Gia tăng ca mắc cúm có phải bất thường?
(Dân trí) - Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết số ca mắc cúm hiện nay không có sự khác biệt so với những năm trước. Tuy nhiên, số nhập viện có xu hướng tăng trong thời gian gần đây.
Chiều 21/7, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết theo hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, số mắc cúm hiện nay không có sự khác biệt so với những năm trước đây. Hiện nay lưu hành chủ yếu là cúm A (H3N2, H1N1) và cúm B. Đây là những chủng cúm đã có vaccine phòng bệnh hiệu quả.
"Đến nay, chúng ta chưa phát hiện các chủng cúm A có độc lực cao như H5N1, H7N9, H5N6, H5N8. Tuy nhiên, số nhập viện có xu hướng tăng trong thời gian gần đây", Thứ trưởng Hương nói.
Vì thế, Thứ trưởng đề nghị để phòng chống các bệnh cúm cần tăng cường giám sát, đặc biệt là giám sát trọng điểm, giám sát phát hiện các trường hợp mắc, ổ dịch cúm mùa, đẩy mạnh giám sát viêm phổi nặng do virus, các chùm ca bệnh cúm tại cộng đồng, bệnh viện để kịp thời lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm.
TS Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cũng cho biết thêm mỗi năm nước ta ghi nhận 600.000 đến 1 triệu ca cúm thường. Tại một số địa phương, một số bệnh viện tuyến cuối ghi nhận sự gia tăng của bệnh cúm. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm Quảng Ninh ghi nhận hơn 1.200 ca thấp hơn năm ngoái, Hà Nội hơn 2.000 ca tăng nhẹ nhưng không ghi nhận ca có triệu chứng nặng, không có tử vong, chủ yếu là cúm thường.
Theo ông trong 2 năm dịch Covid-19, người dân mang khẩu trang nhiều, thực hiện giãn cách, tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch như thường xuyên rửa tay nên số ca cúm ít. Tuy nhiên sau khi khống chế được Covid-19, người dân chủ quan hơn nên ca mắc có xu hướng tăng. Dù vậy, đa phần ca mắc cúm nhẹ, chưa ghi nhận ca tử vong.
Theo Sở Y tế Hà Nội, trong 4 tháng đầu năm, TP ghi nhận trung bình dưới 400 ca cúm/tháng. Từ tháng 5 số ca mắc bắt đầu tăng lên 556 ca, tháng 6 là gần 900 ca.
Cúm mùa là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do virus cúm lưu hành ở tất cả các nơi trên thế giới. Các triệu chứng của cúm mùa bao gồm sốt đột ngột, ho (thường là ho khan), đau đầu, đau cơ và khớp, mệt mỏi, đau họng và chảy nước mũi. Ho có thể nặng và kéo dài từ hai tuần trở lên.
Hầu hết mọi người phục hồi hết sốt và các triệu chứng khác trong vòng một tuần mà không cần chăm sóc y tế. Tuy nhiên, cúm mùa có thể gây ra bệnh nặng hoặc tử vong, đặc biệt ở nhóm đối tượng nguy cơ cao bao gồm trẻ nhỏ, người già, phụ nữ mang thai...
Bất kỳ chủng cúm nào cũng nguy hiểm vì đều có khả năng gây biến chứng viêm phổi. Vì thế, khi có dấu hiệu cúm, sốt, ho… người dân không nên chủ quan. Nếu có các triệu chứng nặng nên vào viện để được hỗ trợ, đặc biệt là để được phân lập, xác định chủng virus cúm đang mắc phải để có hướng điều trị kịp thời.
Ngoài ra, để phòng bệnh cúm, người dân nên thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, như thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh mũi họng bằng nước muối sinh lý, thường xuyên đeo khẩu trang khi tới nơi đông người, tiếp xúc với người bệnh…