1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Giấc ngủ ảnh hưởng đến trí não trẻ như thế nào?

(Dân trí) - Giờ ngủ “linh tinh” trong những năm đầu đời sẽ làm ảnh hưởng đến trí tuệ của trẻ, theo công trình khoa học của Giáo sư Yvonne Kelly cùng các đồng nghiệp John Kelly và Amanda Sacker thuộc Khoa Dịch tễ học và Sức khỏe Cộng Đồng của trường University College London (ULC) thực hiện.

Giấc ngủ ảnh hưởng đến trí não trẻ như thế nào?
 

 

Họ đã nghiên cứu ảnh hưởng của giờ đi ngủ trong các năm ấu thơ với trí tuệ. Nghiên cứu đã được thực hiện trên 11.000 trẻ em trong vòng 7 năm, tất cả những trẻ này đều có liên quan tới chương trình MCS (một nghiên cứu dài hạn được tiến hành trên các trẻ được sinh vào giữa tháng 9 năm 2000 và tháng 1 năm 2002. Nghiên cứu dựa theo các cuộc khảo sát thường xuyên và các chuyến viếng thăm khi trẻ được 3, 5 và 7 tuổi, để tìm hiểu về thời gian biểu của gia đình, bao gồm cả giờ đi ngủ buổi đêm của trẻ) của Anh.

  

Các nhà khoa học xem xét thời điểm đi ngủ và tính nhất quán của giờ đi ngủ có tác động tới khả năng nhận thức của trẻ thông qua điểm số các bài kiểm tra khả năng đọc, toán học và nhận thức không gian của trẻ.

 

Ngủ không theo giờ nhiều nhất là ở trẻ 3 tuổi (cứ 5 trẻ thì có 1 trẻ). Đến 7 tuổi, hơn một nửa số trẻ em đi ngủ vào khung giờ 19h30 - 20h30.

 

Kết quả cho thấy: Trẻ 3 tuổi trở xuống ngủ không theo giờ hoặc những trẻ đi ngủ sau 9 giờ tối sẽ gặp khó khăn hơn về mặt xã hội.

 

Cụ thể, khi  lên 7, trong khi các bé trai không bị ảnh hưởng thì các bé gái có giờ đi ngủ thất thường nhận các điểm số thấp hơn ở cả 3 bài đánh giá trí tuệ, so với các trẻ đi ngủ vào giờ cố định.

 

Các bé gái luôn đi ngủ không đúng giờ ở lứa tuổi 3, 5 và 7 có điểm số khá thấp trong bài kiểm tra đọc, toán học và nhận thức không gian so với các bé gái đi ngủ vào thời gian cố định. Tác động tương tự cũng xảy ra ở các bé trai.

 

Điều này đưa ra gợi ý rằng ở khoảng thời gian trẻ được 3 tuổi là khoảng thời gian rất nhạy cảm đối với sự phát triển nhận thức và tác động của việc đi ngủ không đúng giờ sẽ được tích lũy theo thời gian..

 

Các nhà khoa học chỉ ra rằng giờ đi ngủ “linh tinh” có thể phá vỡ nhịp điệu tự nhiên của cơ thể và gây ra thiếu ngủ, do đó phá hoại độ “bền” của não bộ và ảnh hưởng tới khả năng tiếp thu, lưu giữ thông tin.

 

Giấc ngủ là điều kiện cần để bù đắp cho những hoạt động của ngày hôm trước và là đầu tư cần thiết để não bộ tươi mới vào ngày hôm sau. Sự phát triển đầu đời của trẻ có ảnh hưởng sâu sắc đến sức khỏe sau này. Vì vậy, sự thiếu ngủ hoặc gián đoạn giấc ngủ, nếu xảy ra ở thời điểm then chốt trong quá trình phát triển của trẻ có thể gây ra các ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe trong những năm về sau.

 

Trần Hằng

Theo Science Daily