhiên, trên thực tế, chỉ số IQ không lượng giá được hoàn toàn khả năng của một trẻ. Có đến 8 loại trí thông minh khác nhau, bao gồm: trí thông minh logic - toán học (trẻ mạnh về dạng trí thông minh này thường có kết quả test IQ cao), ngôn ngữ, không gian - thị giác, âm nhạc - nhịp điệu - tiết tấu, vận động cơ thể, tương tác - xã hội, nhận thức bản thân, tự nhiên - thiên nhiên.

Tùy vào dạng trí thông minh ưu thế đang sở hữu, trẻ có các điểm mạnh riêng và vẫn có thể thành công trong tương lai dù đôi khi kết quả học tập cụ thể không được như mong đợi của cha mẹ. “Ví dụ một cầu thủ bóng đá có kết quả học tập chung không được tốt thời phổ thông nhưng trên sân cỏ, anh ta lại rất xuất sắc bởi trí thông minh vận động cơ thể”, ThS Diệu Anh phân tích. Ngược lại, nếu bị ép thực hiện công việc không phải là thế mạnh, trẻ sẽ khó được đánh giá đúng và khó phát huy ưu thế của mình.

Hãy tạo điều kiện cho trẻ tự lựa chọn để hình thành tính độc lập, tự chủ và tự trọng; cần tôn trọng, phân tích, định hướng hợp lý và cho trẻ sự trải nghiệm phù hợp.

 

Cần xác định nguyên nhân

Theo các BS, khi phát hiện trẻ có những khó khăn trong học tập hay cảm thấy con mình “vốn thông minh, được tạo điều kiện đầy đủ” mà vẫn không được như chúng bạn, phụ huynh cần bình tĩnh tìm hiểu nguyên nhân và đưa trẻ đến cơ sở y tế khi cần thiết. Với những nguyên nhân thuộc về bệnh lý tâm thần, tâm lý hay thể chất thì cần được BS giải quyết, còn các nguyên nhân liên quan đến gia đình và học đường thì rất cần sự phối hợp của phụ huynh, thầy cô song song với các liệu pháp tâm lý dành cho trẻ.

 

Theo Anh Thư
Người lao động