1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Giải cứu "ngón tay lò xo" cho bé gái gần 3 tuổi

(Dân trí) - Cô bé Nguyễn Minh H. (29 tháng tuổi, Gia Lâm, Hà Nội) luôn có tình trạng ngón tay "cò súng" bị gập, co rút, không duỗi ra được. Sau mỗi lần co rút, bố mẹ cô bé cố nắn lại cho con nhưng chỉ sau một lúc, tay lại bị gập lại.

Mẹ bệnh nhi Nguyễn Minh H. chia sẻ, mỗi lần "bỗng dưng" thấy tay con bị co rút, cả nhà đều cuống lên lo lắng. Không biết bao nhiêu lần chị “cố nắn lại” hai ngón tay bị co rút ở bàn tay trái của con gái, trong tâm trạng rất sợ hãi, chỉ sợ gãy trong khi con gái thì đau, khóc, hoảng sợ.

Lúc đầu, bố mẹ còn tưởng H. nghịch nên tay bị vậy, nhưng thấy tình trạng co rút ngón tay của con diễn ra liên tục, khi bị khớp tay cứng đơ lại không thể trở về bình thường, anh chị mới quyết định đưa con đến viện khám.

Các bác sĩ khoa Chấn thương chỉnh hình (bệnh viện đa khoa Đức Giang) chẩn đoán bé mắc ngón tay lò xo ngón số 4,5 trái (hay còn gọi ngón tay cò súng). Với tình trạng ngón tay lò xo, bệnh nhi càng được can thiệp phẫu thuật sớm càng tốt.

Chỉ sau vài phút can thiệp, với vết phẫu thuật chỉ nhỏ như đầu tăm, các bác sĩ đã giải quyết xong tình trạng ngón tay lò xo của trẻ.
Chỉ sau vài phút can thiệp, với vết phẫu thuật chỉ nhỏ như đầu tăm, các bác sĩ đã giải quyết xong tình trạng "ngón tay lò xo" của trẻ.

Và chỉ sau ít phút phẫu thuật với vết mổ cực kỳ nhỏ (như đầu chiếc tăm), gần như không để lại sẹo những ngón tay co rút của bé H đã có thể gập duỗi được bình thường như bao trẻ em khác, tình trạng đau cũng không còn và bé có thể trở về nhà ngay trong ngày.

BS Trần Trung Kiên, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình cho biết, ngón tay lò xo là tình trạng viêm bao gân gấp của các ngón tay gây hẹp bao gân. Do vậy, mỗi lần gấp hay duỗi ngón tay đối với bệnh nhân trở nên rất khó khăn, nhất là vào buổi sáng. Ở tình trạng bệnh nặng hơn, khi gập duỗi ngón tay, bệnh nhân cảm nhận được âm thanh “lụp cụp, lụp cụp” của các khớp ngón tay khi gập duỗi.

Đáng nói, trường hợp ngón tay lò xo không phải hiếm và gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng thường mọi người không để ý đến những dấu hiệu sớm mà chỉ đến khi ngón tay của co cứng lại khó duỗi mới cho đến khám.

Nhiều người lớn khi thấy tay trẻ co rút, gập hẳn cả đốt xuống hết sức hoảng hốt, cố "nắn" lại tay trẻ là không nên, bởi làm trẻ đau và không mang lại hiệu quả.

"Bệnh ngón tay lò xo tuy không nguy hiểm nhưng sẽ hạn chế hoạt động của bàn tay, ảnh hưởng rất lớn đến công việc, chất lượng cuộc sống", BS Kiên cho biết.

Những biểu hiện thường thấy của bệnh này là đau ở nếp gấp xa của mặt lòng bàn tay, đau nhiều khi nắm các ngón tay lại, nhất là vào buổi sáng, nặng hơn sẽ thấy ngón tay kẹt lại khi nắm vào và không duỗi ra được, phải dùng tay khác kéo ra, có thể sờ thấy nốt chai ở ngay vị trí đau.

Đa số những trường hợp mắc ngón tay lò xo thường bị nhầm lẫn bệnh và đi khám không đúng chuyên khoa, chủ yếu dùng thuốc, tập vật lý trị liệu để điều trị đau thay vì phải phẫu thuật điều trị triệt để nguyên nhân gốc rễ của bệnh. Vì thế tình trạng này bị lặp đi lặp lại, không chỉ ảnh hưởng đến vận động còn khiến người bệnh phải lo lắng không đáng có.

BS Kiên cũng khuyến cáo, khi thấy ngón tay bỗng dưng bị gập cứng lại, co rút, không thể duỗi ra được, mọi người nên nghĩ đến nguy cơ ngón tay lò xo, và nên đến bệnh viện khám. Bệnh nhân mắc ngón tay lò xo tuyệt đối không nên tự ý sử dụng thuốc trị viêm khớp, đắp các loại thuốc lá. Mọi cách điều trị không khoa học đều khiến tình trạng bệnh nặng hơn. Khi có các biểu hiện bệnh, bệnh nhân nên đi khám sớm và đúng chuyên khoa để được chẩn đoán và chọn phương pháp điều trị phù hợp.

Hồng Hải