1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Giải mã hành vi thích khoe “của quý”, ngửi đồ lót nữ

Thói quen phô bày, khoe “của quý”, thích ngửi đồ lót nữ, thủ dâm với vật dụng trang phục của nữ giới... là những rối loạn tình dục cần điều trị.

 

Hành vi thích khoe của quý là một trong những rối loạn tình dục thường gặp. Ảnh minh họa.

Hành vi thích khoe "của quý" là một trong những rối loạn tình dục thường gặp. Ảnh minh họa.

 

Tối muộn đi học thêm về một mình, Thúy Hà, sinh viên ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM, dừng chờ đèn đỏ ở ngã tư thì bị một người đàn ông ghé sát hỏi đường. Vừa quay qua định trả lời, nữ sinh thấy người này kéo khóa quần, khoe “của quý” trên yên xe. "Lúc đó ngã tư vắng người, em hoảng quá chẳng biết làm thế nào nên vượt đèn đỏ rồ ga chạy, khủng khiếp thật", cô gái nhớ lại.

 

Một lần đứng ở trạm xe buýt tại Bình Thạnh đón xe lúc trưa vắng, Thu Giang bị người đàn ông ngồi bên cạnh khều nhẹ, vừa quay lại thì “của quý” của người này đã phô bày sẵn tự bao giờ. Vừa ngượng vừa sợ, cô gái 22 tuổi thét lên rồi bỏ chạy trong tiếng cười ngặt nghẽo của gã đàn ông biến thái. “Đến giờ em vẫn bị ám ảnh, không dám quay trở lại trạm xe buýt đó lần thứ hai”, Giang nói.

 

Theo bác sĩ CKII Phạm Văn Trụ, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần TPHCM, những biểu hiện khác với bình thường như trên được xem là rối loạn hoạt động tình dục. Các rối loạn này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như khó khăn trong quan hệ, trạng thái bệnh lý tâm thần, trạng thái tinh thần dễ tổn thương, và ảnh hưởng của bệnh tật khác cũng như các thuốc đang điều trị…

 

Ngoài các rối loạn tính dục thường gặp trên, nhiều trường hợp có biểu hiện hứng thú “lệch lạc”. Đặc trưng của lệch lạc tình dục là các biểu hiện hoặc tái diễn động cơ hứng thú tình dục dai dẳng, gây tổn hại cho đời sống tinh thần và thể lực của bản thân.

Các biểu hiện, thường được gọi là sở thích “kỳ quặc”, thể hiện sự tái diễn không kiềm chế những hành vi trái ngược tự nhiên, không theo quy luật hay định chế tối thiểu của văn hoá cộng đồng, như ngửi trang phục lót nữ và nhiều biểu hiện bất thường khác nằm trong nhóm bệnh rối loạn nhận dạng giới tính. Tình trạng bệnh lý này ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt hàng ngày, đến học hành nghề nghiệp và quan hệ tình cảm nam nữ.

 

Người mắc các sở thích trên thường xuyên lo lắng và che giấu hành vi của mình. Đó là những biểu hiện bất thường, không “thuận” theo quy trình hoạt động tình dục, cũng như khác với ý nghĩa triết học và xã hội trong nền văn hóa của mình.

 

Hiện nay có nhiều lý thuyết giải thích nguyên nhân rối loạn tình dục, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng nồng độ androgens bất thường có thể góp phần vào những nhận thức sai lệch về quan hệ tình dục. Một số nghiên cứu nhận định tình trạng dư thừa nội tiết tố oetrogene trước khi sinh có thể ảnh hưởng tới các rối loạn tình dục. Những lo âu về hứng thú tình dục có thể dẫn đến sự lựa chọn “an toàn” với hành vi tình dục nhưng không tiếp xúc trực tiếp với cơ quan sinh dục của đối tác như phô bày, khoe “của quý”, nhìn trộm, ngửi hay thủ dâm với vật dụng trang phục của nữ giới... Những hành vi này thường gặp hơn, nhiều trường hợp người đàn ông đứng chờ trên đường đi của phụ nữ rồi đột ngột phô diễn “của quý”, khi phụ nữ hoảng hốt sợ hãi la thét thì ông ta cười mãn nguyện.

 

Trong điều trị các rối loạn tình dục “kỳ quặc” này phải kết hợp tâm lý trị liệu và một số thuốc chống trầm cảm, thuốc kích thích tâm thần để có thể giải ức chế hành vi tình dục và làm giảm khuynh hướng xung động tình dục. Thực tế, các bác sĩ rất ít “được” tiếp cận với những bệnh nhân có biểu hiện lệch lạc tình dục, càng ít hơn đối với thanh thiếu niên vì sự kỳ thị nặng nề về khía cạnh đạo đức và vì chính khả năng “tự biết mắc cỡ” của người bệnh.

 

Bác sĩ chuyên khoa tâm thần cũng có thể gặp những trường hợp ghen tuông bệnh lý với các hành vi không chế hay kiểm soát bất bình thường người vợ hoặc chồng hay bạn tình, còn được gọi là bạo lực tình dục. Tình trạng bệnh lý này dễ lầm lẫn với hứng thú tình dục lệch lạc.

 

Theo bác sĩ Trụ, những trường hợp này nên đi thăm khám chuyên khoa tâm thần sớm thì khả năng trị liệu hiệu quả có thể cao hơn.

 

Theo Bác sĩ CK II Phạm Văn Trụ

Nguyên Phó giám đốc BV Tâm thần TP HCM

Lao động